Chống sa mạc hóa tại Châu Phi

04/10/2019 - 10:59 AM

Là châu lục nằm trên đường xích đạo cắt ngang, phần lớn diện tích là các sa mạc, đất đai khô cằn, châu Phi đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do sa mạc hóa gây ra. Nhận thức được vấn đề sa mạc hóa không chỉ là thách thức lớn về môi trường mà còn là một trong những trở ngại chính trong việc đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của con người, các quốc gia trên lãnh thổ châu Phi đang cùng bắt tay hành động để ngăn chặn sa mạc hóa.

Tình trạng sa mạc hóa ở Châu Phi

Sa mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô hạn, bán khô hạn; gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu. Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) năm 1992 đã cảnh báo nguy cơ thoái hóa đất gây ra sa mạc hóa sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050 nếu như tình trạng lạm dụng đất vẫn tiếp diễn như hiện nay. Thiệt hại này sẽ giảm mạnh nếu cộng đồng thế giới ngay lập tức có biện pháp khẩn cấp để chặn đứng khuynh hướng suy thoái của đất trồng. Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo, khoảng 1,5 tỷ người, chủ yếu ở những nước nghèo nhất sẽ là nạn nhân của hiện tượng đất nông nghiệp bị thoái hóa và điều này sẽ làm nghiêm trọng hơn nữa tình trạng nghèo đói, đặc biệt là ở Sahel (khu vực ranh giới nằm giữa sa mạc Sarara ở phía Bắc và khu vực màu mỡ ở phía Nam của châu Phi) và Nam Á - những nơi sa mạc hóa đang có những tác động nặng nề nhất.
 

Chống sa mạc hóa tại Châu Phi

Ảnh minh họa, nguồn Internet


Châu Phi là châu lục rộng thứ 2 thế giới (sau châu Á), có 54 quốc gia nằm trên diện tích khoảng 30 triệu km2, với khoảng 1,2 tỷ cư dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Về điều kiện tự nhiên và địa hình, đại bộ phận lục địa đen này là một khối cao nguyên khổng lồ, cao trung bình 750m, chủ yếu là các sơn nguyên xen các bồn địa thấp. Tại đây có tới gần 10 sa mạc rộng lớn chưa kể các dải sa mạc nhỏ, hầu hết không cấu tạo hoàn toàn từ cát mà 85% trong số đó gồm đá và sỏi, không đủ điều kiện để các hệ thực vật phát triển. Trong đó, sa mạc Sahara là sa mạc lớn nhất và nóng nhất thế giới, rộng trên 9,1 triệu km2, bằng 1/3 diện tích Châu Phi, bao phủ lên những vùng rộng lớn của 11 quốc gia: Algerie, Chad, Ai Cập, Libya, Marocco, Mali, Eritrea, Niger, Sudan, Tunisa, Tây Sahara. Theo các nhà nghiên cứu, dựa trên xu hướng hàng năm, sa mạc Sahara đã tăng thêm khoảng 10% diện tích trong suốt giai đoạn 1920-2013, đặc biệt trong những tháng mùa hè, sự mở rộng này đã lên đến 16%. Đồng thời, sự thay đổi khí hậu có thể sẽ mở rộng vòng hoàn lưu Hadley (chu trình dòng không khí đi lên tại khu vực gần xích đạo và đi xuống ở vùng cận nhiệt đới), đẩy vành đai mưa ở đây dần di chuyển lên phía Bắc về Địa Trung Hải khiến cho sa mạc Sahara chuyển từ vùng đồng cỏ xanh tốt hàng nghìn năm trước thành sa mạc khô hạn và ngày càng mở rộng như hiện nay.

Chính vì vậy, tốc độ sa mạc hóa ở châu Phi được cảnh báo đang diễn ra nhanh báo động, gấp 2 lần so với những năm 1970. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, châu Phi có tới 66% đất đai là sa mạc hoặc đất khô cằn, và có tới 73% đất canh tác nông nghiệp đã bị khô kiệt, đẩy khoảng 800 triệu người dân sống ở những vùng khô cằn lâm vào cảnh thiếu đói. Tình trạng sa mạc hóa cũng khiến nền kinh tế châu Phi thiệt hại khoảng 9 tỷ USD mỗi năm.

Những nguyên nhân đẩy lục địa đen vào tình trạng sa mạc hóa

Điều kiện tự nhiên

Đ
ại bộ phận diện tích châu Phi nằm giữa chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam nên có khí hậu nóng quanh năm, không khí khô. Thêm vào đó, lục địa này có dãy núi Atlas phía Tây Bắc, sơn nguyên Đông Phi, Etiopia ở phía Đông, dãy Drakensberg ở phía Nam đã chắn những luồng khí có lượng mưa lớn từ biển thổi vào khiến cho lượng mưa tương đối ít và giảm dần về phía hai chí tuyến, hình thành những hoang mạc lớn, lan sát ra biển. Có những nơi lượng mưa chỉ có 15 mm/năm. Thêm vào đó, hệ thống sông ngòi thưa thớt, phân bố không đồng đều, nên lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và nông nghiệp bị khan hiếm, làm cho đất đai ngày một khô cằn và dần bị sa mạc hóa.

Kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu, sử dụng hóa chất quá mức, nạn chặt phá rừng

Đa phần các quốc gia tại Châu Phi kém hoặc đang phát triển sống bằng nông nghiệp với kỹ thuật canh tác lạc hậu, sử dụng quá mức hóa chất trong trồng trọt đã làm cho đất đai ngày càng kiệt quệ, khô cằn. Mặc dù chiếm 19% diện tích rừng của thế giới, nhưng chỉ trong 15 năm (1990-2005), có đến 9% diện tích rừng đã mất (phần lớn là do nạn chặt phá rừng) khiến đất không còn khả năng giữ nước. Ngoài ra, những cánh đồng cỏ với vai trò cần thiết để neo đất bề mặt trong các khu vực khô hạn đã dần bị mất do tập quán chăn thả gia súc của người dân, khiến cho đất bề mặt dễ dàng bị gió cuốn đi. Việc chăn thả gia súc cũng khiến cho các thảm thực vật bị khai thác kiệt quệ, dẫn đến sự gia tăng sa mạc hóa.

Hạn hán

Tình trạng sa mạc hóa tại châu Phi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng một phần do lượng mưa quá ít, làm cho hạn hán ở lục địa đen xảy ra ngày càng khốc liệt hơn và đẩy nhanh quá trình sa mạc hóa. Năm 2012, trận hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm đã diễn ra ở vùng Sừng châu Phi (khu vực Đông Phi) do hai mùa mưa (tháng 10/2010 và tháng 11/2011) đều không tới. Trận hạn hán đã đẩy ít nhất 11,5 triệu người vào cuộc khủng hoảng lương thực, khiến nhiều quốc gia tại châu Phi rơi vào cảnh đói nghèo. Năm 2019 cũng ghi nhận được, tổng lượng mưa tại các quốc gia thuộc Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) trong mùa vụ 2018-2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, khan hiếm nước, đất đai khô cằn và sa mạc hóa. Vùng Sừng châu Phi và dải Sahel là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sự gia tăng dân số

Gia tăng dân số và nghèo nàn được coi là nguyên nhân cơ bản của quá trình sa mạc hóa tại các nước châu Phi. Theo báo cáo “Triển vọng dân số: Nhìn lại năm 2017” do Liên hợp quốc công bố, đến năm 2050, dân số của 26 quốc gia châu Phi dự báo sẽ tăng ít nhất gấp đôi hiện nay. Đà tăng trưởng dân số mạnh nhất sẽ tập trung ở các quốc gia: Nigieria, Công, Tanzania, Uganda. Sự gia tăng dân số ở những quốc gia không đáp ứng được điều kiện kinh tế kỹ thuật tương ứng khiến nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi tăng cao và đẩy khuynh hướng sa mạc hóa tăng theo mạnh mẽ.

Biến đổi khí hậu

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang trở thành nguyên nhân khiến tình trạng sa mạc hóa gia tăng. Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học East Anglia cho thấy nếu như nhiệt độ Trái đất tăng 20C, một phần lớn diện tích đất liền sẽ trở nên khô cằn và dần biến thành sa mạc, miền Nam châu Phi sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo báo cáo Chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu  năm 2018, trong danh sách 84/100 thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, có tới 79 thành phố thuộc châu Phi. Ðáng lo ngại hơn, trong top 10 thành phố chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, có 8 đại diện đến từ châu Phi, đứng đầu là thủ đô Bangui của cộng hòa Trung Phi, thủ đô Monrovia của Liberia.

Nỗ lực chống lại sa mạc hóa của Cộng đồng Châu Phi

Sa mạc hóa không chỉ là thách thức lớn về môi trường mà còn là một trong những trở ngại chính trong việc đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của con người. Từ lâu, cộng đồng châu Phi đã coi đây là một vấn đề quan trọng, liên quan đến cả kinh tế, xã hội và môi trường của các quốc gia trên lục địa và toàn thế giới. Phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng biến đổi khí hậu với biểu hiện rõ nhất là sa mạc hóa và khả năng phục hồi ở châu Phi được cho là có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, các nước châu Phi đã và đang cùng liên kết quốc gia, chung tay hành động để đẩy lùi sa mạc hóa.

Trong Công ước Chống sa mạc hóa năm 1992 của Liên hợp quốc (UNCCD), các nước châu Phi đã cam kết với nghĩa vụ: Chống sa mạc hoá và giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán, coi đây là chiến lược trọng tâm trong nỗ lực giảm nghèo; Đẩy mạnh sự hợp tác và hội nhập trong vùng, với tinh thần đoàn kết và hợp tác hai bên đều có lợi trong các chương trình và các hoạt động chống sa mạc hoá và/hoặc làm giảm nhẹ các ảnh hưởng của hạn hán; Hợp lý hoá và tăng cường cho các cơ sở hiện hữu có liên quan đến sa mạc hoá và ảnh hưởng của hạn hán và thu hút các cơ sở khác hiện có nếu thấy cần thiết để giúp họ bảo đảm sử dụng các nguồn tài nguyên có hiệu quả; Tăng cường trao đổi thông tin về khoa học, công nghệ, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn giữa các cơ quan với nhau; Xây dựng các kế hoạch dự phòng để giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán tại các vùng bị sa mạc hoá và/hoặc hạn hán nghiêm trọng.

Căn cứ vào các nghĩa vụ chung và cụ thể được đưa ra trong Điều 4 và 5 của Công ước, các bên tham gia thuộc các nước Châu Phi sẽ tập trung vào: (i) Phân bổ nguồn tài chính cần thiết từ ngân sách quốc gia của mình, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mỗi nước và xây dựng các ưu tiên để chống sa mạc hoá và/ hoặc hạn hán; (ii) Duy trì và tăng cường cải cách, tiến tới phân cấp trách nhiệm và nguồn tài nguyên cũng như tăng cường sự tham gia của người dân địa phương và cộng đồng, (iii) Xác định và huy động các nguồn tài chính mới và bổ sung của quốc gia, tăng cường năng lực và các phương tiện hiện có để huy động nguồn tài chính trong nước.

Thực hiện theo Công ước, nước Cộng hòa Trung Phi đã cam kết phục hồi hơn 1 triệu hécta đất, tương đương 15% lãnh thổ của họ, nhằm hạn chế nguy cơ đất xuống cấp và giảm thiểu gánh nặng cho nền kinh tế. Trong khi đó, Ethiopia đã khôi phục được diện tích 7 triệu héc-ta đất màu mỡ trở lại.

Để ứng phó với tình hình, lãnh đạo 17 quốc gia vùng Sahel của châu Phi đã họp tại thủ đô Niger để thảo luận về một “kế hoạch đầu tư khí hậu” trị giá gần 400 tỷ USD giai đoạn 2018-2030. Kế hoạch này bao gồm các cam kết của các quốc gia trong khu vực đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia Sahel sẽ xúc tiến một chương trình ưu tiên, tập trung vào 6 dự án với các chương trình hành động khác nhau, nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ các nước chống sa mạc hóa, cũng như những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Ðể tài trợ cho các hành động giảm đến mức thấp nhất sự ấm lên trên toàn cầu, hội nghị đề xuất một chương trình khẩn cấp ước tính trị giá 1,3 tỷ USD với các nước đối tác ngoài khu vực Sahel.

Thêm vào đó, sau nhiều thời gian nghiên cứu, năm 2007, 11 quốc gia châu Phi đã cùng bắt tay ký kết tham gia một dự án lớn đầy tham vọng mang tên “Bức tường xanh vĩ đại” với mức đầu tư 2 tỷ USD nhằm tái phát triển rừng, chống tình trạng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng ở vùng Sahel. Đến nay, dự án đã có tới 20 quốc gia cùng chung tay thực hiện. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), “Bức tường xanh vĩ đại” đã tạo ra một phòng tuyến cây dài 7.775 km trải dài qua lãnh thổ Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Chad, Niger, Nigeria, Mali, Burkina Faso, Mauritania, và Senegal, nơi sinh sống của hơn 232 triệu người và che phủ được khoảng 800.000 héc-ta cây trồng. “Vạn lý trường thành xanh” với chiều rộng 15km này đã mang lại các hồ chứa nước, những ruộng rau xanh và cây ăn trái tại những ngôi làng dọc theo dải Sahel, trở thành vành đai bao bọc châu Phi chống lại tình trạng sa mạc hóa đất đai. Cảnh quan khô cằn của khu vực đang được thay thế dần bởi những mảng xanh cây cối tươi tốt và phì nhiêu. Điều này cũng góp phần to lớn vào việc giảm suy thoái và sa mạc hóa cho môi trường. Vùng đất màu mỡ đang trở lại cũng đồng nghĩa cuộc sống người dân nơi đây đang dần khởi sắc. Dự tính sau khi hoàn thành, “Bức tường xanh vĩ đại” sẽ là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh, gấp ba lần diện tích của rạn san hô Great Barrier./.
 

T.H (Tổng hợp)


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top