Cam kết phòng vệ thương mại trong EVFTA

04/06/2021 - 03:34 PM
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là có mức cam kết cao nhất trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, hứa hẹn đem lại cho Việt Nam những lợi ích, kỳ vọng vô cùng lớn; đồng thời cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ trong đó có các vấn đề về phòng vệ thương mại. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững các cam kết phòng vệ thương mại của EVFTA để có sự chuẩn bị tốt nhất cho những cơ hội và thách thức đi cùng.

Cam kết PVTM trong EVFTA có thêm điểm mới so với cam kết chung của WTO

Phòng vệ thương mại (PVTM) là những biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu mà mỗi nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có quyền áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Trong số các thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang xuất khẩu hàng hóa, EU là đối tác có quan hệ tương đối chặt chẽ và cũng áp dụng tương đối ít biện pháp phòng vệ thương mại. Khi EVFTA có hiệu lực, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của 2 bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn, giúp gia tăng cơ hội xuất khẩu đối với hàng hóa của cả Việt Nam và EU. Cũng từ đây, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực đẩy lên cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng đáng kể.

Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại đến giữa năm 2020, EU đã điều tra 14 vụ việc PVTM, trong đó có 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc PVTM với hàng hóa Việt Nam. Các sản phẩm điều tra gồm: Giày, mũ da, ống thép, ốc vít, xe đạp, sợi, thép, xe tay nâng, bật lửa ga, vòng khuyên kim loại, đèn huỳnh quang, o xít kẽm, mỳ chính. Phía Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ; số vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Việc bị áp dụng các biện pháp PVTM không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Chính vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các công cụ phòng vệ được cam kết cụ thể trong EVFTA của cả Việt Nam và đối tác EU. Về cơ bản, các cam kết phòng vệ thương mại trong EVFTA đều dựa trên các quy định về phòng vệ thương mại của WTO là chủ yếu, ngoài ra có bổ sung thêm một số cam kết mới mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ phòng vệ hợp pháp, tiến bộ và quan trọng là đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định. Trong đó, các cam kết mới trong EVFTA về phòng vệ thương mại được tập trung vào các vấn đề sau:

Cam kết về minh bạch hóa: Bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc và điều kiện trong WTO, trong quy trình khởi xướng, điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo các yêu cầu về: Công khai thông tin bằng văn bản cho các bên liên quan để đưa ý kiến bình quân với các nội dung liên quan; Các bên liên quan phải có cơ hội thể hiện quan điểm của mình trong quá trình điều tra PVTM; Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chung giữa Việt Nam và EU trong quá trình điều tra PVTM.

Quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn: EVFTA quy định việc áp dụng quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn. Theo đó, khi Việt Nam hoặc EU áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc đối kháng, mức thuế được áp dụng phải căn cứ vào biên độ phá giá hoặc biên độ trợ cấp và chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại. Hiện nay, cả Việt Nam và EU đều đang áp dụng quy tắc này trong luật nội địa của mình cho tất cả các đối tác một cách tự nguyện, nhưng bắt buộc phải sử dụng với đối tác EU và ngược lại.

Về lợi ích công cộng: Điều đáng nói trong các cam kết về PVTM của EVFTA là các biện pháp PVTM chỉ được áp dụng khi hội tụ đủ 3 yếu tố như quy định của WTO (có bán phá giá, có thiệt hại đáng kể, có mối quan hệ nhân quả) và cần phải có thêm 1 yếu tố thứ tư là không ảnh hưởng tới lợi ích công cộng. Có thể coi đây là một yếu tố “nhân văn” nằm trong cam kết của EVFTA đối với mỗi bên khi dành sự quan tâm tới hiện trạng và quan điểm của ngành sản xuất nội địa, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội đại diện cho nhà nhập khẩu và người tiêu dùng cũng như đơn vị hạ nguồn.

Với biện pháp tự vệ toàn cầu: EVFTA quy định các bên tiếp tục tuân thủ các quy định của WTO về biện pháp tự vệ đồng thời bổ sung thêm các cam kết như: Bên khởi xướng điều tra/chuẩn bị áp dụng biện pháp tự vệ phải thông báo bằng văn bản tất cả các thông tin cơ bản và căn cứ ra quyết định trong vụ việc tự vệ; Tạo điều kiện trao đổi song phương giữa 2 bên và chỉ được áp dụng chính thức biện pháp tự vệ sau 30 ngày kể từ khi trao đổi song phương thất bại.

Biện pháp tự vệ song phương: Việt Nam và Eu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong 10 năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực khi sự gia tăng hàng nhập khẩu từ 1 bên đối tác do việc cắt giảm thuế theo Hiệp định là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa; ngoài khoảng thời gian này, việc áp dụng cần có sự đồng ý của bên bị áp dụng.

Với các cam kết mới, EVFTA có bổ sung quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ PVTM để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch, nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, trước bối cảnh ngày càng gia tăng các biện pháp bảo hộ, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết, quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích của Hiệp định, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

 
Cam kết phòng vệ thương mại trong EVFTA
Ảnh minh họa

Nâng cao năng lực phòng vệ để tự tin với EVFTA

Việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực. Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại rất lớn nên có thể phát sinh rất nhiều nguy cơ khi doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ bằng cách mượn đường qua Việt Nam để lẩn tránh các biện pháp PVTM của EU nhằm hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, việc bị đối tác khởi xướng điều tra vụ việc PVTM có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như ít nhiều gây tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp khi vướng phải khúc mắc với doanh nghiệp nước ngoài.

Đứng trước những nguy cơ nhãn tiền, nhất là trong bối cảnh xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia gia tăng khởi xướng điều tra như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và đặc biệt là EU, Việt Nam đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: (1) Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM; có bản tin cảnh báo sớm đăng tải công khai hàng tuần, phổ biến cho doanh nghiệp. (2) Trình Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình. (3) Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng. (4) Chủ động làm việc, phối hợp, kể cả đấu tranh với cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp. 

Đáng nói nhất là gần đây, Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về PVTM. Các quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len, Công quốc An-đô-ra và Cộng hòa San Ma-ri-nô. Từ đó có cơ sở pháp lý hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng biện pháp tự vệ song phương, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp khi thực hiện EVFTA.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, điều quan trọng trước tiên là phải nắm vững các quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước xuất khẩu; thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo, cảnh báo sớm các biện pháp PVTM từ cơ quan PVTM để chủ động kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm; đặc biệt cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu để tránh các vụ kiện chống bán phá giá, đồng thời tăng cường phối hợp với bạn hàng nước nhập khẩu để cập nhật thông tin kịp thời. Khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức, tích cực phối hợp, tham gia quá trình điều tra để tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu có sẵn có thể gây bất lợi khi đưa ra kết luận cho vụ việc. Quan trọng nữa là doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm là Bộ Công Thương, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình ứng phó vụ việc. Riêng với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, cần phối hợp cung cấp thông tin để Bộ Công Thương tổng hợp trả lời bản câu hỏi dành cho Chính phủ.

Những nỗ lực của Chính phủ và cả doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó với các vụ việc PVTM đã được hồi đáp bằng một số kết quả tích cực. Theo Cục Phòng vệ Thương mại, trong số 137 vụ việc PVTM đã kết thúc điều tra, Việt Nam đã kháng kiện thành công 57 vụ việc, chiếm tỷ lệ 41,6%. Qua đó đảm bảo được nhiều mặt hàng, nhất là mặt hàng thủy sản như cá basa, tôm… tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… với thuế suất 0% hoặc ở mức rất thấp. Việt Nam cũng khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.

Đối với trong nước, các biện pháp PVTM của EVFTA dự kiến sẽ góp phần bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý và khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước, giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU kể cả sau khi các biện pháp PVTM của EVFTA được áp dụng cho thấy, năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp ngày càng đảm bảo. Theo Số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, dự báo sự tăng trưởng kim ngach xuất khẩu sang EU có thể cao hơn nữa, khi doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA, nhất là việc phát triển vacxin Covid-19 đang rất lạc quan và đại dịch có nhiều khả năng được khống chế.

Những kết quả trên cho thấy, nếu nắm rõ và thực hiện đúng, đủ các cam kết thương mại, cam kết PVTM trong EVFTA, nâng cao năng lực thích nghi, doanh nghiệp có thể tự tin mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của mình tới với người tiêu dùng EU và có thể tự tin giải quyết các vấn đề nếu phát sinh vụ việc PVTM với đối tác. Qua đó, tận dụng triệt để những lợi ích thương mại cao nhất mà Hiệp định EVFTA mang lại./.

Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top