Huyện Chợ Mới: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

08/02/2021 - 08:25 AM
Chợ Mới là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bắc Kạn, nơi có Quốc lộ 3 đi qua - con đường huyết mạch kháng chiến nối liền Thủ đô Hà Nội với toàn vùng Việt Bắc, đây là một thế mạnh để giao lưu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá giữa địa phương và các vùng lân cận. Từ những thuận lợi đó, ngay từ những năm đầu thành lập (ngày 2 tháng 9 năm 1998), huyện Chợ Mới đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, khắc phục mọi khó khăn, ngày càng vững bước đi lên.
 

Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Mới ứng dụng tiến bộ KHKT đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Tư liệu

Xác định cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định, tạo nền móng cho sự phát triển, Huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đây là lĩnh vực được đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình nước sạch, viễn thông, trụ sở làm việc… được đầu tư toàn diện và phát huy hiệu quả. Huyện đặc biệt quan tâm, chăm lo đến chính sách định canh, định cư tại vùng sâu, vùng xa, xóa khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn. Một điểm nhấn đáng nói là, Chợ Mới là địa phương đầu tiên của tỉnh được đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp quy mô cấp tỉnh tại xã Thanh Bình.
 


Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống vật, tinh thần cho đồng bào các dân tộc huyện Chợ Mới. Ảnh: Tư liệu

Đặc biệt, trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, UBND huyện đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nhân dân phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành các khu vực chuyên canh cây trồng, vật nuôi; đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, sản lượng cây trồng ngày càng cao. Hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất đã được triển khai thực hiện, như: Chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị cao; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ nghèo chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch, phân vùng cụ thể đối với lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Từ đó, phát triển kinh tế ở Chợ Mới đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước xóa bỏ sản xuất tự túc, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa.
 


Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ để xây dựng đường giao thông nông thôn, phục vụ hiệu quả đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ảnh: Tư liệu
 
Đến nay, nhiều xã trong huyện đã xây dựng thành công những cây trồng chủ lực, phát triển theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân. Hình thành các vùng chuyên canh tập trung theo hướng an toàn thực phẩm; Trồng rau tập trung ở thị trấn Chợ Mới, Thanh Bình, Yên Đĩnh (25-30 ha); phát triển các loại cây ăn quả và hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường như: Cam, quýt ở các xã Thanh Mai, Thanh Vận, Mai Lạp, Yên Hân, Yên Cư, Quảng Chu; chuối tây ở xã Thanh Vận (200 ha).
 


Đoàn tình nguyện tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới. Ảnh: Tư liệu
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tăng quy mô đàn trâu, bò, dê, lợn và gia cầm. Huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi ở tất cả các xã, phát triển chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng sản phẩm. Thực hiện dự án bảo tồn nguồn gen và phát triển chăn nuôi bò ở Quảng Chu. Mặt khác, Huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn và nguyên liệu gỗ tại chỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến; Phủ xanh đất lâm nghiệp chưa có rừng. Trồng thay thế 100% diện tích rừng sản xuất đến chu kỳ khai thác, các rừng bị mất do thiên tai, hỏa hoạn…
 


Đưa giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. 
Ảnh: Tư liệu
 
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Chợ Mới đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ khoa học kỹ thuật... để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo.  Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Huyện đã giảm từ 30,5% năm 2015 xuống còn trên 16% năm 2020. Cùng với đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về giảm nghèo như: Gắn Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách. Đặc biệt, thực hiện lồng ghép, triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách và dự án giảm nghèo như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nghèo, cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư, hỗ trợ xây dựng nhà ở, Chương trình 135...

Có thể nói, công tác giảm nghèo ở huyện Chợ Mới đã thực sự đi vào cuộc sống, làm cho diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay nhanh chóng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Mặc dù vậy, công tác giảm nghèo ở Chợ Mới còn gặp không ít khó khăn. Tuy tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2019 bình quân mỗi năm giảm 2,21%, nhưng chưa thực sự bền vững. Mặt khác, tư duy và kỹ năng phát triển kinh tế của nhiều hộ dân còn mang nặng tính tự cung, tự cấp. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự cố gắng vươn lên thoát nghèo…/
Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top