Danh nhân văn hóa tuổi Mão

31/01/2023 - 08:09 AM
Mèo là con giáp đứng thứ 4 trong 12 con giáp. Người tuổi Mèo (tuổi Mão) nói chung và người tuổi Quý Mão nói riêng thường được đánh giá là thông minh, nhiệt tình, nhanh nhẹn.

Nếu kết hợp hàng Can và hàng Chi trong cổ lịch phương Đông thì trong vòng tuần hoàn 60 năm sẽ có 5 tuổi Mão, đó là: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quí Mão. Trong lịch sử Việt Nam, có nhiều danh nhân văn hóa tuổi Mão với tài trí thông tuệ, lỗi lạc. Nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023, độc giả hãy cùng Tạp chí Con số và Sự kiện điểm lại một số danh nhân tuổi Mão có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển văn hóa, lịch sử dân tộc.

 
Danh nhân văn hóa tuổi Mão

Trần Nhật Duật (1255-1331, tuổi Ất Mão): Danh tướng đời Trần, có công lớn trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đặc biệt là trận Hàm Tử. Ông chẳng những giỏi chính trị, quân sự, lại thông thạo ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ông còn là nhà soạn âm nhạc nổi tiếng ở cung đình, một văn sĩ có danh tiếng qua tác phẩm “Lĩnh Nam Dật Sử”.

Phạm Ngũ Lão (1255-1320, tuổi Ất Mão): Danh tướng đời Trần, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay là huyện Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông là người tài kiêm văn võ song toàn nên được Hưng Đạo Vương tin tưởng gả con gái cho và tiến cử lên vua Trần Thánh Tông. Ông có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, từng giữ chức nhiều chức vụ quan trọng như: Điện súy thượng tướng quân, tước Quân nội hầu. Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (năm 1285), do lập được nhiều chiến công, Phạm Ngũ lão được phong làm Hạ phẩm Phụng Ngự. Năm 1290, dưới triều Trần Nhân Tông, ông được giao chức quản lĩnh quân Thánh Dực của triều đình. Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sỹ. Cuộc đời ông gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội.

Trần Quốc Toản (1267-1285, tuổi Đinh Mão): Anh hùng kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Vì tuổi nhỏ, không được dự họp tham mưu ở Bình Than, ông tập hợp các thiếu niên dũng cảm, sắm vũ khí, may lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” rồi đem quân đánh giặc, có lúc theo Thượng tướng Trần Quang Khải góp phần chiến thắng trận Chương Dương vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm. Ông hy sinh lúc mới 18 tuổi, được truy tặng tước Hoài Văn Hầu.

Trịnh Nhả (1399-1451, tuổi Kỷ Mão): Ông là danh tướng thời vua Lê Thái Tổ, quê ở xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Thanh Hóa. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đồng thời ông có công lớn giúp vua nên được mang họ vua gọi là Lê Khả. Ông lập được nhiều chiến công đánh quân xâm lược, nổi tiếng trong các trận đánh. Ở Tà Lân, Kha Lưu, giải phóng vùng Tâm Giang… Đánh tan viện binh của Mộc Thanh ở đèo Lê Hoa năm 1427. Sau khi kháng chiến thành công, năm 1427, ông được phong Kim Tử Vinh Lộc đại phu, vệ tướng quân, kỵ đô úy và giữ nhiều chức trách quan trọng và to lớn trong những năm sau này.

Nghiêm Ích Khiêm (1459-?, tuổi Kỷ Mão): Ông là võ tướng đồ thời vua Lê Thánh Tông, quê ở làng Lan Độ huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh. Ông nổi tiếng về thơ văn, có sức mạnh và thông hiểu binh pháp, văn võ toàn tài, làm quan trong triều ít lâu, ông cài qua chức võ thăng cẩm y vệ đô chỉ huy sứ.

Nguyễn Đặng Đạo (1651-1719, tuổi Tân Mão): Danh sĩ đời Lê Hy Tông, đậu đệ nhất giáp Tiến sĩ năm 1683. Vì quê ông ở làng Bịu, nên tục gọi ông là Trạng Bịu. Ông nổi tiếng văn thơ và đức độ, làm Tham Tụng, sau thăng Thượng Thư Bộ Lễ kiêm Đông các đại học sĩ. Ông tận tụy mưu phúc lợi cho nhân dân, nên được sĩ phu và nhân dân rất trọng vọng. Khi mất được truy tặng Thượng Thư Bộ Lại, tước Quốc Công.

Tạ Quang Cự (1771-1862, tuổi Tân Mão): Ông là danh tướng triều Nguyễn, quê gốc tỉnh Nghệ An, sau rời đến huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1827, ông cùng Thống chế Phan Văn Thúy và Phó tướng Nguyễn Văn Xuân lập chiến công hiển hách giữ vững miền Nghệ Tĩnh, chống lại quân Xiêm xâm lược.

Phan Bội Châu (1867-1940, tuổi Đinh Mão): Chí sĩ cách mạng, nổi tiếng thần đồng khi mới 13 tuổi trong kỳ sát hạch ở tỉnh Nghệ An. Năm 1900, ông đỗ Giải nguyên và bắt đầu dấn thân vào con đường cứu nước. Ông chủ xướng phong trào Đông du và đã từng sang Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan vận động cách mạng và bị Pháp bắt. Từ năm 1926, ông bị đưa về sống ở Bến Ngự, Huế, cho đến khi mất tại Huế vào năm 1940, khi đó ông được gọi là Ông già Bến Ngự.

Nguyễn Công Hoan (1903-1977, tuổi Quí Mão): Sinh năm Quý Mão ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc, nổi tiếng về truyện ngắn, tiểu thuyết như "Kép Tư Bền," "Tắt lửa lòng," "Lá ngọc cành vàng," "Bước đường cùng". Ông có nhiều đóng góp cho nền văn nghệ cách mạng. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam.

Hoàng Văn Thái (1915-1986, tuổi Ất Mão): Ông là Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên tên là Hoàng Văn Xiêm, sau đổi tên là Thái, người tỉnh Thái Bình. Ông là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông đã có những đóng góp lớn trong lĩnh vực quân sự và chiến tranh du kích. Do tài năng của mình mà ông được giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong chính quyền và đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huân chương cao quý./.

 
Minh Hà

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top