Châu Âu chật vật đối phó với cơn gió ngược COVID-19

08/04/2020 - 02:35 PM
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), số lượng người mắc bệnh và tử vong do Covid-19 ở các nước châu Âu, nhất là tại các quốc gia như: Italia, Tây Ban Nha, Đức và Pháp liên tục gia tăng một cách đáng lo ngại. Những quốc gia này đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh và khắt khe, như đóng cửa biên giới, phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp này sẽ gây tác động trong dài hạn, có thể dẫn đến một cuộc suy thoái tại các quốc gia này cũng như toàn khu vực.
 
Châu Âu oằn mình “chống bão” COVID-19
 
Tính đến ngày 8/4/2020, thế giới đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 81 nghìn ca tử vong. Châu Âu đang trở thành tâm đại dịch mới, với số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí tại một số quốc gia, số ca nhiễm bệnh mới và tử vong mỗi ngày còn cao hơn Trung Quốc tại thời điểm đỉnh dịch. Tây Ba Nha đã vượt lên đứng đầu danh sách tại khu vực châu Âu với gần 141 nghìn ca nhiễm và trên 14 nghìn ca tử vong. Tiếp theo, Italy đứng thứ hai với gần 135 nghìn ca nhiễm và gần 17 nghìn ca tử vong; Pháp gần 109 nghìn ca nhiễm và 10 nghìn ca tử vong. Một số quốc gia khác trong khu vực như Thụy sỹ, Bỉ, Hà Lan, Anh... cũng đang phải đối mặt với số lượng ca nhiễm bệnh và tử vong ngày càng cao.
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận khối này đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của Virus Corona chủng mới, đồng thời cho rằng toàn khối sẽ áp dụng quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Một trong những biện pháp được đưa ra là việc phong tỏa biên giới các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Đây cũng là biện pháp chung đầu tiên mà 27 quốc gia thành viên trong khối EU đạt được kể từ khi dịch bùng phát, mặc dù các nước cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra và chấp nhận cách ly là biện pháp trọng tâm và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bao gồm cả những biện pháp cứng rắn nhất đối với người dân. Mỗi quốc gia sẽ căn cứ vào tình hình thực tế nước mình để đề ra các biện pháp phù hợp.
 
Italia, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 cho biết, nước này có thể kéo dài lệnh phong tỏa hơn so với dự định ban đầu, sau khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dịch bệnh COVID-19 đang tàn phá Italia với tốc độ khủng khiếp. Số người tử vong tại quốc gia này hiện còn cao hơn vài lần so với Trung Quốc. Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với virus này. Trong khi đó, Italia lại là quốc gia có dân số già nhất châu Âu. Ước tính 23% dân số là người có độ tuổi từ 65 trở lên. Hiện tại, các bác sĩ cấp cứu ở Italia đang rơi vào khủng hoảng. Số bệnh nhân cần dùng vật tư chăm sóc đặc biệt ngày càng gia tăng trong khi cơ sở vật chất có hạn đã buộc các bác sĩ tại đây phải chọn chỉ tập trung điều trị những bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn. Tây Ban Nha, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 ở châu Âu, cũng đã phong tỏa nhiều vùng và siết chặt kiểm soát biên giới. Tất cả mọi di chuyển của người dân từ nơi này qua nơi khác cũng như các phương tiện giao thông công cộng bị kiểm soát chặt chẽ. Trong thành phố, người dân Tây Ban Nha chỉ có quyền ra khỏi nhà để đi chợ. Trước tốc độ lây lan ngày càng mạnh, ngày 24/03/2020, chính phủ Madrid đã kêu gọi NATO cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
 
Thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, nhân viên y tế, càng làm cho dịch trở nên trầm trọng. Madrid và vùng Catalunya giờ là tâm dịch. Các viện dưỡng lão đang trở thành mục tiêu tấn công của COVID-19.
 
Tương tự, Pháp cũng đã phải áp dụng biện pháp chưa từng thấy trong thời bình là yêu cầu 67 triệu người dân hạn chế rời khỏi nhà trong hai tuần tới, trừ các trường hợp cần thiết như đi mua sắm, đi làm, khám bệnh. Ngày 14/3, Chính phủ Pháp đã nâng cấp mức chống dịch bệnh COVID-19 sang giai đoạn 3, cao nhất, cùng một số biện pháp mới nhằm hạn chế tối đa sự lây lan. Từ 0 giờ ngày 14/3, tất cả những tụ điểm tiếp đón công chúng không cần thiết cho sinh hoạt quốc gia phải đóng cửa cho đến khi có lệnh mới; Nhà hàng, quán rượu, rạp chiếu phim, phòng trà, hộp đêm trên toàn quốc đóng cửa kể từ 0 giờ ngày 15/03 cho đến khi có lệnh mới; Các trường học trên toàn quốc được thông báo đóng cửa vô thời hạn từ ngày 16/3. Mục tiêu của chính quyền Pháp hiện nay là thi hành các biện pháp “ngăn đường, cản lối siêu vi” một cách tối đa, chặn bớt mức độ gia tăng số bệnh nhân mới mỗi ngày để bệnh viện và nhân viên y tế không bị quá tải, có thể tập trung vào những trường hợp thập tử nhất sinh. Ngoài ra, ngày 25/3, lần đầu tiên chính phủ Pháp ban hành 25 sắc lệnh chỉ trong một ngày và có hiệu lực ngay lập tức, nhắm vào ba mục tiêu: Hỗ trợ các doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động trong đời sống xã hội và kinh tế của Pháp và vế thứ ba liên quan đến hoạt động tư pháp. Báo chí Pháp gọi các biện pháp cứng rắn, triệt để mà chính phủ Pháp đang áp dụng là phương án “ngủ đông” để chính quyền và hệ thống y tế triển khai công tác chống dịch hiệu quả.
 
Không chỉ Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hối thúc người dân hủy tất cả các kỳ nghỉ, trong khi Chính phủ kiểm soát chặt các hoạt động xã hội để ngăn dịch COVID-19 lây lan. Chính phủ Đức cũng cấm hoạt động tụ tập ở nhà thờ và đóng cửa tất cả các sân chơi, cơ sở giải trí, cửa hàng không cần thiết. Các nhà hàng chỉ được phép phục vụ khách mua đồ mang đi.
 
Nếu xét về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2, Đức hiện là ổ dịch lớn tại châu Âu. Tuy nhiên, quốc gia này được đánh giá là thành công trong việc giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp, do thực hiện xét nghiệm sớm trên diện rộng. Theo tính toán, mỗi tuần Đức có thể tiến hành tới 500 nghìn xét nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết, nước này sẵn sàng huy động lực lượng quân dự bị nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
 
Cũng là nước có số người nhiễm COVID-19 cao ở khu vực EU, Chính phủ Thụy Sĩ đã ra lệnh đóng cửa trường học, tăng cường kiểm soát biên giới. Dự kiến, quân đội cũng sẽ được huy động cho công tác dập dịch bệnh, hỗ trợ hậu cần và y tế.
 
Cũng giống các nước mới có thêm những biện pháp cứng rắn, Chính phủ Séc buộc phải ra quyết định khẩn cấp nhằm ngăn chặn dòng người đến các trung tâm thương mại. Theo đó, toàn bộ cửa hàng và nhà hàng (trừ cửa hàng tạp hóa, đồ điện gia dụng, hiệu thuốc và trạm xăng) phải đóng cửa.
 
Bỉ cũng áp dụng các biện pháp mạnh tay để chống dịch, bao gồm buộc người dân ở trong nhà và thậm chí hạn chế tiếp xúc với cả người thân trong gia đình.
 
Có thể nói, toàn châu Âu đang gồng mình chống lại dịch COVID-19 bằng những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt nhất, tuy nhiên, việc khống chế dịch bệnh không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần phải có thời gian và sự chung sức, đồng lòng từ chính phủ cho đến người dân.

Kinh tế châu Âu chịu thiệt hại nặng nề

Bên cạnh áp dụng biện pháp tạm thời đóng cửa biên giới, các nước trong khu vực châu Âu cũng đang phải gồng mình đối phó với những tác động kinh tế mà dịch COVID-19 mang lại, được dự báo sẽ là một cú sốc mạnh đối với khu vực.
 
Sư lây lan của dịch bệnh đã khiến hơn 3 tỷ người trên toàn cầu bị phong tỏa và các nhà kinh tế cho rằng điều này có thể gây ra một cuộc suy thoái khốc liệt nhất trong lịch sử gần đây. Theo đó, sự bùng phát của COVID-19 có khả năng sẽ dẫn một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020, trong đó kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm mạnh trong quý II năm nay, ở mức 24%.
 
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global cho rằng, rủi ro đến từ việc dịch COVID-19 có thể kéo dài và lan rộng hơn dự báo hiện nay, vì vậy, các biện pháp phong tỏa của các quốc gia có thể khiến GDP của Eurozone giảm tới 10% trong năm 2020. Đối với từng nền kinh tế, S&P nhận định kinh tế Italia, quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, sẽ giảm 2,6%; Tây Ban Nha giảm 2,1%; Đức giảm 1,9%; Pháp giảm 1,7%. Còn theo cơ quan xếp hạng Moody›s dự báo khu vực kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,2% trong năm nay.
 
Theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh), sự bùng phát của dịch COVID-19 sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế châu Âu, cũng như tác động xấu đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hai đầu tàu kinh tế của khu vực đồng Euro là Đức và Pháp cũng dự báo tăng trưởng chậm lại.
 
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu, đã ghi nhận tình trạng dậm chân tại chỗ ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Viện nghiên cứu Kinh tế Ifo của Đức nhận định, dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này “hàng trăm tỷ Euro,” cao hơn rất nhiều so với những gì mà nước này từng phải hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây. Theo tính toán của Ifo, nền kinh tế Đức sẽ giảm từ 7,2-20,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương ứng với thiệt hại từ 255 đến 729 tỷ Euro (khoảng 780 tỷ USD). Trong 3 tháng tạm ngừng một phần các hoạt động kinh tế do dịch bệnh, nền kinh tế Đức sẽ thiệt hại ít nhất 354 tỷ Euro. Trong trường hợp tiếp tục kéo dài tình trạng này, Chính phủ Đức sẽ phải mất thêm khoản chi phí bổ sung từ 15 đến 57 tỷ Euro/tuần.
 
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Đức. Có tới 1,8 triệu việc làm ở Đức có thể bị cắt giảm và hơn 6 triệu nhân viên bị ảnh hưởng do giảm giờ làm. Các biện pháp và gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ Đức là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính phủ Liên bang Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp có tổng giá trị lên tới 750 tỷ Euro để ổn định nền kinh tế trước những hậu quả do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
 
Trong khi đó, tại Pháp, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cho rằng dịch bệnh làm giảm tăng trưởng của Pháp xuống 0,1 điểm phần trăm vào giai đoạn đầu năm nay. Nếu dịch bệnh lan rộng hơn, tất nhiên là những tác động tiêu cực sẽ lớn hơn. Ngân hàng Trung ương Pháp đã dự báo tăng trưởng GDP là 1,1% trong năm 2020.
 
Tại Italia, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ Công nghiệp Italia (Confindustria) Vincenzo Boccia cảnh báo, nước này có khả năng bước vào giai đoạn “nền kinh tế thời chiến” sau khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, ước tính nếu GDP của Italia là 1.800 tỷ euro/năm thì hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro/tháng; nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, Italia sẽ mất khoảng 100 tỷ euro/tháng. Theo ông Boccia, chỉ 20-30% hoạt động sản xuất thiết yếu được duy trì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia. Italia sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể trả trong vòng 30 năm, như “một khoản nợ thời chiến”. Còn theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Italia chỉ đạt mức tăng tưởng 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2019, và một số nhà kinh tế dự kiến đất nước này sẽ rơi vào suy thoái ngay đầu năm nay. Theo tổ chức Moody, kinh tế Italia có thể sẽ bị suy thoái, GDP năm 2020 giảm xuống -0,5%, trong kịch bản xấu hơn có thể là -0,7%.
 
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde bày tỏ lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ gây ra sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế của khu vực Eurozone. Nhằm giảm bớt tác động đối với nền kinh tế khu vực, giúp Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng, ECB đã công bố gói kích thích tiền tệ trị giá 750 tỷ euro để trấn an thị trường và “giải phóng” các ngân hàng với khoản cho vay 1.800 tỷ Euro.
 
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, gây suy giảm kinh tế, các ngân hàng trung ương và các chính phủ trong khu vực châu Âu đã đưa ra các gói chính sách tiền tệ và tài khóa lớn chưa từng có tiền lệ để thúc đẩy nền kinh tế. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, lần đầu tiên trong lịch sử cho phép các quốc gia thành viên tự do chi tiêu để giải quyết những tác động của đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia kinh tế, việc ngừng các quy tắc tài khóa là nỗ lực lớn nhất của các quốc gia thành viên EU để cùng nhau đối mặt với tai họa của đại dịch COVID-19. Điều này sẽ giúp các chính phủ có khả năng linh hoạt cần thiết để thực hiện tất cả các biện pháp hỗ trợ hệ thống bảo vệ sức khỏe và an sinh, cũng như bảo vệ nền kinh tế của EU.

Tiến Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top