Dấu ấn ngành lâm nghiệp năm 2021 và những nỗ lực trong giai đoạn tới

28/04/2022 - 09:19 AM
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Lâm nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đạt được những thành tựu đáng tự hào trong công tác bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp.

Từ những thành tích đáng tự hào…

Những năm gần đây, công tác trồng cây, gây rừng ở nước ta có nhiều tiến triển tích cực, nhờ đó diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tăng hàng năm, tỷ lệ độ che phủ rừng ngày càng cao. Năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020 chủ yếu là tăng về rừng đặc dụng và phòng hộ, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Mặc dù, so với các năm trước, đây là con số tăng không lớn về trữ lượng rừng, nhưng con số này rất có ý nghĩa, do năm 2021 toàn ngành đang tiến tới nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Cùng với đó, cơ cấu các loại rừng như: rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất đã có sự bố trí phù hợp hơn giúp cho công tác trồng rừng mang lại hiệu quả cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tính đạt 277,8 nghìn ha, tăng 2,8% so với năm 2020 (quý IV/2021 đạt 101,9 nghìn ha, tăng 3%); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 triệu cây, tăng 3% (quý IV đạt 33,9 triệu cây, tăng 4,3%); sản lượng gỗ khai thác đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4% (quý IV đạt 5.245,2 nghìn m3, tăng 8,1%); sản lượng củi khai thác đạt 18,8 triệu ste, giảm 1,6% (quý IV đạt 4,5 triệu ste, giảm 3,8%).

Cùng với việc gia tăng diện tích trồng rừng, công tác bảo vệ rừng cũng được phát huy với nhiều thành tích. Trong năm 2021, số vụ vi phạm bảo vệ rừng và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020. Cụ thể, đã phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 411 vụ, tương ứng giảm 13% so với cùng kỳ năm 2020; diện tích thiệt hại 852 ha, giảm 6% (56 ha) so với cùng kỳ.

 
Dấu ấn ngành lâm nghiệp năm 2021 và những nỗ lực trong giai đoạn tới

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Ngoài ra, trong quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, toàn ngành Lâm nghiệp đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng các phương án quản lý hiệu quả tích cực. Đến nay, đã có đã có 199 chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích 3,1 triệu ha, còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng và 122 chủ rừng chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích khoảng 4,1 triệu ha. 6 Vườn quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có tổng diện tích 299.467 ha đã được Bộ phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hiệu lực đến nay là 314.205 ha tại 27 địa phương (diện tích cấp theo chứng chỉ FSC gồm 258.526 ha; diện tích được cấp theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC là 55.679 ha). Trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay đã thực hiện cấp chứng chỉ cho 67.000 ha rừng.

Đặc biệt, trong năm 2021, ngành Lâm nghiệp cũng đã phối hợp cùng các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân trong cả nước triển khai có hiệu quả Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2021. Theo đó, ngay sau khi Đề án được phê duyệt, ngành lâm nghiệp đã cùng các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án triển khai; rà soát hầu hết các quỹ đất trồng cây và trồng rừng. Kết quả triển khai thực hiện cho thấy, năm 2021, cả nước trồng đạt 115% kế hoạch, trong đó một số địa phương có kết quả tốt như: Nghệ An (7,3 triệu cây); Thanh Hóa (5,3 triệu cây); Lâm Đồng (4 triệu cây)… Có nhiều mô hình trồng cây xanh được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như: mô hình từ một mẩu rừng cho bạn đến trồng 20.000 cây xanh tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang của thầy trò Trường Marie Curie và mô hình được cam kết tiếp tục đồng hành trong những năm tiếp theo. Hay dự án Cùng phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) với thông điệp“góp một cây để có rừng” đã huy động từ các cá nhân trồng và phục hồi 80 ha rừng đầu nguồn sông Gianh. Trong năm 2022, dự án tiếp tục đặt mục tiêu trồng ít nhất 100 ha và vận động các nguồn lực từ xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa. Cùng với đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đồng hành trồng cây, trồng rừng vì một Việt Nam xanh như Tập đoàn Novaland cam kết trồng 50 triệu cây ở Lâm Đồng, Công ty TNHH giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam cam kết trồng mới 30 triệu cây xanh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết trồng một triệu cây phân tán…

Riêng ngành Lâm nghiệp, để chuẩn bị cung ứng giống cây trồng có chất lượng cao cũng đã chuẩn bị được hơn 400 triệu cây giống phù hợp với các điều kiện địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu để phục vụ việc trồng rừng cho kế hoạch trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm và các năm tiếp theo…

Không chỉ đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ và phát triển rừng, trong năm 2021 kinh tế lâm nghiệp cũng đã có nhiều khởi sắc. Theo đó, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, song kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt gần 16 tỷ USD, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra với 14 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020, xuất siêu cả năm đạt gần 13 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản đã chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; chiếm 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành. Trong giá trị kim ngạch xuất khẩu, riêng lâm sản ngoài gỗ đã xuất khẩu được gần 1,2 tỷ USD và tăng gần 40%.

Năm 2021 cũng là năm ghi nhận thu dịch vụ môi trường rừng lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021 và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, Quỹ Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm 2021 và bằng 121% cùng kỳ 2020; Quỹ tỉnh thu 1.193 tỷ đồng đạt 116% kế hoạch năm 2021 và bằng 134% cùng kỳ. Đây là nguồn thu rất quan trọng, góp phần rất lớn phục vụ cho công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng. Đáng chú ý, trong năm qua, ngành lâm nghiệp đã ký thỏa thuận về bán tín chỉ các-bon rừng, với khoảng 5,15 triệu tấn tại 5 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, thu về hơn 50 triệu USD…
…đến những nỗ lực trong giai đoạn tới
Với kết quả trên có thể nói trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, ngành lâm nghiệp đã càng khẳng định vị trí quan trọng góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như phát triển chung của cả nước. Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu cơ cấu lại ngành theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến mục tiêu tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Qua đó, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Trong năm 2022, ngành Lâm nghiệp phấn đấu trồng mới khoảng 230 nghìn ha rừng tập trung (rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất), tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, trồng 122 triệu cây phân tán; khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 31,5 triệu m3 (khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3; gỗ cao su 5 triệu m3). Đồng thời, thu dịch vụ môi trường rừng từ 2.800-3.000 tỷ đồng; diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90 nghìn ha. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng rừng.

Để nâng cao chất lượng rừng, giai đoạn tới, ngành sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng để bố trí hài hòa các loại rừng: Phòng hộ, đặc dụng và sản xuất; đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng; nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao những giống mới vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh...

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành Lâm nghiệp sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2022. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày để kiểm tra, phát hiện, xử lý. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ thông tin, viễn thám) trong phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Hoàn tất việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC quốc tế; triển khai rộng rãi việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Chủ động hợp tác nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế.

Về chế biến, thương mại lâm sản: Sẽ tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đối với sản phẩm chủ lực quốc gia, sẽ tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh những giải pháp trên, trong giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp sẽ đổi mới, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp; tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và dịch vụ logistics; tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định, cam kết quốc tế; tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lâm nghiệp quốc tế, khu vực và song phương; tăng cường thu hút các nguồn vốn quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; chủ động hợp tác trong nghiên cứu, giáo dục, đào tạo để tiếp cận khoa học và công nghệ lâm nghiệp tiên tiến…/.

 
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top