Cục Thống kê Hà Nội công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020

30/06/2020 - 08:51 AM
Chiều ngày 29/6, Cục Thống kê Thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội chủ trì buổi họp báo.

Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Cục Thống kê và một số đơn vị báo chí, truyền thông.

Tại buổi họp báo, ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hà Nội đã trình bày một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 3,72%; quý II/2020 tăng 3,10%). Ông Đậu Ngọc Hùng cho biết, mặc dù đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của Thành phố, tuy nhiên, trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, mức tăng trưởng đạt được là khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố và mức chung cả nước (cả nước là 1,81%).

 
Cục Thống kê Hà Nội công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020
 
Toàn cảnh buổi họp báo 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 1,15% của cùng kỳ năm 2019), đóng góp 0,05% điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn Thành phố. Chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản tiếp tục tăng khá, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tăng 26,5%; sản lượng thủy sản ước tăng 4,5%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng 5,94% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 6,06%; quý II/2020 tăng 5,84%), đóng góp 1,33 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của Thành phố. Ngành công nghiệp Hà Nội chỉ đạt mức tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 6 tháng trong một số năm gần đây (quý I/2020 tăng 6,03%; quý II/2020 tăng 5,25%), chủ yếu do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhất là ngành chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện nhập khẩu.

Ngành xây dựng cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, mặc dù Thành phố có nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển. Ước tính tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 6,54%, thấp hơn nhiều mức tăng 10,76% của cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là các ngành, lĩnh vực: Du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, xuất, nhập khẩu, vui chơi, giải trí… Ước tính, tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ đạt 2,59% (quý I/2020 tăng 3,13%; quý II/2020 tăng 2,08%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,16% của 6 tháng đầu năm 2019, đóng góp 1,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 142 nghìn tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán và tăng 9,9% cùng kỳ năm 2019; Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 34,2 nghìn tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động huy động vốn ước đạt 3.608 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3% so với thời điểm năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 2.172 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 2,8% so với thời điểm kết thúc năm 2019. 

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố thực hiện 6 tháng ước đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế từ đầu năm đến 24/6/2020 đạt 1.217 triệu USD. Riêng tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển", ngày 27/6 vừa qua, đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 17,6 tỷ USD, gấp 5 lần về số dự án và 11 lần về số vốn đăng ký so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. 

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 12,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, giảm 7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Có 1.195 doanh nghiệp giải thể, tăng 18% so cùng kỳ; 6.362 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 34% so cùng kỳ; 3.263 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2% so cùng kỳ…

Từ các số liệu thống kê 6 tháng đầu năm, Cục trưởng Đậu Ngọc Hùng cho biết, nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Để thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2020, cần thực hiện tốt một số nội dung: Kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (từ việc thành lập doanh nghiệp đến các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, nộp thuế,...), tập trung giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các nhóm thủ tục hành chính liên thông, rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ; Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt…

 
Tin, ảnh: Thu Hường
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top