Chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước - Bài học từ Covid 19

01/04/2020 - 02:45 PM
Bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019, dịch (Covid -19) đã lan rộng với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia điêu đứng do các nhà máy phải đóng cửa, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này kéo theo những khó khăn cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam bởi lâu nay phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Doanh nghiệp lao đao do thiếu nguồn nguyên liệu

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp cả nước. Quý I/2020, tăng trưởng của khu vực công nghiệp và Xây dựng đạt 5,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp tăng 5,28%, nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12% mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Dịch Covid-19 đồng thời làm cho nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch.
 
Còn theo thông tin tại cuộc họp về tác động của dịch bệnh COVID-19 lên ngành công nghiệp của Bộ Công Thương tổ chức vào cuối tháng 2/2020, các ngành hàng ô tô, dệt may và da - giày, ngành điện tử đang chịu ảnh hưởng lớn bởi thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do các chính sách mang tính phong tỏa từ các quốc gia đang bùng phát dịch.
 
Chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước - Bài học từ Covid 19
                                                                                                        Ảnh Minh Họa (Nguồn: Internet)
 
Cụ thể, với ngành dệt may của Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” lo hết nguyên liệu cho sản xuất do Trung Quốc, Hàn Quốc là những thị trường cung ứng nguyên phụ liệu lớn. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỉ USD bông các loại, 2,3 tỉ USD xơ, sợi, 12,69 tỉ USD vải các loại, trong đó hàng nhập khẩu xơ sợi từ Trung Quốc là 1,32 tỉ USD (chiếm 57,39%); nhập khẩu vải từ Trung Quốc và Hàn Quốc lên tới 9,75 tỉ USD (chiếm tới gần 77%). Ngay từ đầu năm 2020, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã phải đón nhận thông tin việc nhiều đối tác cung cấp nguyên phụ liệu tại Trung Quốc hoãn giao hàng xuất khẩu đến hết tháng 2/2020, trong khi số nguyên, phụ liệu hiện có do nhập trước Tết chỉ đủ để đáp ứng đơn hàng đầu tháng 3/2020, không đủ nguồn nguyên liệu cho các kỳ sản xuất kế tiếp. Trước tình hình dịch lan rộng sang cả Hàn Quốc, Nhật Bản, ngoại trừ các doanh nghiệp (DN) lớn thuộc khối FDI đang được chủ nhãn hàng (là các tập đoàn đa quốc gia) đảm bảo nguyên phụ liệu đều đặn thì nhiều doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động vào tháng 4/2020, nhất là các công ty vừa và nhỏ. Thực tế đã có thời điểm Công ty May 10 phải cho 15 nhà máy trực thuộc nghỉ hoạt động. Theo đánh giá của Vitas, việc nguồn nguyên liệu bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến 20-30% năng lực sản xuất của toàn ngành. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp còn phải đối mặt với nỗi lo chịu phạt trong trường hợp không hoàn thành hợp đồng đã ký. Để ứng phó tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, một số doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong quý II/2020; đồng thời tìm kiếm thị trường nhập khẩu mới các nguồn cung nguyên liệu khác nằm ngoài vùng dịch như Malaysia, Ấn Độ. Bangladesh, Brazil... hoặc đẩy mạnh sản xuất một số mặt hàng có thể chủ động về nguyên phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, Vitas cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh vì hiện nay vẫn khó có nhà cung cấp nào có thể thay thế được Trung Quốc.
 
Giống như ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành giày da cũng có chung nỗi lo thiếu nguyên liệu cho kỳ sản xuất trong quý II/2020 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), việc thiếu nguyên liệu sản xuất đang khiến các công ty da giày vỡ kế hoạch, giảm nhịp độ sản xuất, dẫn tới việc không đáp ứng được tiến độ giao hàng,… Để gỡ nút thắt nguyên phụ liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp đã tìm kiếm đối tác thay thế, ví dụ như với mặt hàng da thuộc, các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn hàng tại Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh… Tuy nhiên giải pháp này cũng chỉ đáp ứng được một phần và chỉ mang tính chất ứng phó trong ngắn hạn. Đại diện của Lefaso cho biết, nếu dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài thì khả năng nhiều doanh nghiệp phải bố trí nghỉ luân phiên, tạm ngừng hoạt động do nguyên phụ liệu không có đủ cho sản xuất.
 
Trong bức tranh chung do tác động của dịch Covid-19, ngành công nghiệp điện tử trong nước cũng đang chịu ảnh hướng không nhỏ bởi “các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh” làm cho thiếu hụt nguồn cung linh, phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất. Số liệu của Cục Công nghiệp cho thấy, năm 2019, nước ta nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản lên đến 31,3 tỷ USD (chiếm hơn 80%). Đây cũng chính là 3 quốc gia đang có dịch bùng phát mạnh. Hiện nay các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ sản xuất tới cuối tháng 3 và thiếu nguồn nguyên liệu cho kỳ sản xuất tiếp theo.
 
Là một thương hiệu nổi tiếng sản xuất các sản phẩm điện tử, công ty LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết, LG có thể phải tạm ngừng sản xuất và sẽ mất rất nhiều chi phí để vận hành trở lại. Tương tự, dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của một ông lớn khác của ngành điện tử là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có nguy cơ dừng hoạt động do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sẽ khiến sản lượng các sản phẩm điện tử như điện thoại và ti vi trong nước suy giảm đáng kể.
 
Là một ngành thường có kế hoạch dài hạn, nguồn dự trữ dồi dào hơn, nên ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước dù tỏ ra bình tĩnh hơn so với các ngành sản xuất trên, tuy nhiên ngành này cũng nhận thấy sự biến động của nguồn cung nguyên liệu đang tác động ngày một rõ nét khi tình hình sản xuất khó khăn đang xảy ra với các thương hiệu như Toyota, Honda, Ford, Hyundai, Kia...

Tìm kiếm thị trường nhập khẩu thay thế - việc làm cần thiết

Có thể nói dịch bệnh Covid-19 là một bài học kinh nghiệm cho thấy việc phụ thuộc nguyên liệu đầu vào sản xuất từ một số thị trường là một mối nguy tiềm ẩn cho hoạt động sản xuất trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, song việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế vẫn là cần thiết để các doanh nghiệp sớm chủ động được nguồn cung đưa hoạt động sản xuất quay lại quỹ đạo vốn có.
 
Quyết tâm đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tháng 2/2020 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, để tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các Hiệp hội dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, hóa chất... để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, đồng thời nghiên cứu đề xuất các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường.
 
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
 
Để đáp ứng đầu vào trước mắt, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Ngoài ra, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Công thương sẽ mở hướng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế trong thời gian tới.
 
Trong dài hạn, Bộ Công thương cho rằng phải có giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai...
 
Bên cạnh những giải pháp của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia còn cho rằng sản xuất trong nước nên tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua việc tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do FTA, qua đó sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm tình trạng phụ thuộc./.
ThS. Lương Thị Thu Hằng - ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh
Đại học Công nghiệp Hà Nội
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top