Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025

13/12/2022 - 09:35 AM
Kể từ giai đoạn đổi mới đến nay, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện quá trình chuyển biến từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa với số lượng và chất lượng ngày càng cao và đang dần trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, góp phần bảo vệ môi trường.

Ngành Lâm nghiệp với vai trò quan trọng trong kinh tế - xã hội Việt Nam

Lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, bao gồm các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ từ rừng như các hoạt động bảo vệ, gây trồng, khai thác, vận chuyển, sản xuất, chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường có liên quan đến rừng. Ngành lâm nghiệp cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt cho người dân miền núi, góp phần ổn định xã hội và an ninh quốc phòng.

Việc quản lý và phát triển bền vững kinh tế sinh thái rừng không chỉ bao gồm bền vững về sinh thái rừng và bền vững về phát triển kinh tế lâm nghiệp mà còn bao gồm bền vững về đời sống. Như vậy, quản lý và phát triển lâm nghiệp bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay là sử dụng có hiệu quả đất đai được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, đảm bảo tính bền vững; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững rừng tự nhiên và rừng trồng; quản lý bền vững các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn kết chặt chẽ bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với các ngành có liên quan để quản lý, bảo vệ có hiệu quả các loại tài nguyên thiên nhiên gắn liền với diện tích rừng hiện có.

 
Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong giai đoạn trước, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành đã thực hiện thành công Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Nghị quyết số 08/1997/QH10 và Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội, đưa độ che phủ của rừng từ 32% năm 1998 lên 39,7% năm 2011 và đến 31/12/2015 đạt 40,84%. Trong đó, diện tích cây lâm nghiệp đạt độ che phủ là 39,5%, còn diện tích cây lâu năm (cao su, cây đặc sản) trồng trên đất lâm nghiệp chỉ chiếm hơn 1,3%.  Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đã đạt 42,01%. Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên là nhờ Chính phủ và ngành Lâm nghiệp đã triển khai các chính sách trồng rừng, hạn chế khai thác rừng một cách quyết liệt. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tính đạt 277,8 nghìn ha, tăng 2,8% so với năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4%. Trong 10 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 227 nghìn ha, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 78,3 triệu cây, tăng 5%. Nhờ đó, năng suất và chất lượng rừng được cải thiện đáng kể; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng mạnh góp phần tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động. Năm 2021, sản lượng củi khai thác đạt 18,8 triệu ste, giảm 1,6%. Còn trong 10 tháng năm 2022, sản lượng củi khai thác đạt 15,4 triệu ste, tăng 0,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 15,6 triệu m3, tăng 6,2%.

Dưới góc độ kinh tế, ngành Lâm nghiệp đã phát huy lợi thế và phát triển với tốc độ ổn định ở mức 4,87%/năm trong giai đoạn 2006-2020. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, lớn thứ hai châu Á (sau Trung Quốc) và lớn thứ sáu trên thế giới. Ngoài gỗ, ngành Lâm nghiệp còn cung cấp nhiều loại lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị bao gồm 1.800 loài cây thuốc, 500 loại tinh dầu, 620 loài nấm, 820 loài tảo, 40 loài song mây, 76 loài cho nhựa thơm, 600 loài có tannin và 260 loài cho dầu béo. Bên cạnh gỗ và LSNG, các hệ sinh thái (HST) rừng của ngành Lâm nghiệp còn cung cấp nhiều dịch vụ HST có giá trị khác cho con người và nền kinh tế Việt Nam. Các HST rừng đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bao gồm: Chống xói mòn và bồi lắng đất, kiểm soát dòng chảy, lũ lụt; và điều hòa chất lượng nguồn nước. Đồng thời, HST rừng còn giúp ổn định khí hậu địa phương và khí hậu toàn cầu thông qua dịch vụ hấp thụ các-bon. Hơn nữa, kể từ khi áp dụng thực hiện chính sách chi trả cho dịch vụ môi trường rừng (PEES) vào năm 2010 đến nay, tổng số tiền thu được từ các bên sử dụng DVMTR lên tới 16.74 nghìn tỷ đồng (bình quân 1,67 tỷ đồng/năm), tương đương với 95,3% ngân sách nhà nước và 18,5% tổng đầu tư của toàn xã hội vào ngành Lâm nghiệp. Đây là nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam, góp phần rất lớn vào việc giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước dành cho ngành Lâm nghiệp.

Việt Nam quyết tâm phát triển lâm nghiệp bền vững

Tuy đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, nhưng những bất cập trong quản lý và sự thiếu giám sát, thực thi cũng như ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được nâng cao đã góp phần trở thành một trong các yếu tố quan trọng gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng ngày nay. Năm 2021, có 2.081 ha diện tích rừng bị thiệt hại, tăng 29,3% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 852 ha, giảm 6,2%. Năm 2022, diện tích rừng bị cháy và chặt phá trên cả nước có xu hướng giảm so với năm 2021, cụ thể trong 10 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 989,4 ha, giảm 59,2%, trong đó diện tích rừng bị cháy là 26,5 ha, giảm 98,2%; diện tích rừng bị chặt, phá là 963 ha, giảm 0,2%.

Theo các nhà hoạch định kinh tế, sự cân cằng của ngành lâm nghiệp chính là nền tảng xanh cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Trước thực trạng quản lý và yêu cầu cấp thiết phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn trên 78 nghìn tỷ đồng, mục tiêu: Phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể: (1) Bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. (2) Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao. (3) Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Có 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 đó là: Thứ nhất, Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Trong đó, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên; đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. 100% diện tích rừng của các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế được quản lý hiệu quả. Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh,...), các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao.

Thứ hai, Phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Trong đó, đối với rừng tự nhiên: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: bình quân 100 nghìn ha/năm, trong đó, chủ yếu là khoanh nuôi chuyển tiếp. Thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nuôi dưỡng, làm giàu rừng tự nhiên. Đối với rừng trồng: Trồng rừng tập trung 230 nghìn ha/năm, gồm: 4-6 nghìn ha/năm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng ven biển; khoảng 225 nghìn ha/năm rừng sản xuất (trồng mới 10 nghìn ha/năm, trồng tái canh 215 nghìn ha/năm), trong đó, 30% diện tích là trồng rừng gỗ lớn, thâm canh. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đến năm 2025, năng suất rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng trong nước (gỗ rừng trồng tập trung, cây trồng phân tán....), đáp ứng khoảng 80% nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Phát triển lâm sản ngoài gỗ: đến năm 2025, diện tích cây lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 700 - 800 nghìn ha.

Thứ ba, Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng. Tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả đối với 100% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng, trong đó, đến năm 2025, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 500 nghìn ha. Chương trình phát triển tập trung ưu tiên vào các nội dung: Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển; Phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; Phát triển lâm sản ngoài gỗ; Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.

Giải pháp thực hiện đặt ra đối với ngành Lâm nghiệp để phát triển bền vững đến năm 2025 gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách đầu tư hiện hành theo quy định của pháp luật; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, vai trò của rừng; Quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; Kiện toàn, đổi mới tổ chức sản xuất; Khoa học, công nghệ và khuyến lâm; Phát triển nguồn nhân lực; Hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại; Huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình; Lồng ghép, phối hợp với các Chương trình, đề án khác./.

Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top