Chỉ số tự do kinh tế Việt Nam năm 2020

25/05/2020 - 03:21 PM
Chỉ số tự do kinh tế là chỉ số được Quỹ Di sản (The Heritage Foundation - một tổ chức nghiên cứu và giáo dục, chuyên thúc đẩy tự do kinh doanh được thành lập năm 1973 tại Mỹ) công bố hằng năm từ năm 1995.

Chỉ số đánh giá bốn nhóm lĩnh vực gồm luật pháp, quy mô chính phủ, hiệu quả điều tiết và thị trường tự do. Bốn nhóm này gồm 12 tiêu chí kinh tế: Quyền tư hữu, hiệu quả tư pháp, chính phủ liêm chính, gánh nặng thuế, chi tiêu công, tình hình tài chính, tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại, tự do đầu tư và tự do tài chính. Chỉ số tự do kinh tế được xếp theo thang điểm 100. Mới đây, Quỹ Di sản đã công bố báo cáo chỉ số Tự do Kinh tế 2020, theo đó, Việt Nam đạt 58,8 điểm và xếp hạng thứ 105 trên thế giới, tăng 23 bậc so với năm 2019.

Báo cáo Chỉ số tự do kinh tế 2020 cho biết, kết quả tổng thể của Việt Nam đã tăng 3,5 điểm do tăng đáng kể tình hình tài khóa. Việt Nam xếp hạng 21 trong số 42 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam thấp hơn một chút so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Theo đó, trong khu vực ASEAN, chỉ số này của Singapore ở vị trí 1 với 89,4 điểm, Thái Lan vị trí 43, với 69,4 điểm; Malaysia vị trí 24, với 74,7 điểm, cao hơn Việt Nam.

Năm 2019, số điểm của Việt Nam là 55,3 và xếp hạng 128 thế giới. Và số điểm năm 2018 là 53,1, xếp hạng 141 thế giới. Như vậy, chỉ sau 2 năm, Việt Nam đã thăng 36 bậc.
 
Điểm chỉ số tự do kinh doanh của Việt Nam qua các năm
 
Chỉ số tự do kinh tế Việt Nam năm 2020 
 
Ảnh: The Heritage Foundation  

Báo cáo năm 2020 ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế của Việt Nam năm qua đã phản ánh sự cải thiện tự do kinh doanh. Tăng trưởng được thúc đẩy bằng các ngành sản xuất và chế biến, tập trung cho xuất khẩu.

Báo cáo nhận xét, mặc dù tất cả đất đai đều thuộc sở hữu và quản lý của nhà nước, nhưng kể từ tháng 9/2018, chính phủ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 96,9% đất đai tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã đánh giá khởi sự kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn và chi phí đăng ký kinh doanh tại Việt Nam đã được cắt giảm. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp và việc thực thi luật lao động vẫn còn yếu.

Kiểm soát ổn định giá vẫn có hiệu lực đối với nhiên liệu, năng lượng và nước, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm.

Khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, song hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực tài chính tiếp tục phát triển và hoạt động cho vay theo chỉ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được thu hẹp trong những năm gần đây.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 đối tác; trong đó đã thực thi 12 FTA, ký và chuẩn bị phê chuẩn 1 FTA, đang đàm phán 3 FTA. Việc tham gia và thực thi các FTA đem lại nhiều cơ hội to lớn đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Trước đó, Tạp chí U.S. News & World Report đã công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay, theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018. Tờ Tạp chí này đánh giá, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn. Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên hội nhập hơn khi trở thành thành viên của các hiệp định thương mại lớn.

Các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, tác động của cuộc CMCN 4.0, sự giảm tốc của kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng đang đặt ra những thách thức cần vượt qua để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị.

Báo cáo Chỉ số tự do kinh tế 2020 cũng khuyến nghị để tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường thương mại quốc tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường cải cách thể chế và cải cách hệ thống tư pháp.

Do đó, mặc dù Việt Nam có tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển kinh tế mạnh mẽ thời gian qua, trong đó có sự cải thiện đáng kể của chỉ số tự do kinh doanh, song vẫn cần tiếp tục có những bước đi đúng đắn để nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro. Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Thúc đẩy phát triển một số ngành có sức lan tỏa lớn hoặc còn nhiều dư địa như công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất phần mềm, công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, năng lượng, du lịch…/.
 
Top 10 Quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế 2020
 
  1. Singapore với 89,4 điểm
  2. Hong Kong: 89,1 điểm
  3. New Zealand: 84,1 điểm
  4. Australia: 82,6 điểm
  5. Switzerland: 82,0 điểm
  6. Ireland: 80,9 điểm
  7. United Kingdom: 79,3 điểm
  8. Denmark: 78,3 điểm
  9. Canada: 78,2 điểm
  10. Estonia: 77,7 điểm
 
 Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top