Đầm ấm Tết Nguyên đán cổ truyền của những người con xa xứ

21/05/2019 - 09:39 AM
Mỗi khi Tết Nguyên đán đến gần, những người Việt xa quê hương lại cùng chung nỗi nhớ khắc khoải về những cành đào đỏ thắm hay những bông mai vàng rực rỡ; nhớ về hương lá mùi già thoang thoảng chiều 30 Tết; hay nhớ về những đêm quây quần bên bếp lửa hồng cùng người thân trông nồi bánh chưng xanh... Để an ủi nhau nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà và cũng để có một cái Tết xa quê được trọn vẹn, cộng đồng người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cùng nhau tổ chức lễ Tết mang đậm nét cổ truyền dân tộc.
 
Đầm ấm Tết Nguyên đán cổ truyền của những người con xa xứ

Lưu học sinh đón tết xa nhà ở Trung Quốc

Mỹ, Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt cũng nhộn nhịp như ở Việt Nam với nhiều lễ hội, hoạt động mang đậm nét văn hóa dân tộc như múa lân, trình diễn áo dài Việt Nam, múa nón Việt... Đến hẹn lại lên, vào những ngày cuối năm, các khu phố có cộng đồng người Việt sinh sống khoác lên mình ánh đèn hoa rực rỡ, bắt mắt. Các nhà hàng Việt lại chật kín người, rộn vang tiếng cười nói rôm rả của những bữa tiệc họp mặt và liên hoan cuối năm. Khắp các chợ Việt ở Mỹ tấp nập người người mua sắm đủ các loại mặt hàng Tết và tất nhiên không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, các loại bánh mứt tết,… Chợ hoa Tết ở Mỹ cũng rực rỡ đủ cả hoa mai, đào, cúc, huệ, hồng, lay ơn, phong lan, thược dược, đào, quất… Dù không có được không khí chuẩn bị rộn ràng, những tiếng hàng xóm gọi nhau í ới như nơi quê nhà, nhưng người Việt nơi đất Mỹ vẫn dành thời gian chuẩn bị từ những chiếc bánh chưng tự gói, đĩa xôi tự đồ, bát canh măng ngút khói cùng khoanh giò xào, củ kiệu, dưa món của nhà làm được. Họ quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên cùng bạn bè, cầu chúc và lì xì cho nhau, mong một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Họ cũng đi lễ chùa đầu năm trong niềm hân hoan của một mùa xuân mới. Trong những ngày Tết, các cụ ông, cụ bà, rồi bố mẹ lục lại ký ức, kể cho trẻ nhỏ về phong tục tập quán của quê hương, từ việc chuẩn bị Tết, tục mừng tuổi người già, trẻ em và cả tục chọn người xông đất đầu năm âm lịch… với mong muốn lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa ông cha. Tất cả tạo ra một cái Tết cổ truyền vô cùng đặc trưng, làm ấm lòng những người con xa xứ.

Tại Đức, ngày 30 tháng Chạp năm nào cũng vậy,  mặc cho cái rét có khi xuống dưới âm độ, những người Việt lại rộn ràng sắm sửa để kịp đón Tết cổ truyền cùng với quê hương. Những người  làm ca thì tranh thủ hò hẹn cùng nhau đi chợ của người Việt để mua lá dong về gói bánh chưng, hay mua một cành đào, cây mai về chơi Tết. Tối đến, họ lại cùng nhau tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa với những món ăn truyền thống như: Gà luộc nguyên con mỏ ngậm bông hồng, bánh chưng xanh, bát canh miến… Thời khắc giao thừa đến gần, họ cùng hướng về quê nhà, đếm ngược thời gian để nâng ly chúc mừng năm mới, chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn và gọi điện cho người thân chúc Tết, để vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương…

Những ngày giáp Tết, không khí chuẩn bị ở Pháp cũng rộn ràng hối hả không kém, đặc biệt ở những thành phố lớn tập trung đông người Việt như Paris hay Lyon. Vào dịp này, họ đến chợ để được hòa mình vào không khí Tết Việt như chợ Tết nơi quê nhà… Sắm sửa bánh trái, hoa quả và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đậm chất quê hương là cách nhiều người Việt sống trên nước Pháp thực hiện để chào đón năm mới. Họ đến đây nhanh tay mua lá dong và gạo nếp, các nguyên liệu cần thiết về nhà tự gói bánh chưng, muối vài âu củ kiệu... Theo đúng phong tục cổ truyền, nhiều gia đình cầu kì chuẩn bị một mâm cỗ, cúng ông bà tổ tiên với đầy đủ các món cổ truyền như gà hấp lá chanh, bánh chưng, thịt nấu đông và mâm ngũ quả. Vì là ngày Tết cổ truyền của dân tộc nên hầu hết các gia đình Việt Nam tại Pháp đều chờ đón thời khắc giao thừa theo giờ quê hương. Như thông lệ, họ tụ họp cùng nhau hàn huyên tâm sự suốt đêm giao thừa để chờ sang sáng mùng Một lì xì con trẻ, diện những bộ đồ thật đẹp tới tham dự những buổi sinh hoạt văn hóa, lắng nghe những làn điệu quan họ hay bài ca cải lương ngọt ngào để rồi trái tim lại bồi hồi nhớ về mảnh đất cha ông.

So với ở Pháp thì không khí đón Tết của người Việt ở Nhật Bản có phần trầm lắng hơn nhưng cũng ngập tràn tình cảm hướng về quê cha đất tổ. Ngay từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi người tụ tập cùng nhau gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn mang đặc trưng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam và quây quần bên bếp lửa hồng tán gẫu, hát vang những khúc hát quê hương… Khi mọi việc xong xuôi, họ cùng nhau quây quần đầm ấm ăn bữa cơm tất niên để ôn lại những kỷ niệm quê nhà và giáo dục con nhỏ về truyền thống dân tộc.

Thêm một mùa xuân đến mang theo những nỗi nhớ quê hương da diết, các gia đình và cộng đồng người Việt ở xa Tổ  quốc lại xích lại gần nhau hơn, cùng gìn giữ văn hóa cha ông và giới thiệu văn hóa Tết  cổ truyền với bạn bè quốc tế./.

 
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top