Bức tranh nông nghiệp, nông thôn tỉnh Ninh Thuận: Nhiều chuyển biến tích cực và toàn diện

02/12/2021 - 02:45 PM
 Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 cung cấp bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020 với những chuyển biến tích cực và khá toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
 
Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới

Trong 5 năm (2016 - 2020), các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng. Hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, thôn đã được tăng cường.

Hệ thống mạng lưới điện đến các xã đã được đầu tư mở rộng đạt được những kết quả đáng khích lệ

Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là điện khí hoá. Toàn tỉnh có 100% số xã và thôn đã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đạt 99,93%, sau 5 năm tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng thêm 0,58%. Như vậy, đến năm 2020, ở khu vực nông thôn chỉ còn 0,07% số hộ chưa sử dụng điện. Điện khí hóa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân nông thôn. Đồng thời cũng góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn.

Đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện đời sống, sức khỏe, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách và sự bất bình đẳng giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn tiếp tục có bước phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông ngày được phát triển, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được thực hiện bảo trì thường xuyên; tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn; đồng thời phát huy tốt các hình thức xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng và bảo trì công trình giao thông nông thôn góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế -xã hội khác.

Trụ sở UBND các xã được xây dựng tại những nơi thích hợp thuận lợi cho người dân trong việc liên hệ, kết nối với chính quyền địa phương. Có 100% số xã có đường xe ô tô đến trụ sở UBND xã đi được quanh năm và được nhựa, bê tông hóa đạt 95,74% do xây dựng ở nơi mới chưa hoàn chỉnh đường giao thông. Hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng phát triển mạnh với 99,22% số thôn ô tô có thể đi đến trụ sở UBND xã.

Hệ thống giao thông đường trục xã được quan tâm phát triển, với 97,87% số xã có đường trục xã được rải nhựa/ bê tông hóa; trong đó xã có đường trục xã được rải nhựa/ bê tông hóa đạt 100% là 38 xã, chiếm 80,85% tổng số xã, tăng 8 xã so với 5 năm trước. Có 46 xã có đường trục thôn được rải nhựa/ bê tông hóa, chiếm 97,87% tổng số xã, tăng 2 xã so 5 năm trước; trong đó số xã có đường trục thôn được rải nhựa/ bê tông hóa đạt 100% là 26 xã, chiếm 55,32% tổng số xã, tăng 2,16 lần so với 5 năm trước. Số thôn có đường ô tô đi đến được là 255 thôn, chiếm 99,22% số thôn trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng cả về bề rộng và chiều sâu là điều kiện hết sức thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống trường, lớp mầm non và giáo dục phổ thông ở nông thôn được nâng cấp, chất lượng dạy và học nâng lên đáng kể

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được xây dựng mới, nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất góp phần mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng đối với học sinh khu vực nông thôn.

100% số xã có trường tiểu học (tổng số 106 trường) và 44 xã (chiếm 93,6%) có trường trung học cơ sở (tổng số 47 trường). Tổng số trường trung học phổ thông trên địa bàn nông thôn có 47 trường ở 8 xã. Trường mẫu giáo/mầm non được xây dựng kiên cố, bán kiên cố với 51 trường, trong đó 27 trường thuộc xã miền núi. Các trường mẫu giáo/mầm non cùng với 106 điểm trường trên địa bàn các xã đã góp phần đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em và hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em trên địa bàn nông thôn.

Hệ thống trường học được đảm bảo ở toàn bộ các xã, đã tạo điều kiện thuận lợi để học sinh không phải đi học xa, góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học, nhất là các xã ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống thiết chế văn hóa được bổ sung hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của dân cư nông thôn

Tại thời điểm 01/7/2021, Ninh Thuận có 42 xã có nhà văn hóa xã/ hội trường đa năng, chiếm 89,36% tổng số xã, tăng 2,2 lần so với năm 2016; có 15 xã (chiếm 31,91%) có bưu cục xã, giảm 10,64% điểm phần trăm so năm 2016; 31 xã (chiếm 65,96%) có điểm bưu điện văn hóa xã, giảm 2,13% điểm phần trăm so năm 2016, cho thấy hiệu quả hoạt động của các trạm bưu điện xã và điểm bưu điện văn hóa xã ở một số nơi còn thấp, chưa chú trọng đầu tư nâng cấp. Ngoài ra 242 thôn có nhà văn hóa/ nhà sinh hoạt cộng đồng, chiếm 94,16% tổng số thôn, tăng 28 điểm phần trăm so với năm 2016; 167 thôn có có khu thể thao thôn/nơi sinh hoạt văn hóa thể thao, chiếm 64,98% tổng số thôn, tăng 26,8 điểm phần trăm so với năm 2016, đã khẳng định chính quyền địa phương các cấp của tỉnh bước đầu đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về văn hóa đọc cho người dân ở khu vực nông thôn.

100% xã trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt hệ thống loa truyền thanh (năm 2016 đạt 87,23%), với 254 thôn chiếm 98,83% số thôn toàn tỉnh có hệ thống loa truyền thanh, tăng 22,95 điểm phầm trăm so năm 2016. Đến nay, hệ thống này vẫn đang được duy trì và vận hành hiệu quả, phát huy tốt việc tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, cung cấp kịp thời những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới cũng như là các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh...

Không chỉ phát triển cấp xã, các điểm văn hóa thể thao còn được xây dựng ở cấp thôn. Đến năm 2020, có 94,16% số thôn có nhà văn hóa thôn (năm 2016 là 66,15%); 64,98 số thôn có khu thể thao thôn (năm 2016 đạt 38,13%); góp phần tăng số thôn được công nhận thôn văn hóa năm 2020 lên 232 thôn, chiếm 90,27%, tăng 18,29 điểm phầm trăm so với năm 2016. Nhìn chung, hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông và văn hoá ở nông thôn đã có sự phát triển qua các năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.

Hệ thống y tế được tăng cường, quan tâm đầu tư đạt được những kết quả đáng khích lệ

Hệ thống trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp toàn diện cả về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ cũng như cơ sở vật chất. Năm 2020, có 95,74% xã có trạm y tế, giảm 2 trạm do 2 xã có Trung tâm y tế huyện nên không có trạm y tế xã, tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố hiện nay đạt 64,44% (năm 2016 đạt 51,05%); bán kiên cố đạt 35,56% (năm 2016 đạt 48,94%). Đến thời điểm 01/7/2020 có 21 bác sĩ đang làm việc tại các trạm y tế xã, giảm 12,5% (giảm 3 người) so với thời điểm 01/7/2016; số bác sĩ trên 1 vạn dân nông thôn đạt 0,52 bác sĩ/ vạn dân (năm 2016 đạt 0,66).

Những năm qua hệ thống y tế cơ sở, trong đó y tế xã đóng vai trò nòng cốt, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ số sức khoẻ, tăng cường tiếp cận của người dân tới dịch vụ y tế chất lượng, giúp người dân tin tưởng và đến khám, chữa bệnh ban đầu tại hệ thống y tế cơ sở, giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên đồng thời giảm chi phí y tế cho người dân. Năm 2020 có 40 xã (chiếm 85,11%) được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (tăng 17 xã so năm 2016); 23,4% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn; 82,98% số xã có số cơ sở kinh doanh y dược đã phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nông thôn tốt hơn.

Hạ tầng vệ sinh môi trường nông thôn có những mặt được cải thiện

Việc cung cấp nước sạch, nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn từng bước nâng cao chất lượng với việc kết nối cung cấp nước sạch từ nhà máy đến các xã tăng dần qua các năm, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe của cư dân nông thôn. Đến thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn có 48,94% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (năm 2016 chiếm 31,91%); có hơn 99,7 nghìn hộ (chiếm 97,11%) được sử dụng nước máy, tăng mạnh so với 5 năm trước (năm 2016 có hơn 77,2 nghìn hộ, tương đương 79,51% số hộ được sử dụng nước máy).

Vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ có 4,26% số xã có xây hệ thống thoát nước thải chung, tăng 2,13 điểm phần trăm so năm 2016; có 4,28% số thôn có hệ thống thoát nước thải chung (năm 2016 là 0,78%). Tuy tỷ lệ xã đã xây dựng được hệ thống thoát nước thải chung chưa cao, nhưng đó là một tiến bộ bước đầu quan trọng trong chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành cũng như các hộ gia đình nông thôn về bảo vệ môi trường qua xử lý nước thải.

Các hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn những năm gần đây được nhiều địa phương quan tâm, thể hiện việc thu gom rác thải ở các xã đã có nhiều tiến bộ hơn. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 80,85% số xã có tổ chức thu gom rác thải (năm 2016 là 70,21%); đối với thôn tỷ lệ này đạt 76,65% (năm 2016 là 65,76%) số thôn.

Dịch vụ hỗ trợ kinh tế nông thôn và kinh tế phi nông nghiệp có bước phát triển mới

Tại thời điểm 01/7/2020, cả tỉnh có 8 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, chiếm 17,02% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, hệ thống tín dụng, ngân hàng nông thôn thực sự là nguồn cung ứng vốn quan trọng hỗ trợ kinh tế - xã hội nông thôn phát triển.

Chợ nông thôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế hàng hoá, kích thích trao đổi hàng hoá giữa các vùng và trong nội bộ dân cư trên địa bàn. Tính đến 01/7/2020, toàn tỉnh có 37 xã có chợ, chiếm 78,72% số xã, trong đó tỉ lệ xã miền núi chiếm 44,44%; chợ xây dựng từ bán kiên cố đến kiên cố chiếm 77% số chợ. Có 76,6% số xã có chợ hàng ngày với 83 chợ, bình quân 2,24 chợ/ xã có chợ hàng ngày (tỉ lệ ở miền núi là 1,76 chợ hàng ngày/xã có chợ hàng ngày). Hệ thống chợ phiên, chợ hàng ngày đã giúp người dân có điều kiện thuận lợi hơn để trao đổi hàng hoá và giao lưu văn hoá với các xã từ miền núi với đồng bằng, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần, xây dựng nông thôn mới.

Tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục có xu hướng tăng

Tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trong kinh tế nông thôn có xu hướng gia tăng, thể hiện rõ nhất ở tỷ trọng cơ cấu hộ nông thôn. Tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn có 49.567 hộ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 48,24% tổng số hộ nông thôn, tăng 7,56 điểm phầm trăm so với năm 2016. Xu hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế phi nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng được thể hiện trong cơ cấu hộ nông thôn phân theo nguồn thu nhập lớn nhất. Theo kết quả điều tra, tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm trong tổng số hộ nông thôn của toàn tỉnh tăng từ 41,74% năm 2016 lên 52,76% năm 2020.

Thực hiện các chính sách an sinh xã hội

Xác định rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chính sách đã được ban hành, như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; vay vốn ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm, dịch vụ việc làm; bảo hiểm xã hội tự nguyện; các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động… đã góp phần tạo động lực ổn định chính trị - xã hội, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn được các cấp chính quyền quan tâm, trong năm 2019 có trên 6, nghìn lượt người được tham gia các lớp tập huấn, trong đó có gần 6,5 nghìn lượt người được tập huấn về kiến thức, kỹ thuật trong hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên đối với công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: nhận thức về việc làm, dạy nghề ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, nguồn ngân sách còn hạn chế, thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề ở một số địa phương còn thiếu tính cụ thể, giải quyết việc làm cho lao động chuyển đổi nghề sau đào tạo còn nhiều khó khăn...
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới triển khai rộng khắp, đạt kết quả quan trọng
Bộ mặt nông thôn tỉnh Ninh Thuận những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến hết năm 2020, kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được khá toàn diện. Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và các phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ Ninh Thuận chung tay xây dựng NTM”,… và các hội thi đã tạo sức lan tỏa, thực sự có ý nghĩa và được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 57,45% số xã; có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Ninh Phước và Ninh Hải), đạt 100% kế hoạch.

Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung đầu tư, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân khu vực nông thôn. Phát triển sản xuất có nhiều điểm mới, nổi bật, thu hút được nhiều loại hình kinh tế đầu tư vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại hiệu quả; thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, cánh đồng mẫu đạt kết quả cao góp phần thay đổi cách thức sản xuất... Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện, các tổ chức, cá nhân dần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập, điều kiện và mức sống được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm; văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường từng bước nâng cao chất lượng; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững... đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Huy động nguồn lực đạt kết quả cao, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương so với ngân sách Trung ương vượt so với quy định, cơ bản nợ đọng xây dựng nông thôn mới đã được xử lý. Hệ thống cơ chế chính sách được ban hành đồng bộ đã tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện, thu hút đầu tư và huy động được nội lực rất lớn trong nhân dân.
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top