Công ty CP Cao su Lai Châu: Tận tâm, đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế nông nghiệp

24/07/2022 - 10:46 AM

Hành trình đưa cây cao su lên với Lai Châu - vùng ven trời Tây Bắc thấm thoát đã 15 năm. Đến nay, không khó để nhận ra ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đều có sự “hiện diện” của cây cao su. Đặc biệt, ở Sìn Hồ, Phong Thổ, những cánh rừng cao su đã lên xanh, sinh trưởng tốt, nhiều diện tích đến chu kỳ khai thác cho năng suất, sản lượng tốt. Biết bao nhiêu công sức, giọt mồ hôi và những năm tháng tuổi trẻ của không ít cán bộ kỹ thuật, công nhân miền xuôi đã “ba cùng” với đồng bào người Mông, Dao, Thái nơi đây... để làm nên những thay đổi lớn trong tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp của đồng bào.

Công nhân nông trường Lùng Thàng khơi dòng
"vàng trắng" lần đầu trong niềm vui của nhiều người

 

Lai Châu là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất trong khu vực Tây Bắc với hơn 13.000 ha cao su đại điền. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 03 công ty đều thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý (với nhiệm vụ chính: kiến thiết cơ bản, trồng thay thế, chăm sóc, khai thác) toàn bộ diện tích cao su đại điền. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, 3 công ty cao su đã tuyển dụng hơn 2.500 lao động người địa phương vào làm công nhân cao su tại các nông trường, đa số những công nhân này đều là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong số những đơn vị tham gia trồng và phát triển cây cao su ở Lai Châu, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu là đơn vị được thành lập sớm nhất từ năm 2007 và được coi là đơn vị tiên phong, sát cánh cùng với người dân các dân tộc Lai Châu thay đổi tập quán sản xuất nông lâm nghiệp. Vượt qua biết bao khó khăn thử thách từ địa hình hiểm trở, vận chuyển khó khăn đến thời tiết cực đoan như lũ quét, sát lở, gió Lào, sương muối và phương thức canh tác, sản xuất của một bộ phận người dân còn lạc hậu, cây cao su đã bén rễ, đứng vững và lên xanh. Sau 9 năm kiên trì, tận tâm cùng người dân trồng, chăm sóc cây cao su, đến tháng 10/2016, tại nông trường Lùng Thàng, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, những hecta cao su đầu tiên của Công ty CP Cao su Lai Châu đã cho khai thác mủ. Sự kiện này đã khẳng định cho thành công bước đầu của chương trình trồng cây cao su tại Lai Châu nói riêng và Tây Bắc. Bởi những năm sau đó, nhiều diện tích khác lần lượt bước vào chu kỳ khai thác với năng suất mủ ngày càng nâng lên.

Cây cao su đã sinh trưởng, phát triển tốt
ở Lai Châu và giờ đang trong chu kỳ khai thác


Đến nay, qua 15 năm xây dựng và phát triển, Công ty hiện đang quản lý hơn 6.900 ha cao su tập trung ở tại các nông trường: Phong Thổ, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Quẩy. Tại những khu vực này, người dân từ bỏ thói quen làm nông nghiệp tự do, từng bước quen dần với nề nếp làm việc khoa học có giờ giấc và quy trình kỹ thuật khi trở thành người công nhân cao su. Để đảm bảo đúng quy trình chăm sóc và khai thác, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế, các cán bộ kỹ thuật của Công ty thường xuyên hướng dẫn công nhân thực hiện nghiêm ngặt các kỹ thuật từ khâu làm cỏ, bón phân, phun thuốc, cạo, thu gom mủ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khai thác như: Màng chắn nước mưa, máng che bát để đựng mủ, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào mủ cao su và không để tạp chất lẫn vào mủ. Bên cạnh đó, Công ty cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho cán bộ công nhân viên và người lao động trực tiếp đảm bảo điều kiện an toàn cho họ yên tâm làm việc. Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mủ, Công ty thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cạo mủ cho công nhân, từ đó nâng cao tay nghề cho người lao động, đảm bảo yêu cầu khắt khe của việc cạo mủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam.

Công nhân Nông trường Phong Thổ kiểm tra mái che 
ngăn lá cây, bụi bẩn… rơi vào ảnh hưởng chất lượng mủ

 

Công ty đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, đảm bảo quyền lợi bao gồm thu nhập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… để họ yên tâm gắn bó và làm việc. Ngoài ra, Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; phối hợp với cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức thăm hỏi giúp đỡ đoàn viên, người lao động khi ốm đau, hiếu hỉ, gặp khó khăn; chi trả tiền hỗ trợ Covid - 19, tặng quà cho công nhân, người lao động nhân dịp ngày lễ lớn trong năm nhằm khích lệ, động viên tinh thần làm việc của mọi người.

Ông Lò Văn Thương – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty
trao Giấy khen cho 2 Nông trường đạt thành tích xuất sắc
trong phong trào thi đua năm 2021

 

Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, kết thúc năm 2021, Công ty đã khai thác 5.453,57 ha cao su, sản lượng đạt 6.012,194 tấn (quy khô) đạt 100,2% kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao. Sản lượng tiêu thụ 5.656,771 tấn; tổng doanh thu 209,520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,955 tỷ đồng; thu nhập bình quân của trên 1 nghìn lao động đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài khoản chi hàng tháng cho người lao động, năm 2021, Công ty CP  Cao su Lai Châu đã chi trả thêm 17 tỷ đồng cho người dân góp đất. Đây là phần được hưởng thêm của người dân trong khu vực nông trường khi họ tham gia góp đất trồng theo nội dung ký kết hợp đồng giữa Công ty và người dân.

“Trong năm 2022, Công ty đặt mục tiêu đưa vào khai thác mới 362,37 ha nâng tổng số diện tích khai thác đạt 5.815,94ha; năng suất đạt 1,2 tấn/ha, sản lượng 7.000 tấn mủ cao su, chế biến mủ 7.000 tấn. Đặc biệt, Công ty đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết đề đưa vào vận hành nhà máy chế biến mủ cao su, nhằm giảm chi phí, tạo lợi nhuận cho Công ty và người dân. Bên cạnh những nỗ lực của đơn vị, chúng tôi rất mong tỉnh Lai Châu tiếp tục đồng hành với Công ty CP Cao su Lai Châu, xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục để nhà máy sớm đi vào hoạt động” - Ông Lò Văn Thương - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Công ty chia sẻ.

Các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc
trong năm 2021 nhận Giấy khen của Lãnh đạo Công ty

 

Hiện nay, giá mủ cao su lên cao không chỉ mang lại niềm vui cho các công nhân cao su mà các doanh nghiệp, công ty cao su cũng phấn khởi. Bởi giá mủ cao su cao sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời nâng cao đời sống của công nhân cao su, giúp người dân gắn bó lâu dài với cây cao su. Cây cao su với người dân Lai Châu bây giờ chính là rừng, là tài sản, là sinh kế và nguồn sống của bà con. Loài cây "vàng trắng" đã góp phần thay đổi bộ mặt của vùng đất biên giới xa xôi của Tổ quốc./.

Trịnh Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top