Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Cuộc chiến còn nhiều gian nan

05/03/2020 - 09:48 AM
Đa dạng các hình thức gian lận

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA là cam kết về thuế, giúp mở rộng thị trường, tạo sự phát triển và giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ luật pháp... Tuy nhiên, trong khi Việt Nam còn chưa kịp tiếp cận cơ hội trên, thì không ít doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của luật, lấy Việt Nam làm nơi trung chuyển hợp pháp cho hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào một số thị trường mà không phải chịu thuế.

Hiện nay, tình trạng hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp trừng phạt, tránh thuế cao đang có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Theo Tổng cục Hải quan, hình thức gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng tinh vi, đa dạng, với hai nhóm hành vi chính: Hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước; Hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

 
Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Cuộc chiến còn nhiều gian nan

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…
 
Đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Đối với xuất xứ hàng hóa, thủ đoạn thường gặp là doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Thủ đoạn nữa là thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Các đối tượng vi phạm cũng lợi dụng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba; sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến hành vi giả mạo xuất xứ, gian lận thương mại tại Việt Nam đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Đáng chú ý, cơ quan hải quan phát hiện nhiều vụ hàng hóa Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác. Một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ được phát hiện chuyển tải từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức như xe đạp, kẽm, giày, mũ da, nhôm... Ngoài ra, cơ quan hải quan còn phát hiện thủ đoạn doanh nghiệp chế xuất 100% vốn nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba.

Không chỉ hàng hóa xuất khẩu bị giả mạo xuất xứ mà hàng hóa tại thị trường trong nước cũng có nguy cơ cao về tình trạng này. Điển hình là các vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc; Asanzo vi phạm quy định gia công chế biến đơn giản và hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam; hãng thời trang Seven.AM nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác hòng che lấp xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng…

Có thể nói, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đang diễn ra ngày càng phức tạp và xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Ngày càng nhiều mặt hàng ở Việt Nam bị cáo buộc có xuất xứ Trung Quốc nhưng “đội lốt” hàng Việt. Điều này đang trở thành mối lo ngại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn biến phức tạp là do hiện nay các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như: Tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Đặc biệt, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định, hiệp ước thương mại liên quan đến ưu đãi thuế quan. Do đó, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này đang áp dụng. Những hành vi gian lận này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ, gần đây VIAC liên tục nhận được khiếu nại về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam liên quan chủ yếu đến các mặt hàng da giày, thực phẩm, tôm, quần áo. Đặc biệt, trong số này có tới 90% là từ EU và số còn lại là các thị trường khác do đối tác nhập khẩu nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua hình thức làm giả chữ 
ký của tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam.
 
Thực tế, gian lận xuất xứ hàng hóa đang là mối lo ngại lớn đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế thương mại nói chung. Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới do lo ngại vấn đề xuất xứ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện nay, các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ cao gồm: Hàng dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính, điện tử, điện gia dụng, điện thoại và linh kiện; nhôm, sắt thép và các sản phẩm nhôm, sắt, thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; nhựa, gỗ và các sản phẩm nhựa, gỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, một số nhóm mặt hàng xuất khẩu đã có mức tăng trưởng đột biến trên 25% so với cùng kỳ năm 2018 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Sắt thép và sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ. Cá biệt, một số mặt hàng tăng trưởng mạnh như dây điện tăng 252%, chất dẻo nguyên liệu 147%; máy vi tính, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ là 140%... Đặc biệt là nhóm chất dẻo nguyên liệu xuất sang EU tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ khi vốn đầu tư không tăng cao nhưng xuất khẩu lại lớn.

Theo thống kê từ Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9/2019 đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%; thứ ba là Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và thứ tư là EU 14 vụ, chiếm 9%. Dẫn đầu trong các vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra là điều tra chống bán phá giá có 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ việc, chiếm 13%...

Trong vòng vài năm trở lại đây, rất nhiều vụ việc hàng hóa của Việt Nam bị trả về do bị nhà nhập khẩu nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thua thiệt đủ đường. Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU), áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 18/1/2019. Sau quyết định này, theo số liệu thống kê của EU, xe đạp điện xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng mạnh. Trước đó, khi EC cũng đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc, khối lượng xuất khẩu mặt hàng lốp xe khách và xe tải từ Việt Nam sang EU tăng đột biến. Điều này đã khiến EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế và chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với thị trường EU, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam với nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch lớn như dệt may, thủy sản, sắt thép... Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng “lãnh đủ” những thua thiệt khi bị điều tra gian lận xuất xứ, áp thuế cao khiến lượng hàng xuất khẩu sụt giảm. Câu chuyện mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2018 bị áp mức thuế suất cao do bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu sắt thép của Việt Nam lao đao. Gần đây là vụ gian lận xuất xứ đối với mặt hàng nhôm trị giá 4,3 tỷ USD đang chờ xuất khẩu sang Mỹ đã được các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện.

Những vụ việc gian lận thương mại như trên sẽ vô tình làm các đối tác nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của hàng hóa từ Việt Nam. Hơn nữa, nhiều vụ việc xảy ra vô hình trung gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín các mặt hàng sản xuất cùng chủng loại trong nước. Ðồng thời, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Có thể nói, điều này không chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh của các ngành hàng trong nước.

Điều nguy hại nữa là Việt Nam có thể bị biến thành thị trường phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu chiến lược nếu không có giải pháp căn cơ chống hàng lẩn tránh xuất xứ, điều tra chống bán phá giá, điều tra việc trợ cấp từ Chính phủ các nước.

Theo công bố mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế.

 
Giải pháp ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

Trước thực trạng gian lận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, gây thiệt hại lớn, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao về vấn đề này. Theo đó, tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Đề án nhằm nâng cao hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Đề án sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Bên cạnh đó, thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Đề án là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu và ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa có thể xảy ra.

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu, báo cáo Chính phủ và phối hợp các bộ ngành để cập nhật kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, phối hợp với Tổng cục Hải quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra, hậu kiểm đối với những mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến và những mặt hàng đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp…

Tổng cục Hải quan cũng sẽ theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài về Việt Nam và hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường lớn nhằm lợi dụng xuất xứ của Việt Nam, kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó. Đặc biệt, lực lượng hải quan đang tiến hành phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường xác định xuất xứ, siết chặt quản lý đối với một số nhóm mặt hàng xuất nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến, có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng không vì cái lợi trước mắt mà bao che, tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam, chủ động tố giác các hành vi vi phạm. Đồng thời, xử phạt nặng các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi nhập hàng hóa Trung Quốc rồi lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa sẽ bị đẩy lùi trong thời gian sớm nhất, trả lại sự trong lành cho thị trường hàng Việt./.

 
Thu Hường
 
 
 

 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top