Đặc sắc lễ hội Lồng tồng Ba Bể

15/02/2022 - 11:33 AM
Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu (Ba Bể - Bắc Kạn) lại tưng bừng diễn ra “Lễ hội Lồng tồng Ba Bể”. Đây là lễ hội truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, là hoạt động thể hiện sinh động nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của người dân Việt Bắc.
 
Lễ hội Lồng tồng tại vùng hồ Ba Bể có từ thời xa xưa, gắn với truyền thuyết về sự hình thành hồ Ba Bể và được lưu truyền trong dân gian. Năm 2014, “Lễ hội Lồng tồng Ba Bể” đã được đưa vào danh mục di sản văn
hóa phi vật thể quốc gia, điều này càng khẳng định sức hấp dẫn và giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội.

Lễ hội Lồng tồng mang đậm tín ngưỡng phồn thực. Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất đều mang ý nghĩa về sự giao hòa đất trời, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, chắt chiu làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần đã phù hộ, che chở cho nhân dân được thuận lợi và bội thu trong sản xuất, an khang trong đời sống.

Có rất nhiều nghi thức và thành phần lễ hội đặc sắc, sinh động ở hội Lồng tồng Ba Bể. Ðó là ngày hội của mọi nhà, vì nhà nhà đều tham gia làm lễ. Lễ hội thường được tổ chức trang trọng với màn mở đầu là múa lân, rước cỗ, thắp hương, khấn lễ, đánh trống khai hội và hạ cỗ.

 
Đặc sắc lễ hội Lồng tồng Ba Bể

Ảnh minh họa: Nguồn internet


 
Vào buổi sáng diễn ra hội Lồng tồng, các gia đình ở các bản xung quanh vùng tổ chức cùng nhau đội mâm lễ cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản. Mỗi nhà có một mâm cúng riêng, trên mâm cúng thường có gà trống luộc, thịt lợn nạc, cặp bánh chưng gói bằng lá dong. Những quả trứng gà luộc được nhuộm phẩm với bốn mầu xanh-đỏ-tím-vàng. Rồi xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, trên mỗi đĩa xôi lại có một con chim én làm bằng giấy đỏ đậu trên, mang theo biểu tượng của mùa xuân, như để gửi gắm ước mơ về sự no ấm, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành. Các mâm cúng được xếp lần lượt theo hàng, mâm trên cùng là mâm cúng của thầy mo già được kính trọng nhất trong vùng và cũng là người chủ trì lễ hội.
 
Mọi người đứng vòng tròn quanh mâm cúng. Khi những nén hương được thắp lên, thầy mo đọc bài khấn và thực hiện các nghi thức cầu cúng, lễ tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy, Sơn thần, Thủy thần (những vị thần chi phối việc trồng trọt của nhà nông) và thành Hoàng (vị thần bảo hộ cho dân làng) độ trì cho mưa thuận gió hòa, gia cầm sinh sôi, bản, làng bình yên no ấm...
 
Sau phần cúng của thày mo là nghi lễ xuống đồng. Thường thì một người cày giỏi sẽ được chọn và giao trọng trách mắc cày vào một con trâu mộng to khỏe, đẹp để vạch luống cày đầu tiên cho mùa vụ mới.

Kết thúc phần lễ, mọi người hòa mình vào không khí tưng bừng của phần hội với những trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, đánh yến, đánh quay, bịt mắt bắt dê, đua thuyền độc mộc, chọi dê... đến các trò chơi thể dục thể thao hoặc ngày nay có năm lễ hội Lồng tồng còn có cả các hội thi về vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường dành cho thiếu nhi, hội thi làm bánh trưng bánh giày, hội thi khâu còn...

Thường thì tung còn được chọn là trò chơi khai hội. Những quả còn được khâu bằng vải, bên trong có hạt thóc, hạt bông được nén chặt, ngoài có tua ngũ sắc, được các nam thanh nữ tú thi ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Ðó là hai biểu tượng của Âm và Dương, cái gốc của vũ trụ và vạn vật. Trò chơi tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là Âm - Dương đã giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu và ai ném trúng hồng tâm đầu tiên sẽ được trao giải thưởng, được coi là điềm may mắn trong năm. Một điều thú vị khác nữa là khi các nam thanh nữ tú bắt được quả còn của nhau thì xem như đã được Trời se duyên đôi lứa, nên đây cũng là dịp để trai gái kết đôi và bén duyên vợ chồng. Cũng chính vì thế mà ở bất cứ hội Lồng tồng nào, thi ném còn cũng luôn là một nghi thức thu hút nhiều người hưởng ứng tham gia nhất.

Không chỉ có những trò chơi, ở lễ hội Lồng tồng, trai gái các bản cùng nhau hát sli, hát lượn thâu đêm suốt sáng với lượn mời, lượn nghênh đón, lượn xe kết, lượn mừng và lượn tạm biệt... tạo nên không khí lễ hội vui tươi, rộn rã tràn đầy năng lượng.

Nét độc đáo của hội Lồng tồng Ba Bể là bà con đi hội không chỉ để chơi, mà còn để bán những nông sản do nhà mình tự làm ra, khiến hội Lồng tồng còn có mầu sắc của hội chợ nông sản.

Những nét đẹp văn hóa trong lễ hội lồng tồng không chỉ là món ăn tinh thần cho bà con nhân dân trong những ngày đầu xuân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, hàng năm lễ hội Lồng tồng vẫn thường được tổ chức. Đây là dịp để người dân hội tụ giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, dân tộc phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, tạo nên đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Minh Quang
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top