Châu Á lại oằn mình với sóng dữ Covid-19

10/09/2021 - 10:20 AM
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 1 giờ sáng 2/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid -19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 171,9 triệu ca bệnh, trong đó có trên 3,57 triệu ca tử vong. Sự tái bùng phát các đợt dịch cùng sự xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đã đưa Châu Á trở thành tâm dịch của thế giới và gây áp lực lớn cho hệ thống y tế của các quốc gia trong khu vực.

Ấn Độ hiện đang là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì Covid-19 tại châu Á và cũng là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Tính đến sáng ngày 2/6, Ấn Độ ghi nhận 28,3 triệu ca nhiễm Covid-19 và 335 nghìn ca tử vong. Trong 2 tháng qua, với số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng theo cấp số nhân/ngày, Ấn Độ đã phải liên tục ghi nhận những cột mốc u ám và trải qua những ngày “chết chóc” lịch sử. Tính trung bình mỗi ngày, Ấn Độ có thêm 200 nghìn ca nhiễm mới và khoảng 3 nghìn ca tử vong. Nhiều chuyên gia cho rằng con số thống kê dịch bệnh trên thực tế tại Ấn Độ cao hơn nhiều so với ghi nhận chính thức, bởi trên thực tế dịch bệnh đã lan rộng từ các thành phố lớn đến khu vực nông thôn. Nhiều gia đình ở nông thôn Ấn Độ thậm chí không còn ai sống sót.

Theo phân tích, nguyên nhân khiến Ấn Độ phải hứng chịu làn sóng lây lan dịch bệnh lần thứ 2 rất mạnh mẽ là do xuất phát từ tâm lý chủ quan của chính quyền các bang và người dân, cho rằng đã ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát vào đầu năm nay. Nhiều hoạt động cộng đồng (như bầu cử địa phương, tụ họp tôn giáo và lễ hội) được diễn ra, nhưng người dân tham gia các hoạt động này không nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Ấn Độ có khoảng hơn 60% dân số sống tại các vùng nông thôn với thu nhập trung bình khá thấp, khoảng 2 USD/ngày. Trong số này có lượng lớn người dân di cư đến các đô thị lớn tìm kiếm việc làm và sống trong những khu ổ chuột vốn có không gian chật chội cùng chất lượng vệ sinh kém, tạo môi trường thuận lợi cho virus lây lan nhanh hơn.
 
Đợt bùng dịch lần này đã và đang gây một áp lực rất lớn đến hệ thống y tế Ấn Độ. Tất cả bệnh viện đều quá tải bệnh nhân, trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc hỗ trợ cứu chữa thiếu thốn nghiêm trọng ở khắp nơi. Nước này đã phải chưng dụng loại xe lam 3 bánh thành xe cứu thương dã chiến để cứu giúp người dân trong lúc hệ thống y tế vụn vỡ trước sức tàn phá của làn sóng dịch bệnh.
 
Châu Á lại oằn mình với sóng dữ Covid-19
Ảnh minh họa

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều bang nước này phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu, trung tâm mua sắm, thậm chí là cả lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng qua. Đồng thời, xây dựng khẩn cấp các siêu bệnh viện dã chiến và chuyển đổi một số khách sạn thành các trung tâm chăm sóc bệnh nhân tại một số địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này khẩn trương đa dạng hóa nguồn cung vaccine và khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới. Nhờ hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ, cuối tháng 5/2021, số người nhiễm bệnh tại Ấn Độ có chiều hướng dịu nhẹ hơn và dịch bệnh cơ bản được khống chế, song số ca mắc mới mỗi ngày vẫn là trên 100 triệu ca.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, do người dân thiếu ý thức tuân thủ các quy định giãn cách xã hội cùng sự xuất hiện của các biến thể virus mới, từ cuối tháng 3/2021 đến nay, nước này đã phải gồng mình chống chọi với làn sóng dịch bệnh lần thứ 3. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đầu tháng 4/2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm từ 19h tối đến 5h sáng cho các ngày thường, riêng ngày cuối tuần phong tỏa. Tuy nhiên, biện pháp trên dường như không đủ mạnh để Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát dịch. Dịch bệnh tại đây đã đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 4/2021 với số ca nhiễm mới trung bình trong ngày lên tới trên 60 nghìn ca. Số ca lây nhiễm mới tăng chóng mặt đã buộc các nhà chức trách nước này thắt chặt biện pháp phòng dịch. Cụ thể là vào cuối tháng 4/2021, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố lệnh “đóng cửa toàn diện” trên toàn quốc cho tới ngày 17/5, gồm phong tỏa, đóng cửa các trường học và hạn chế đi lại liên tỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm dịch Covid-19. Người dân sẽ phải ở trong nhà trừ việc đi mua nhu yếu phẩm và điều trị y tế khẩn cấp. Nhờ vậy, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm mạnh, chỉ còn 6-7 nghìn ca. Thế nhưng, với 5,3 triệu ca nhiễm bệnh và 47,7 nghìn ca tử vong tính tới sáng ngày 02/6 (theo worldometers.info), quốc gia này vẫn đang là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới.

Một quốc gia khác trong khu vực châu Á hiện cũng đang phải ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày khá cao là Iran. Quốc gia này đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid lần thứ tư sau khi hàng triệu người dân nước này di chuyển, đi lại trong dịp lễ Nowruz - lễ hội đón năm mới của người dân Iran (bắt đầu từ ngày 20/3). Bắt đầu từ thời điểm ngày 30/3 khi Iran đạt cột mốc mới (vượt ngưỡng 10 nghìn ca nhiễm trong ngày), làn sóng dịch bệnh dần leo dốc và đạt đỉnh vào ngày 16/5 với con số 25,3 nghìn ca nhiễm mới. Trước tình hình căng thẳng đó, Iran đã thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại các khu vực có nguy cơ cao và cho khai trương Trung tâm tiêm chủng Covid-19 lớn nhất cả nước ở thủ đô Teheran. Điều này đã giúp giảm tốc độ lây lan của làn sóng dịch bệnh và chỉ còn hơn 10 nghìn ca nhiễm mới trong ngày 01/6 vừa qua. Hiện Iran đứng thứ 13 thế giới với tổng số ca nhiễm Covid-19 là 2,9 triệu người, trong đó có 10,7 nghìn trường hợp tử vong. Với mong muốn sớm chặn đứng dịch bệnh và không thể trông chờ vào nguồn vaccine mua từ nước ngoài, cuối tháng 5 Iran đã tự sản xuất được một triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng. Nước này sẽ cố gắng sản xuất 3 triệu liều vaccine vào tháng 6, tăng năng lực sản xuất vào tháng 7 và đạt hơn 18 triệu liều vào tháng 9, cũng như sẽ tăng hiệu quả của vaccine này.

Tương tự, tại các nước như Iraq, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vẫn đang ghi nhận thêm hàng trăm, hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày.

Tại khu vực ASEAN, những làn sóng Covid-19 khốc liệt mới cũng ập đến các quốc gia thành viên. Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính tới cuối ngày 31/5, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng trên 4 triệu ca mắc Covid-19 và 78,9 nghìn ca tử vong.

Dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng nhất trong khu vực ASEAN là Indonesia. Ngày 2/3/2020, Indonesia có ca mắc Covid-19 đầu tiên. Đến nay sau hơn 1 năm đại dịch bùng phát, làn sóng Covid-19 đầu tiên tại quốc gia này vẫn chưa kết thúc. Hiện tổng số người mắc tại quốc gia vạn đảo là 1,83 triệu người và trên 50,7 nghìn ca bệnh tử vong. Mỗi ngày nước này ghi nhận thêm 4-5 nghìn ca mắc mới. Mặc dù vào cuối tháng 3, Chính phủ Indonesia ra quyết định giới hạn hoạt động cộng đồng tầm vi mô tới cuối tháng 5 và cấm người dân rời khỏi các vùng đô thị để trở về quê nhà trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19, thế nhưng số ca mắc Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngày 25/5 Chính phủ Indonesia đã phải kéo dài các biện pháp hạn chế phòng, chống Covid-19 quy mô nhỏ từ ngày 31/5 đến 14/6. Đồng thời đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 bằng các chương trình tiêm chủng của chính phủ và tiêm chủng hợp tác với khu vực tư nhân.

 
Biểu 1: Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của các nước khu vực ASEAN
(tính đến sáng ngày 02/6/2021)
Châu Á lại oằn mình với sóng dữ Covid-19 1
                                                                                   Nguồn số liệu: Trang Worldometers.info

Với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày cũng đang khiến dịch bệnh tại Philippines trở nên phức tạp. Từ đầu tháng 4, Philippines ghi nhận trung bình hơn 10,4 nghìn ca mắc mới mỗi ngày, gần gấp đôi con số được ghi nhận trong tháng 3, và vượt xa con số trung bình 213 ca mỗi ngày hồi tháng 4/2020. Tốc độ lây lan của dịch bệnh lần này tại Philippines được nhận định là do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV- 2 và tình trạng vi phạm phổ biến các quy định phong tỏa của người dân nước này. Từng ngày, Chính phủ Philippines vẫn đang phải nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh bằng việc áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại vùng thủ đô Manila và 4 khu vực phụ cận. Dù vậy số ca nhiễm mới trong ngày của nước này vẫn ở mức cao (gần 5,2 nghìn ca), cao hơn cả số ca nhiễm mới trong ngày của "ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á" là Indonesia (4,8 nghìn ca). Tính đến sáng 2/6, tổng số ca bệnh ở Philippines đã vượt mốc 1,2 triệu người, trong đó có trên 21 nghìn trường hợp không qua khỏi. Các con số này đã đưa Philippines trở thành ổ dịch lớn thứ 2 của khu vực Đông Nam Á cả về số ca nhiễm và số ca tử vong và khiến cho hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng “căng như dây đàn”.


Tình hình dịch bệnh tại Malaysia cũng đang trong xu thế leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh trong những ngày qua. Hiện nước này ghi nhận 579,5 nghìn ca nhiễm và 2,9 nghìn ca tử vong. Điều đáng quan ngại là ngày càng nhiều người trẻ tuổi tại nước này mắc Covid-19 với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí phải điều trị tích cực (ICU), đặc biệt là xuất hiện nhiều ca bệnh do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, chính phủ Malaysia đã tái áp dụng lệnh kiểm soát đi lại tại nhiều khu vực từ đầu tháng 5, cấm tổ chức các sự kiện, hoạt động xã hội, giáo dục, kinh tế có thể dẫn tới tụ tập đông người và các hoạt động chính thức và xã giao trực tiếp của chính quyền cũng như khối tư nhân. Bên cạnh đó là hàng loạt các biện pháp như yêu cầu nghiêm túc tuân thủ lệnh làm việc tại nhà, giới hạn khung giờ hoạt động của các doanh nghiệp. Các phương tiện giao thông công cộng như LRT và xe buýt chỉ được phép hoạt động với 50% sức chứa và tần suất hoạt động cũng sẽ giảm. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, trạm xăng dầu (trừ đường cao tốc) chỉ được hoạt động từ 8h00 đến 20h so với khung giờ từ 6h đến 22h như trước đây.

Tình hình dịch bệnh tại Thái Lan cũng khá phức tạp trong những ngày cuối tháng 5 với số ca mắc mới trong ngày lên tới 3-4 nghìn ca, tăng vọt hơn 1.000% so với tháng trước. Tính tới ngày 2/6, Thái Lan có 162 nghìn ca nhiễm bệnh, trong đó hầu hết các ca nhiễm là biến thể từ Anh, có tốc độ lây lan nhanh. Điều này buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch như gia hạn việc đóng cửa các trường học tại một số tỉnh thuộc diện kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt, thay vào đó là triển khai hình thức trực tuyến qua các ứng dụng và trên các kênh truyền hình giáo dục. Thái Lan; đồng thời thiết lập các bệnh viện dã chiến để có thể đáp ứng được "cơn lũ" bệnh nhân. Một động thái mới nhất của chính quyền Thái Lan trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệch là phê chuẩn một gói kích cầu kinh tế trị giá 140 tỷ Baht (tương đương 4,5 tỷ USD) vào ngày 01/6 để giảm nhẹ tác động từ đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở nước này từ trước đến nay.

Dù có số ca nhiễm và số ca tử vong thấp hơn song dịch bệnh cũng đang hoành hành tại các nước Myanmar, Singapore, Campuchia, Việt Nam với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Mỗi nước đều đang thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để ứng phó với dịch bệnh như: Áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành; đóng cửa các trường học, tạm dừng các hoạt động kinh doanh (quán karaoke, quán bar, rạp chiếu phim, cơ sở massage, trung tâm thể thao, phòng triển lãm nghệ thuật…) và chuẩn bị tốt nhất các cơ sở vật chất và nguồn nhân lực trong hệ thống y tế.

Vũ khí tốt nhất hiện nay để ngăn chặn các làn sóng dịch bênh là tiêm chủng rộng rãi. Do đó, các quốc gia châu Á đang miệt mài chạy đua với sản xuất và tiêm chủng vacxin và rất cần sự hỗ trợ trong việc chia sẻ kit xét nghiệm, vật tư y tế và vaccine từ các nền kinh tế phát triển đang nắm trong tay lượng lớn vaccine Covid-19./.

 

ThS. Lê Thị Thùy Chinh
Đại học Lao động - Xã hộ
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top