Đảm bảo thông tin thống kê giai đoạn 1955-1975

01/12/2020 - 10:14 AM
Trong thời kỳ 1955-1975, ngành Thống kê đã tổ chức nhiều cuộc điều tra thống kê, đặc biệt có nhiều cuộc điều tra chuyên đề phục vụ cho yêu cầu công tác quản lý trong thời chiến. Số liệu thu được từ hệ thống báo cáo thống kê định kỳ cùng với kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra thống kê đã cung cấp cho Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành ngày càng nhiều thông tin với chất lượng ngày càng cao về tình hình kinh tế - xã hội.
 
Để nắm được thực trạng nền kinh tế nước ta ở thời kỳ khôi phục kinh tế 1955 - 1957, ngay từ khi thành lập, Cục Thống kê Trung ương đã tổng hợp báo cáo thống kê phản ánh tình hình chủ yếu về kinh tế - xã hội trình Chính phủ và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Để có số liệu báo cáo, ngành Thống kê đã tổ chức hàng loạt các cuộc điều tra. Số lượng chỉ tiêu thu thập được rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là những số liệu cần thiết đã đáp ứng các yêu cầu về thông tin thống kê trong giai đoạn khôi phục kinh tế (1955 - 1957).
 
Từ năm 1958, ngành Thống kê đã tính toán và cung cấp nhiều chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, số lượng chỉ tiêu cung cấp ngày càng nhiều để phục vụ cho yêu cầu kiểm tra thực hiện kế hoạch 3 năm, cải tạo và phát triển kinh tế, trước mắt là đáp ứng yêu cầu cải tạo đối với các thành phần kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư doanh, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh.
 
Đến đầu những năm 60, ngành Thống kê đã tính được các chỉ tiêu thống kê tổng hợp quan trọng như chỉ tiêu giá trị tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, đây là những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc tính toán cân đối trong nền kinh tế quốc dân.
 
Giai đoạn 1961 - 1965, ngành Thống kê đẩy mạnh thực hiện chế độ báo cáo thống kê và thực hiện nhiều cuộc điều tra, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngày càng được mở rộng để thu được số liệu đầy đủ và chi tiết hơn, các chỉ tiêu thống kê đã được phân theo thành phần kinh tế (quốc doanh, công tư hợp doanh, cá thể), phân theo Trung ương, địa phương... phản ánh được tương đối đầy đủ kết quả của quá trình phát triển kinh tế và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong các ngành kinh tế; tình hình hợp tác hóa nông nghiệp; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; tiến độ sản xuất và xây dựng, nhất là trong các ngành kinh tế trọng điểm.
 
Từ năm 1964, ngành Thống kê đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản tổ chức xét duyệt hoàn thành kế hoạch Nhà nước, làm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng năm của các ngành, các địa phương và các đơn vị kinh tế trọng điểm của Nhà nước... Đây là một nhiệm vụ thường xuyên mà ngành Thống kê thực hiện để cung cấp những thông tin cần thiết cho việc xây dựng và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch Nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương.
 
Trong giai đoạn này, ngành Thống kê đã sưu tầm, khai thác và biên soạn được các báo cáo và hệ thống số liệu thống kê có giá trị như: Thông báo tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng năm; Thông báo tình hình khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa; 3 năm khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa (xuất bản năm 1959); 5 năm xây dựng kinh tế và văn hóa của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (xuất bản năm 1960), số liệu thống kê năm 1961, 1962, số liệu thống kê 1963, 1964, 1965... cung cấp cho các cơ quan quản lý của Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin của các cấp, các ngành. Nhiều số liệu thống kê có giá trị của cả nước, từng địa phương, từng ngành về quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa đã đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước.
 
Bước sang giai đoạn 1966 - 1975, nhiệm vụ chiến lược giai đoạn này là bảo đảm thực hiện các mục tiêu cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại. Ngành Thống kê đã phân tích đánh giá và phản ánh được quá trình củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Thực hiện cuộc vận động 3 xây 3 chống, cải tiến quản lý hợp tác xã, đề xuất được một số kiến nghị về cải tiến quản lý các xí nghiệp nói riêng và quản lý kinh tế nói chung trong các khâu sản xuất, lưu thông phân phối, quản lý thị trường, giá cả... Những nội dung báo cáo thống kê cũng đã đáp ứng được các yêu cầu tăng cường lực lượng quốc phòng.
 
Trong thời kỳ này, ngành Thống kê đã tổ chức nhiều cuộc điều tra thống kê, đặc biệt có nhiều cuộc điều tra chuyên đề phục vụ cho yêu cầu công tác quản lý trong thời chiến. Số liệu thu được từ hệ thống báo cáo thống kê định kỳ cùng với kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra thống kê đã cung cấp cho Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành ngày càng nhiều thông tin với chất lượng ngày càng cao về tình hình kinh tế - xã hội.
 
Ngành Thống kê cũng đã sưu tầm, hệ thống hóa số liệu, tổ chức biên soạn các tập số liệu thống kê lịch sử qua các năm, làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, sử dụng trong việc soạn thảo các văn kiện, báo cáo tổng kết công tác của Đảng, Chính phủ và đáp ứng được yêu cầu các đối tượng sử dụng khác, như tập số liệu 25 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nhiều tập số liệu khác phản ánh các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
 
 
Công tác tổ chức - cán bộ - đào tạo

Ngày 20/2/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ số 695/TTg về tổ chức Cục Thống kê Trung ương (trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước). Chính phủ quy định hệ thống tổ chức của ngành Thống kê gồm: Ở Trung ương có Cục Thống kê Trung ương nằm trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước; Ở địa phương có Ban Thống kê Liên khu (khu Việt Bắc, khu tự trị Thái Mèo, khu Hồng Quảng), Ban Thống kê tỉnh, thành phố; Thanh tra Thống kê huyện, thị; Ở xã có phụ trách Thống kê xã; Ở các Bộ, ngành có tổ chức thống kê của Bộ, ngành. Đến năm 1957, theo Nghị định số 142/TTg của Thủ tướng Chính phủ ở các huyện, thị, thành lập các Phòng Thống kê; ở các xã, thành lập các Ban Thống kê.

Khi mới thành lập Cục Thống kê Trung ương, Nhà nước đã điều động một số cán bộ chính trị, cán bộ quân đội chuyển ngành về công tác tại Cục Thống kê Trung ương. Cục Thống kê Trung ương lúc đầu chỉ có 12 cán bộ, vừa là cán bộ lãnh đạo vừa là cán bộ nghiệp vụ ở các Phòng Thống kê nghiệp vụ, sau đó từng bước được bổ sung. Đến cuối năm 1957, số cán bộ làm việc tại Cục Thống kê Trung ương đã có trên 100 người, số cán bộ này được bổ sung từ các nguồn khác nhau. Ở các Chi cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số lượng cán bộ thống kê huyện, thị được tăng cường đáng kể (đến cuối năm 1957 đã có trên 400 cán bộ thống kê huyện, thị).

Tổ chức của ngành Thống kê đã có một bước phát triển quan trọng từ khi có Nghị định số 131/CP ngày 29/9/1961 của Chính phủ về Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục Thống kê. Tổng cục Thống kê là một cơ quan thuộc Chính phủ với các nhiệm vụ và quyền hạn đã được Nhà nước giao.

Các Vụ Thống kê nghiệp vụ có các Phòng Thống kê nghiệp vụ. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các Chi cục Thống kê tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn 1961 - 1965, bên cạnh việc xây dựng hoàn chỉnh bộ máy, Tổng cục Thống kê còn tập trung nhiều công sức xây dựng bộ máy thống kê ở địa phương, nhất là thống kê huyện, xã. Đến cuối năm 1965, toàn miền Bắc có 26 Chi cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hàng trăm Phòng Thống kê huyện, thị. Đặc biệt, trong giai đoạn này còn có Phòng Thống kê đặc khu Vĩnh Linh (khu vực giáp giới tuyến quân sự tạm thời phân chia hai miền Nam, Bắc).

Từ năm 1974, ngành Thống kê bước vào thời kỳ tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 72/CP của Hội đồng Chính phủ (ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê). Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức và quản lý thống nhất công tác hạch toán kế toán và thống kê. 
 
P.V (Sưu tầm)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top