Cảnh báo nguy cơ gia tăng khủng hoảng lương thực toàn cầu

07/11/2022 - 03:49 PM
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới công bố ngày 26/7/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những nhận định không mấy sáng sủa về tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tình trạng bất ổn lương thực gia tăng được cho là kể từ khi kết thúc giai đoạn bùng phát mạnh nhất của đại dịch và giá lương thực, năng lượng tăng cao. Nhất là khi các quốc gia là đầu mối cung cấp lương thực lớn nhất thế giới liên tục gặp khó khăn đến từ các điều kiện chủ quan và khách quan.

Khủng hoảng từ các quốc gia đầu mối nguồn cung

Ngày 01/6/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng nặng nề nhất đến người dân, quốc gia và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, thậm chí đe dọa phá hủy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Xung đột Nga - Ukraine được cho rằng không trực tiếp gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhưng lại gián tiếp đẩy cao nguy cơ gia tăng mất an ninh lương thực.

Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho biết, Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới, đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Riêng tại Ukraine, nơi được coi là vựa lúa mì ở châu Âu, nguồn cung cấp ngũ cốc chính cho thị trường thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông và châu Phi, xung đột chính trị và quân sự với Nga đã ảnh hưởng đến thu hoạch lúa mỳ cũng như các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách dẫn đến giảm năng suất. Ước tính sản lượng ngũ cốc của Ukraine trong vụ có thể giảm hơn 50% tổng sản lượng dự kiến thu hoạch được. Thêm vào đó, việc gián đoạn xuất khẩu qua eo Biển Đen thời gian qua và sự nối lại chưa đáng kể đã làm trầm trọng hơn nguy cơ khủng hoảng lương thực khi một lượng lớn lương thực cung cấp cho thế giới đang bị tồn kho tại Ukraine. Một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 đã cho phép hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine được xuất khẩu qua Biển Đen, giúp giải tỏa phần nào căng thẳng nguồn cung. Tuy nhiên, các mối lo ngại về một cơn suy thoái kinh tế tiềm ẩn của toàn cầu đang phủ bóng đen lên các thị trường hàng hóa nông sản thế giới.

Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng phân bón thế giới. Xung đột chính trị khiến hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các lệnh trừng phạt đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Mỹ, Brazil và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón, gây ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Đồng thời, Nga cũng gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc do các lệnh trừng phạt đối với các tàu chở hàng của nước này.

 
Cảnh báo nguy cơ gia tăng khủng hoảng lương thực toàn cầu
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Gia tăng khủng hoảng lương thực toàn cầu không chỉ bị tác động của xung đột chính trị - quân sự, mà còn do nhiều yếu tố gây ra như biến đổi khí hậu, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ lương thực… Trong đó có biến đổi khí hậu khiến cho hạn hán, lũ lụt và thiếu nước nghiêm trọng đe dọa tới nền nông nghiệp của nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cây trồng từ các khu vực trồng trọt quan trọng của nước Mỹ đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tần suất và thời gian hạn hán đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2000. Năm 2022, châu Âu đã phải đối mặt với một mùa hè nóng và khô hạn kỷ lục mà theo các nhà khoa học đây có thể là đợt hạn nghiêm trọng nhất trong 500 năm qua. Một số cây trồng ở châu Âu đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và dự báo sản lượng ngô sẽ thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết, hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền Trung, Nam và Trung Nam đã làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất mặt, ảnh hưởng đến đất đai, cây cối, mùa màng. Hơn 43% tiểu bang của nước này phải hứng chịu hạn hán khiến nông dân phải phá bỏ cây trồng và bán gia súc vì thiếu nước canh tác. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang gánh chịu đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất kể từ những năm 1960 ở các vùng dọc sông Dương tử và vùng Tứ Xuyên, làm ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, buộc nước này phải nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn để nuôi đàn gia súc lớn và tích trữ hàng tồn kho trong nước. Sự nóng lên toàn cầu sẽ là lực cản ngày càng lớn đối với sản lượng nông nghiệp và khiến triển vọng nông nghiệp toàn cầu trong năm 2023 không mấy sáng sủa, đe dọa kéo dài cơn khủng hoảng lương thực của thế giới.

Sản lượng cây trồng suy giảm còn làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ lương thực lên cao, đẩy thế giới đứng trước những rủi ro khó lường do mất an ninh lương thực. Tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với thị phần chiếm 40% nhu cầu gạo toàn cầu cũng đang đứng trước thực trạng suy giảm khoảng 8% sản lượng trong mùa do tình trạng thiếu mưa khiến Chính phủ phải cân nhắc đến biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tấm, loại gạo chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất ethanol tại nước này. Không chỉ riêng Ấn Độ, có khoảng 30 nước trên thế giới cũng đang hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.

Sự thiếu hụt lương thực từ các quốc gia là nguồn cung lớn của thế giới đã đẩy giá lương thực trong nửa đầu năm 2022 lên những mức giá kỷ lục. Chỉ số ngũ cốc và đậu tương đang giao dịch cao hơn gần 40% so với mức trung bình 5 năm và giá cây trồng tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu. Tháng 3/2022, chỉ số giá lương thực thế giới đạt mức cao kỷ lục với 159,7 điểm. Tháng 5/2022, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Chỉ số theo dõi giá lương thực của FAO dù đã giảm từ sau tháng 6 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số giá lương thực trong tháng 8/2022 đạt trung bình 138,0 điểm, giảm 2,7 điểm (1,9%) so với tháng trước dù vẫn cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm 2021.

 
Mất an ninh lương thực buộc thế giới phải hành động

Các quốc gia châu Phi trở thành đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất hiện nay, khi phải đối mặt với khủng hoảng kép bao gồm khủng hoảng nợ và khủng hoảng lương thực. Đầu năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng gần 60% trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới - chủ yếu ở châu Phi - đã lâm vào cảnh vỡ nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ khi mức chi trả nợ ở các quốc gia có thu nhập trung bình đang ở mức cao nhất trong 30 năm, do số tiền nợ phải trả đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2010-2021. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, các nước châu Phi còn đối mặt với việc giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối. Có 23/54 quốc gia châu Phi phụ thuộc vào Nga và Ukraine, vì phải nhập khẩu hơn một nửa số mặt hàng thiết yếu từ 2 nước này. Một số quốc gia thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn, như: Sudan, Ai Cập, Tanzania, Eritrea và Benin nhập khẩu 80% lúa mì từ Ukraine và Nga, trong khi Algeria, Sudan và Tunisia nhập khẩu hơn 95% dầu hướng dương từ hai nước này.

Ảnh hưởng tại lục địa đen tàn khốc hơn khi hàng triệu người, đặc biệt ở khu vực Sừng châu Phi, bị đẩy vào nạn đói. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo, giá lương thực cao cản trở nghiêm trọng các nỗ lực hỗ trợ hàng triệu người đang cần viện trợ nhân đạo. WFP nêu rõ, khẩu phần lương thực của 75% số người tị nạn ở Ðông Phi nhận từ cơ quan này đã giảm tới 50%, trong đó các nước Ethiopia, Kenya, Nam Sudan và Uganda chịu ảnh hưởng nặng nhất. Hơn 67% dân số Nam Sudan, khoảng 8,3 triệu người, đang cần viện trợ khẩn cấp và có nguy cơ lâm vào tình trạng đói nghiêm trọng. Cảnh báo mới được WFP đưa ra vào tháng 9/2022 cũng cho biết, có hơn 345 triệu người ở 82 quốc gia có nguy cơ thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói. Con số này cao hơn gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Trước thực tại, cộng đồng quốc tế đã vào cuộc mạnh mẽ để tìm cách tháo gỡ cơn khủng hoảng lương thực đang góp phần đẩy kinh tế thế giới vào vòng xoáy suy thoái hiện nay. Ngày 22/5, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang diễn ra. Theo đó, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực thông qua các hành động phối hợp, gồm cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết kêu gọi thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, cởi mở, không phân biệt đối xử và bình đẳng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), coi an ninh lương thực toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và hỗ trợ các nỗ lực đa phương tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng.

Trong tháng 7/2022, một loạt các khoản viện trợ hàng tỷ USD được công bố nhằm ứng phó khủng hoảng lương toàn cầu. Nhằm góp phần giải quyết bài toán cấp bách về lương thực, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết cung cấp 5 tỷ USD cho nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Trong đó, 2,76 tỷ USD là khoản viện trợ mà Mỹ cam kết để hỗ trợ vận chuyển lương thực tới hơn 47 quốc gia và các tổ chức khu vực. Trong số này, khoảng 2 tỷ USD được sử dụng để cung cấp lương thực trực tiếp, phần còn lại được dành cho viện trợ ngắn hạn và trung hạn một cách bền vững. Canada cũng công bố khoản viện trợ mới trị giá 250 triệu CAD dành cho WFP, trong bối cảnh Ottawa đang thúc đẩy sự đồng thuận của các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. Nhật Bản thông báo chi tiết khoản viện trợ gần 200 triệu USD nhằm hỗ trợ lương thực và tăng cường năng lực sản xuất cho các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Các thành viên G20 cam kết thăm dò khả năng hợp tác sâu hơn nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, trong đó có hợp tác thông qua hệ thống Liên hợp quốc, hoặc các tổ chức quốc tế.

Những nỗ lực của các bên nhằm mở cửa thông thương lương thực xuất khẩu từ Ukranie qua biển Đen trong tháng 7 cũng đạt được kết quả khi một khối lượng lương thực được thông quan. Tuy nhiên, con số thông quan là chưa đáng kể so với nhu cầu giải quyết nạn đói của thế giới cũng như tồn kho tại Ukraine tại thời điểm này.

Một điểm sáng nữa đó là ngày 21-9 trang imf.org của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc Qu Dongyu, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới David Beasley và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala đã ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, giải quyết các vấn đề cấu trúc thị trường và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tính đến cuối tháng 9/2022, WB đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Trong khi đó, IMF đề xuất biện pháp giảm "cú sốc" lương thực mới trong các công cụ cho vay khẩn cấp. Còn FAO đã đề xuất một loạt khuyến nghị chính sách và đưa ra bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón

Trong trước mắt, các biện pháp được đưa ra để ứng phó với vấn đề gia tăng khủng hoảng lương thực toàn cầu là tập trung cứu trợ đúng trọng điểm, thận trọng trong việc sử dụng biện pháp cấm xuất khẩu và minh bạch thông tin để chống tâm lý đầu cơ. Về lâu dài, chấm dứt khủng hoảng lương thực cũng như đói nghèo ở các quốc gia cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới trong việc chấm dứt khủng hoảng năng lượng, chống biến đổi khí hậu, chấm dứt xung đột, tăng trưởng xanh, tiết kiệm, phát triền nền nông nghiệp bền vững./..

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top