Bộ KHĐT xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19

07/04/2020 - 11:35 AM
Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều tầng lớp dân cư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan triển khai xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch COVID-19.

Dự thảo Nghị quyết đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 (vào ngày 01/4/2020), được các thành viên Chính phủ đánh giá cao. Sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số bộ, ngành liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sớm trình Thủ tướng ký ban hành.

Ngày 05/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Căn cứ ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Dựa vào đó, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.

Dự thảo nghị quyết được xây dựng trên cơ sở 6 quan điểm của Chính phủ, đó là: (i) Xây dựng và thực hiện ngay các chính sách; kịp thời hỗ trợ cuộc sống người lao động, người dân bị ảnh hưởng hưởng của dịch COVID-19. (ii) Chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trong bối cảnh dịch COVID-19 là trách nhiệm của nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và sự tham gia của toàn xã hội. (iii) Đối tượng hỗ trợ là người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch. (iv) Tiêu chí, cách làm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai thực hiện và dễ quản lý, giám sát. (v) Tăng cường phân cấp cho địa phương trong tổ chức thực hiện. (vi) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nền tảng số để triển khai.

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung, mạng sản xuất bị đứt gãy…Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có cách tư duy mới theo hướng tích cực. Theo đó, các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu COVID-19…nhằm đủ sức tham gia một trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top