Dấu ấn cải cách hành chính của Việt Nam qua một thập kỷ (giai đoạn 2011-2020)

24/03/2021 - 02:51 PM
Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước ở nước ta là một chủ trương nhất quán của Đảng. Đây được xem là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước, là yếu tố đảm bảo cho sự thành công của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ ban hành đã trở thành một trong những giải pháp tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Hệ thống thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

Cải cách thể chế được xác định là trọng tâm của CCHC, phản ánh sự lãnh đạo của Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Thời gian qua, công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 được các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Kết quả xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 cùng với kết quả thực hiện chủ trương của Đảng đối với công tác hoàn thiện pháp luật thời gian qua là nền tảng và là một trong những trọng tâm của cải cách thể chế tại Chương trình tổng thể CCHC. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới; thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân tiếp tục được quan tâm xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện trong thực tế, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và được triển khai ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Kết quả thống kê cho thấy, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020 đã đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, tiết kiệm hơn 5,9 triệu ngày công, tương đương hơn 893,9 tỷ đồng/năm; chỉ còn 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Những quy định về kiểm soát TTHC cơ bản được hoàn thiện. TTHC được các bộ, ngành, địa phương từng bước chuẩn hóa, công bố, niêm yết, công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC, trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, giúp cá nhân, tổ chức truy cập tìm hiểu, thực hiện thuận tiện, chính xác. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai ở các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC; Các nội dung gắn kết đồng bộ giữa cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước.

 
Dấu ấn cải cách hành chính của Việt Nam qua một thập kỷ (giai đoạn 2011-2020)

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Đặc biệt, việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đạt được những kết quả tích cực. Năm 2019, cả nước có hơn 14,5 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó dịch vụ tiếp nhận hồ sơ là gần 2,2 triệu lượt, dịch vụ trả kết quả là 12.329.670 lượt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tạo tiền đề thúc đẩy triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

Các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính được tiếp tục hoàn thiện và ngày càng đồng bộ.

Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót trong thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý. Phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của hệ thống hành chính từng bước được nâng cao.

Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, tại các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) giảm được 12 vụ và tương đương. Điển hình trong năm 2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã giảm 03 đơn vị cấp ban, giảm 13 đơn vị cấp phòng và 14 chức danh lãnh đạo cấp phòng; tại địa phương giảm được 65 phòng trực thuộc BHXH cấp tỉnh; giảm 58 BHXH thị xã, thành phố do chuyển giao nhiệm vụ, nhân sự, tài chính, tài sản về BHXH tỉnh thực hiện, quản lý; giảm 06 BHXH cấp huyện do sắp xếp địa giới hành chính; giảm 350 chức danh lãnh đạo cấp phòng. Bộ Tài chính đã cắt giảm 85 chi cục thuế tại các cục thuế cấp tỉnh; giảm khoảng 185 đội thuế thuộc chi cục thuế cấp huyện; đã rà soát, kiện toàn và cắt giảm 06 kho bạc nhà nước cấp huyện.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: giảm 05 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trong đó có 278 phòng Dân tộc. Về rà soát, cắt giảm đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến ngày 29/02/2020, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 53 đơn vị so với năm 2015. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương là 49.445 đơn vị, giảm 6.189 đơn vị so với năm 2015. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/ UBTVQH ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản hoàn thành: ở cấp huyện đã tiến hành sắp xếp đối với 18 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 06 đơn vị. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.025 đơn vị, giảm 545 đơn vị. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/ UBTVQH, Chính phủ đang chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới; từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí việc làm.

Công tác quản lý cán bộ, công chức; đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, đặc biệt là việc chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đổi mới, phân công, phân cấp rõ ràng hơn; cải cách tiền lương đạt được những kết quả tích cực. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đạt được những kết quả bước đầu. Về biên chế công chức, các bộ, ngành, địa phương được giao năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 27.504 biên chế, tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015. Biên chế sự nghiệp được giao năm 2021 là 1.783.174 người, giảm 242.703 người, tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hiện nay là 1.031.851 người, giảm 147.290 người, tương ứng giảm 12,49% so với năm 2015.

Việc luật hóa, công khai hóa các nguồn thu và các khoản chi ngân sách nhà nước đã nâng cao tính dân chủ và minh bạch trong quản lý ngân sách quốc gia.

TTHC trong thu, chi ngân sách nhà nước được cải cách mạnh mẽ theo hướng bảo đảm công khai, công bằng, thuận lợi, đúng pháp luật. Việc quản lý, sử dụng và đầu tư mua sắm tài sản công được quy định chặt chẽ hơn. Các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ; điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường; thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo minh bạch trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước. Từng bước hoàn thiện chính sách về thuế, quản lý nợ công, thu nhập, tiền lương, chính sách an sinh xã hội; triển khai chính sách xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử” là kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC.

Chính phủ đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương từng bước xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; đô thị thông minh; tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng. Điển hình như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (thu thập thông tin cá nhân của khoảng 93 triệu người); cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; cơ sở dữ liệu giáo dục; dữ liệu danh mục dùng chung của Bộ Y tế…

Kết quả nổi bật là việc phát triển hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, xã cho tới mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tập trung cấp tỉnh; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và tổ chức thông qua các phương tiện hiện đại đã hình thành quan niệm mới về quản lý công, quản trị công mới, từng bước tiến tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/ NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối liên thông để phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan nhà nước ở Trung ương và 63 địa phương; trong đó, 94/94 bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử đối với ba cấp chính quyền; có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận (từ ngày 12/3/2019 đến tháng 11/2020). Việc gửi, nhận văn bản điện tử giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (Hệ thống e-cabinet); Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Từ ngày khai trương (24/6/2019) đến tháng 11/2020, Hệ thống e-cabinet đã phục vụ 23 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 561 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 208 nghìn phiếu giấy, hồ sơ, tài liệu kèm theo. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng Hệ thống khoảng 169 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Hệ thống đã kết nối 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Hiện tại, có 106/106 chỉ tiêu kết nối đã cung cấp dữ liệu, hiển thị trên các Bảng theo dõi trực quan (Infographic) tại Trung tâm thông tin; kết nối ổn định, thông suốt của 12 thông tin, dữ liệu trực tuyến tại Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; phối hợp với 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 08 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tương tác, điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng, internet với gần 30 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê tính đến ngày 15/12/2020, tại các bộ, ngành Trung ương, mức độ 3 đạt 15,53%, mức độ 4 đạt 34,83%. Tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 là 68,49%, trong đó mức độ 3 là 52,27%, mức độ 4 là 75,72%. Tại địa phương, mức độ 3 là 25,92%, mức độ 4 là 29,97%. Tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 là 37,34%, trong đó mức độ 3 là 38,10%, mức độ 4 là 36,68%.

Các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước. Một số bộ, ngành đã công bố mô hình Khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức theo hệ thống ngành dọc trực thuộc./.
 
TS. Hoàng Thị Thu Thủy
Học viện Chính trị KV IV 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top