Công nghiệp chế biến, chế tạo: Điểm sáng dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế năm 2020

18/02/2021 - 03:02 PM
Năm 2020 là năm toàn cầu và Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng được Việt Nam ký kết và thực thi trong năm có hiệu quả nên năm 2020 ngành chế biến, chế tạo (ngành hiện đóng góp xấp xỉ 20% GDP) vẫn có được sự tăng trưởng ấn tượng 5,82% so với năm 2019, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế; và đóng góp tới 38,2% vào mức tăng chung 2,91% GDP cả nước.

 
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Điểm sáng dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế năm 2020
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đáng chú ý, một số ngành thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,1%; sản xuất kim loại tăng 14,4%; sản xuất xăng dầu tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,3% và nhiều ngành có mức tăng khá như: Sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng 7,9%; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng 7,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5,3%; sản xuất các sản phẩm bằng cao su và plastic tăng 5,1%...

Đáng ghi nhận, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong năm đại dịch Covid-19 để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Năm 2020, có tới 13 địa phương đạt được tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trên 2 con số như: Ninh Thuận tăng 40,3%; Bình Thuận tăng 13,9% (do phát triển nhanh điện tái tạo: Điện mặt trời, điện gió); Sóc Trăng tăng 17,5%; Hải Phòng tăng 14,6%, Bắc Giang tăng 20% (do thu hút thành công đầu tư nước ngoài quy mô lớn); Bình Phước tăng 13,7%; Sơn La tăng 13,5%; Thanh Hóa, Trà Vinh cùng tăng 13,4%; Lào Cai tăng 13,1%; Kon Tum tăng 11,9%; Tuyên Quang và Hà Giang cùng tăng 11,1%. Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng công nghiệp năm 2020 khá như: Quảng Ninh tăng 9,2%; Long An tăng 8,4%; Yên Bái tăng 8,1%; Bình Dương tăng 8,0%; Nam Định tăng 7,5%; Tây Ninh tăng 7,3%; Hưng Yên tăng 7,2%; Phú Yên tăng 6,7%; Ninh Bình tăng 6,5%; Nghệ An tăng 6,4%; Đắc Nông tăng 6,3%; Đồng Nai tăng 6%…

Những yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng tích cực của ngành chế biến, chế tạo năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch Covid19, có thể kể đến như:

Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều chính sách, giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, tận dụng tốt cơ hội thu hút đầu tư mới, đặc biệt thu hút đầu tư FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với lợi thế của mỗi địa phương.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn ở Việt Nam.

Thứ ba, năm 2020, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế EVFTA quan trọng; hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, uy tín cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2020, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã dịch chuyển dòng đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là đầu tư mới và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Một số địa phương đang là điểm sáng trong thu hút FDI, chủ yếu vào ngành chế biến, chế tạo (lĩnh vực điện tử). Bắc Giang là một ví dụ cụ thể, chỉ một doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử đầu tư mới vào Bắc Giang từ tháng 3/2020, đã giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (dự kiến năm 2021 tăng lên 50.000 lao động). Chỉ với 10 tháng hoạt động trong năm 2020, doanh nghiệp này đã sản xuất được khoảng trên 15 triệu tai nghe có kết nối với micro, tạo ra trên 33 nghìn tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu). Doanh nghiệp FDI mới, quy mô lớn này đầu tư vào Bắc Giang là nhân tố chủ yếu làm cho sản xuất công nghiệp Bắc Giang năm 2020 tăng 20% so với năm 2019, góp phần đóng góp tích cực trong tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và GDP cả nước. Hay như tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính doanh thu của 6 doanh nghiệp của FDI mới đầu tư và đi vào hoạt động chủ yếu vào lĩnh vực điện tử trong năm 2020 đã thu hút 6.500 lao động, tạo ra khoảng 3.500 tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu) đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm 2020 gần 10% so với năm 2019, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh và toàn bộ nền kinh tế. Cũng trong năm 2020, trong khi nhiều quốc gia bị tụt hạng về hệ số tín nhiệm quốc gia (do tổ chức xếp hạng Fitch Ratings tiến hành), thì ngược lại, Việt Nam không những được đánh giá là giữ được sự ổn định với mức BB mà còn được đánh giá có chuyển biến tốt, chuyển từ triển vọng tích cực sang ổn định.

Thứ tư, năm 2020 ghi nhận xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp Việt Nam đạt con số ấn tượng, là nhân tố quan trọng kích thích ngành chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ mặc dù xuất khẩu toàn cầu sụt giảm trầm trọng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 (riêng xuất khẩu các sản phẩm thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 95%). Trong năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chủ yếu là các mặt hàng thuộc ngành chế biến, chế tạo), trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện 50,4 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 44,3 tỷ USD; hàng dệt may 28,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dây chuyền, phương tiện khác 26,7 tỷ USD; giày dép 16,5 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ 12,3 tỷ USD. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước, chiếm 54,2%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4% và chiếm 35,6%. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.

Với xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành ngành chế biến, chế tạo và môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cùng với nền kinh tế vĩ mô ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương, triển vọng ngành chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2021, góp phần quan trọng để nước ta hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% như Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP cùng ban hành ngày 01/01/2021 của Chính phủ đề ra./.

 
TS. Phạm Đình Thúy
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top