Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

20/08/2020 - 09:25 PM

Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngày 20/8/2020, tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của ngành Nông nghiệp trong 5 năm vừa qua, tình hình đầu tư công trong 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020) và các vướng mắc kiến nghị; đồng thời đề xuất các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và dự kiến các công việc trọng tâm, các chương trình, đề án lớn và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới (giai đoạn 2021 - 2025).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng  Bộ KH&ĐT phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&ĐT có lãnh đạo các đơn vị: Vụ Kinh tế nông nghiệp,  Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường, Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ Quản lý quy hoạch, Văn phòng Bộ và Vụ Thi đua và Truyền thông. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tham dự buổi làm việc.
           Về phía Bộ NN&PTNT có ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ và lãnh đạo các đơn vị của Bộ: Kế hoạch, Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục quản lý xây dựng công trình, Ban Quản lý Dự án thủy lợi, Quản lý Dự án Nông nghiệp, Quản lý Dự án Lâm nghiệp.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn đầu tư giao cho Bộ khoảng 70 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới giao Bộ được khoảng 62 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 giải ngân trái phiếu Chính phủ và ngân sách tập trung dự kiến sẽ đạt 100%. Nhóm ODA dự kiến đạt khoảng 85%. Về giải phóng mặt bằng dự kiến đạt khoảng 70%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 

Ông Nguyễn Xuân Cường,  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi làm việc

 

Trong 5 năm, kết quả triển khai đầu tư của Bộ đạt được số lượng lớn. Cụ thể: tổng dung tích các hồ chứa sẽ tăng lên khoảng 1,4 tỷ m3 (Hiện nay, toàn bộ hệ thống hồ thủy lợi được 14,5 tỷ m3, hồ thủy điện khoảng 65 tỷ m3). Diện tích cấy trực tiếp tăng lên khoảng 80 ngàn ha. Tạo nguồn và nâng cao năng lực tưới cho khoảng 320 ngàn ha, trong đó riêng về nâng cao năng lực tiêu cho khoảng 400 ngàn ha. Kiểm soát nước mặn, ngọt cho khoảng 1 triệu ha. Ngoài ra, trong 5 năm, Bộ NN&PTNT cũng đã tu bổ được 1.320 km đê trong đó có 700 km đê biển và 620 km đê sông. Trong giai đoạn này, nhiều công trình quy mô lớn cũng đã tạo được ấn tượng tốt, tiêu biểu như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận). Đây là một trong những hệ thống thủy lợi sử dụng khoa học công nghệ. Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn đầu tư trung hạn tới nếu tiếp tục triển khai hồ Tân Mỹ sẽ trở thành hệ thống thủy lợi hiện đại nhất khu vực.

Đối với Thủy sản, toàn bộ năng lực tránh lũ, bão sau 5 năm đầu tư đến nay đã tăng lên đáng kể. Số lượng lượt hàng qua các cảng thủy sản đã tăng lên 55%. 

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, điểm nổi bật trong triển khai nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT trong giai đoạn 2016 - 2020 là tiết kiệm chi phí dự phòng, chỉ những công trình đặc biệt hoặc nguy hiểm đến an toàn và yếu tố kỹ thuật cao thì mới được phép dùng chi phí dự phòng. Hiện tổng vốn dự phòng công trình chung của cả giai đoạn là 3.600 tỷ đồng. Các dự án của Bộ NN&PTNT đa lĩnh vực, cấp độ và chủ đầu tư rất khác nhau. Các công trình đầu tư của Bộ từ 1 tỷ đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong 288 dự án của giai đoạn này, có 49 dự án trái phiếu Chính phủ là lớn, còn lại từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã hoàn tất các công trình đầu tư, không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước hết là hệ thống kênh mương về cơ bản chưa có. Hệ thống công trình thủy lợi đang bị xuống cấp trầm trọng, nhu cầu cần sửa chữa là rất lớn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang tác động rất lớn đến hạ tầng xây dựng của ngành. Trong triển khai nhiệm vụ giai đoạn tới 2021 - 2025, Bộ NN&PTNT xác định nguyên tắc mục tiêu: Một là, tập trung đầu tư vào các dự án có tính kết nối liên vùng tạo động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, tập trung cho các dự án để đảm bảo an ninh lương thực. Ba là, các dự án để đảm bảo an toàn đặc biệt là an toàn trước biến đổi khí hậu và thiên tai. Bốn là, lựa chọn các dự án ưu tiên để hoàn thành được trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhất trí với kết quả đánh giá hoạt động đầu tư của Bộ NN&PTNT trong 5 năm qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển ấn tượng vượt bậc đạt nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất của ngành nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Xuất khẩu trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý ngành nông nghiệp trong đầu tư cần tập trung cho nghiên cứu như: Phát triển xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ như vậy sẽ có tác động lớn trong sản xuất và dẫn dắt ngành nông nghiệp.

Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, xây dựng kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới ngoài đáp ứng cho cả ngắn hạn và dài hạn thì mục tiêu quan trọng nhất là tái cơ cấu ngành. Trong tái cơ cấu ngành, ngành nông nghiệp phải thấy được vấn đề thách thức đan xen. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đầu tư của ngành nông nghiệp cần mang tính chiến lược và căn cơ để đảm bảo giải quyết được những vấn đề trước mắt và cả lâu dài trước những thách thức của ngành hiện nay và trong thời gian tới.

Về đầu tư cơ bản trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhất trí với kế hoạch triển khai tập trung của Bộ NN&PTNT đưa ra. Theo đó, cần tập trung vào những việc lớn như: An ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu; cần có chương trình mang tính căn cơ, đặc biệt là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long hai Bộ sẽ phối hợp để nghiên cứu tìm ra giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhất trí với ý kiến của Bộ NN&PTNT về cách tiếp cận công việc trong thời gian tới, theo đó hai bên sẽ gặp nhau để đánh giá chung toàn bộ về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ; cũng như những vấn đề được và chưa được của ngành trong 5 năm để từ đó có các giải pháp cùng tháo gỡ./.

M.T

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top