Tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam

21/07/2020 - 11:04 AM
Sáng ngày 21/7/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức Tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK và ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Tham dự buổi Tọa đàm, có ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; các chuyên gia của IMF; một số bộ, ngành có liên quan; tại các điểm cầu trực tuyến có các chuyên gia của IMF ở Washington DC, Hoa Kỳ và 63 Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 
Chương trình tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam
 
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chào mừng và cảm ơn IMF đã cùng TCTK chủ trì buổi Tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam. Bà nhấn mạnh, đại dịch Covid -19 diễn ra đã tác động nặng nề đến kinh tế thế giới, các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, đã có nhiều nghiên cứu về những tác động của đại dịch Covid-19 của các tổ chức quốc tế và trong nước nhằm cung cấp các thông tin giúp Chính phủ Việt Nam, các cấp, các ngành và các địa phương nhận diện và đánh giá đầy đủ tác động của Covid -19 đến các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, đưa ra những chính sách, giải pháp và phản ứng kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt, nhằm hạn chế thiệt hại, tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, góp phần ổn định và phát triển kinh tế.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ, trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, TCTK và IMF muốn cung cấp và chia sẻ những nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước vượt qua khó khăn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, giữ được mức tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh hơn trong thời gian tới.

 
Chương trình tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam 1
 
Hình ảnh từ một số đầu cầu trực tuyến

Bà Era Dabla-Norris – Trưởng nhóm phụ trách về Việt Nam, IMF tại Hoa Kỳ chúc mừng và biểu dương Chính phủ Việt Nam đã ứng phó kịp thời và khống chế thành công dịch Covid-19, cũng như những phối hợp chặt chẽ của TCTK trong việc thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam. Bà cho biết, nghiên cứu sẽ cho thấy những góc nhìn rõ hơn về tính dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp Việt, để từ đó Chính phủ và các bên liên quan đưa ra được những giải pháp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nghe các chuyên gia IMF trình bày báo cáo “Việt Nam: Tính dễ bị tổn thương của doanh nghiệp và hệ lụy của cú sốc do Covid-19” với một số nội dung chính: Tình hình tài chính của doanh nghiệp trước Covid-19; Tính dễ bị tổn thương của doanh nghiệp do Covid-19 và tác động của các biện pháp tài chính và tài khóa hỗ trợ Doanh nghiệp; Các chính sách cần thiết để giải quyết tính dễ bị tổn thương của Doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Đại diện nhóm nghiên cứu về Covid-19 của TCTK trình bày báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, trong 126.565 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có tới 85,7% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19; 57,7% doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bị ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu không xuất khẩu được; 39,9% doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu. Dịch Covid-19 đã tác động tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến 19,9% doanh nghiệp bị tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12,2% doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh; Doanh thu quý I/2020 giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến hết quý I/2020, có tới 21,6% lao động bị mất việc làm; 7,5% lao động phải tạm nghỉ việc không lương; 9,0% lao động bị giảm lương và 22,8% lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên… Để ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm chủ lực, tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào, tìm thị trường sản phẩm tiêu thụ đầu ra ngoài thị trường truyền thống, đồng thời kỳ vọng về những hỗ trợ từ phía Chính phủ.


 
Chương trình tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam 2

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến 2 báo cáo của IMF và Tổng cục Thống kê, cũng như đề xuất những nội dung cần phát triển trong những nghiên cứu tiếp theo như: Tiến hành đánh giá tác động của dịch Covid-19 theo quy mô doanh nghiệp, tác động tới đời sống hộ dân, đánh giá mặt tích cực trong bối cảnh Covid-19 tác động tới các ngành, lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho rằng, đây là khởi đầu cho các nghiên cứu với kỳ vọng có được bức tranh đầy đủ hơn với các số liệu cập nhật theo chuỗi năm, như vậy số liệu sẽ đánh giá sát hơn. Bà Nguyễn Thị Hương cũng bày tỏ mong muốn IMF là cầu nối cung cấp thông tin để TCTK có được bức tranh đánh giá toàn diện hơn về tác động của dịch covid tới các quốc gia trong khu vực, trên thế giới cũng như những bài học, kinh nghiệm ứng phó, chính sách của các quốc gia để có bức tranh tổng thể, so sánh. Trong dài hạn, TCTK sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức để đánh giá toàn diện với góc nhìn đa chiều cả phía cung và phía cầu các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Về phía IMF, ông
 Francois Painchaud khẳng định, với bề dày đồng hành, hợp tác, IMF sẵn sàng trước các đề nghị của TCTK trong việc hỗ trợ các vấn đề liên quan, nâng cao năng lực thống kê cũng như tiếp tục mở ra những hợp tác linh hoạt trong thời gian tới để có những kế hoạch dài hạn hơn.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, buổi tọa đàm đã thành công tốt đẹp./.


 
Tin, ảnh: Thu Hường


 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top