Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia

21/11/2022 - 02:42 PM
Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Bên cạnh đó, còn là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ Tổng cục Thống kê biên soạn các chỉ tiêu thống kê phân công cho Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện. Hiện nay, những thay đổi về nhu cầu thông tin thống kê trong thời kỳ mới đã được quy định trong Luật Thống kê sửa đổi mới ban hành năm 2021. Do đó, Chế độ báo cáo thống kê quốc gia cần phải thay thế để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.
 
Sự cần thiết ban hành Nghị định quy định Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia
 
Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được ban hành theo Nghị định số 60/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/4/2018 quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo quốc gia (Nghị định số 60) dựa trên căn cứ danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23/11/2015 (Luật số 89) và Nghị định số 97/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Nghị định số 97), bao gồm 186 chỉ tiêu thống kê. Nghị định số 60 về cơ bản đã thu thập đầy đủ hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân cho các Bộ, ngành và đạt được kết quả cụ thể như sau:
 
Chế độ báo cáo thống kê theo Nghị định số 60 bao gồm 114 biểu về cơ bản đã thu thập đầy đủ các chỉ tiêu thống kê quốc gia phân công cho bộ, ngành thu thập. Ngoài ra, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ Tổng cục Thống kê biên soạn các chỉ tiêu thống kê phân cho Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện. Nghị định số 60 ngay sau khi ban hành các bộ, ngành đã thực hiện báo cáo tương đối đầy đủ theo quy định. Cụ thể như sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện báo cáo 07 biểu; Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện báo cáo 06 biểu; Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện báo cáo 02 biểu; Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện báo cáo 09 biểu; Bộ Y tế thực hiện báo cáo 04 biểu; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện báo cáo 05 biểu; Bộ Nội vụ thực hiện báo cáo 03 biểu; Văn phòng Quốc hội thực hiện báo cáo 02 biểu; Bộ Công an thực hiện báo cáo 03 biểu; Bộ Quốc phòng thực hiện báo cáo 05 biểu; Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện báo cáo 03 biểu; Tòa án nhân dân tối cao thực hiện báo cáo 02 biểu; Ban tổ chức Trung ương Đảng thực hiện báo cáo 01 biểu; Bộ Tài chính thực hiện báo cáo 27 biểu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện báo cáo 08 biểu; Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện báo cáo 06 biểu; Bộ Giao thông vận tải thực hiện báo cáo 03 biểu; Bộ Công Thương thực hiện báo cáo 04 biểu; Bộ Xây dựng thực hiện báo cáo 02 biểu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện báo cáo 06 biểu.
 
Như vậy, số lượng các biểu mẫu thống kê quy định theo Nghị định số 60 về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin thống kê phân công cho bộ, ngành và Tổng cục Thống kê biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Nghị định số 97. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 60 cũng còn một số bất cập, vướng mắc đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung, thay thế cụ thể như: Thông tin thu thập chưa đáp ứng được Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới như thông tin thống kê đo lường kinh tế số, logictics… Một số Bộ, ngành khi thực hiện báo cáo còn có khó khăn, vướng mắc như: Một số biểu mẫu báo cáo chưa báo cáo đầy đủ các phân tổ theo quy định, một số khái niệm, phương pháp tính của một số chỉ tiêu thống kê không còn phù hợp, thời gian gửi báo cáo chưa phù hợp,… Vì vậy, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê có sự thay đổi (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật thống kê - Luật số 01, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đòi hỏi Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phải được xây dựng mới cho phù hợp.
 
Mục đích, quan điểm, bố cục xây dựng Nghị định quy định Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia
 
Việc xây dựng Nghị định quy định Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được xác định với mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý về xây dựng các hình thức thu thập thông tin thống kê bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Thống kê (Luật số 89, Luật số 01), Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nghị định số 94) và khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thực hiện Nghị định số 60. Đây là căn cứ pháp lý để các Bộ, ngành chủ động xây dựng các hình thức thu thập thông tin thống kê phục vụ biên soạn, tổng hợp hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
 
Theo đó, Dự thảo quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được xây dựng trên cơ sở các quan điểm sau: Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thống kê; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, chính xác, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê. Các nguyên tắc xây dựng phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, tính so sánh và tính kịp thời.
 
Dự thảo Nghị định ban hành quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê quốc gia, gồm 03 điều. Quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia gồm 03 phần: Phần I. Quy định chung gồm 03 điều, Phần II. Danh mục biểu mẫu báo cáo thống kê và Phần III. Biểu mẫu báo cáo thống kê và giải thích biểu mẫu báo cáo áp dụng đối với từng Bộ, ngành.
 
Nội dung của Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia
 
- Nội dung chế độ báo cáo thống kê gồm: Mục đích, phạm vi thống kê, đối tượng áp dụng, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, ký hiệu biểu, kỳ báo cáo, thời hạn nhận báo cáo, phương thức gửi báo cáo và các biểu mẫu kèm theo giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê cụ thể.
 
- Danh mục biểu mẫu báo cáo, Biểu mẫu báo cáo và giải thích biểu mẫu báo cáo áp dụng đối với bộ, ngành.
 
- Đơn vị báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên phải của từng biểu mẫu thống kê, là Cơ quan trực thuộc bộ, ngành tổng hợp số liệu thuộc lĩnh vực bộ, ngành được giao quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
 
- Đơn vị nhận báo cáo là Tổng cục Thống kê được ghi cụ thể trên bên phải của từng biểu mẫu, dưới dòng đơn vị báo cáo.
 
- Ký hiệu biểu gồm hai phần: Phần số và phần chữ; phần số được đánh liên tục từ 001, 002, 003...; phần chữ được ghi chữ in viết tắt sao cho phù hợp với từng ngành hoặc lĩnh vực và kỳ báo cáo (năm - N; quý - Q; tháng - T; hỗn hợp - H); lấy chữ BCB (Báo cáo Bộ) thể hiện cho hệ biểu báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành.
 
- Kỳ báo cáo thống kê là khoảng thời gian nhất định quy định đối tượng báo cáo thống kê phải thể hiện kết quả hoạt động bằng số liệu theo các tiêu chí thống kê trong biểu mẫu báo cáo thống kê. Kỳ báo cáo được ghi ở phần giữa của từng biểu mẫu thống kê (sau tên biểu báo cáo). Kỳ báo cáo thống kê được tính theo ngày dương lịch, bao gồm: Báo cáo thống kê tháng, báo cáo thống kê quý, báo cáo thống kê 6 tháng, báo cáo thống kê năm, báo cáo đột xuất.
 
- Thời hạn báo cáo: Ngày nhận báo cáo được ghi cụ thể tại góc trên bên trái của từng biểu mẫu thống kê.
 
- Phân ngành kinh tế quốc dân, loại hình kinh tế, danh mục đơn vị hành chính Việt Nam sử dụng trong chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành.
 
- Phương thức gửi báo cáo: Các báo cáo thống kê được thực hiện bằng 2 hình thức: Bằng giấy (văn bản) và qua hệ thống phần mềm chế độ báo cáo điện tử. Báo cáo bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng đơn vị để thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu, xử lý số liệu.
 
Để xây dựng Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện xây dựng dự thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự kiến, Nghị định quy định Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thay thế Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia./.
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top