Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Giai đoạn 2014-2020

28/10/2020 - 08:53 AM

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với đề án “Phát triển thị trường trong nước” giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án) đã đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển đa dạng hệ thống phân phối hàng hóa thị trường trong nước; thay đổi xu hướng tiêu dùng người Việt sang sử dụng hàng Việt do doanh nghiệp trong nước sản xuất… khẳng định vai trò của thị trường trong nước là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước.

Nỗ lực chinh phục thị trường nội địa

Với gần 100 triệu dân thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khai thác và mở rộng sản xuất kinh doanh. Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến với người tiêu dùng nhiều hơn, ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Sau 6 năm thực hiện Đề án đã đạt mục tiêu, hệ thống thương mại nội địa ngày càng phát triển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đến nay, Bộ Công Thương và doanh nghiệp đã tổ chức, xây dựng hơn 100 Điểm bán hàng Việt Nam cố định với nhiều sáng tạo tại các địa phương trên cả nước như: Nhóm điểm bán hàng Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa; Nhóm điểm bán hàng Việt Nam gắn với quảng bá đặc sản vùng, địa phương; Nhóm điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị… Hiệu quả từ các Điểm bán hàng, nhiều địa phương cũng đã chủ động nhân rộng hơn 100 mô hình Điểm bán hàng khác từ nguồn kinh phí của địa phương. Điển hình như: Thanh Hóa xây dựng thêm 15 điểm bán tại 11 huyện miền núi phía Tây; Tây Ninh có 9 điểm bán hàng; Lâm Đồng có 2 điểm bán hàng để quảng bá các đặc sản địa phương. Bên cạnh việc xây dựng, phát triển các mô hình Điểm bán hàng, Đề án cũng tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; khoảng 100 lớp đào tạo về kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh Việt Nam... Qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng hơn tới sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, hình thức mẫu mã sản phẩm ngày càng đa dạng.

 Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Giai đoạn 2014-2020

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Triển khai thực hiện Đề án đã góp phần đưa tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống siêu thị trong nước như: Co.opmart đạt 90-93%; Satra đạt 90-95%; Vissan đạt 95%; Vinmart đạt 90%; BRG Retail đạt 90%; Hệ thống siêu thị Bách hóa xanh đạt 95%.... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài chiếm tới 60-96% như: Lotte đạt 82% (theo doanh thu) và đạt 84% (theo số lượng mặt hàng); Big C đạt 96% (theo doanh thu); Aeon đạt 80% (theo mã hàng)… Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ và cửa hàng tiện lợi chiếm từ 50% trở lên. Sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối hàng trong nước cũng đã được thể hiện trước làn sóng dịch Covid-19. Trong khi thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ, thị trường trong nước hàng hóa vẫn cung ứng khá dồi dào, không xuất hiện tình trạng thiếu hụt. Các siêu thị liên tuc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh mẽ để kích thích tiêu dùng nội địa đối với hàng Việt. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2020 giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và bảo đảm cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, hàng hóa để duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sau 6 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục. Nhiều người Việt đang có xu hướng mua hàng nội địa và tin tưởng vào nguồn gốc, xuất xứ hàng nội. Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam...

Giải pháp đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, thách thức như: Hàng hóa trong nước đang phải chịu sức ép cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại; đặc biệt là khi các Hiệp định FTA có hiệu lực, hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều; quy mô các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; ngân sách phân bổ cho Đề án còn hạn chế do đó một số nhiệm vụ chưa được tập trung thực hiện; Thông tư hướng dẫn triển khai Đề án chưa có nên việc thanh, quyết toán còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính ngoại nên hàng Việt trên thị trường nội địa chưa thực sự vững chắc; tình trạng hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả còn tồn tại; hạ tầng thương mại xuống cấp; một số địa phương chưa gắn việc xây dựng thực hiện Đề án với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số nơi còn tổ chức hình thức, chưa cụ thể hóa các phương thức đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng, giảm chi phí hàng hóa, dịch vụ.

Để hàng Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường và củng cố niềm tin trong nhân dân đối với hàng Việt, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp:

Một là, tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách phát triển hàng Việt Nam trong các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trung và dài hạn cho thị trường trong nước; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hướng tới hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Ba là, xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ, tăng hiện diện của hàng hóa Việt Nam ở thị trường trong nước. Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam.

Bốn là, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Năm là, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nhiều hơn khâu nghiên cứu sản phẩm, tạo ra nhiều khác biệt để chinh phục người tiêu dùng, dẫn dắt cuộc chơi; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...

Sáu là, các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về những quy định mới từ các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết về các lĩnh vực, ngành hàng mình hoạt động để hiểu đúng những cơ hội, thách thức doanh nghiệp có thể gặp phải từ đó xây dựng kết hoạch phát triển phù hợp với doanh nghiệp.

Bảy là, tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền về Cuộc vận động gắn kết với tên gọi chung “Tự hào hàng Việt Nam”. Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cấp vùng, miền về kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu Việt Nam, kết nối cung cầu./.

Hùng Ngân


 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top