Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhìn từ chương trình nông thôn mới

12/12/2019 - 08:47 AM
10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo ra bước đột phá lịch sử làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Đóng góp vào thành công Chương trình NTM, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và xây dựng NTM...

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo đó, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Mục tiêu của công tác đào tạo nghề nhằm phục vụ nhân lực cho xây dựng NTM, đồng thời phục vụ nhân lực cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp. 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh. Về phía người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, cho năng suất thu nhập cao hơn. Hiện, số người đăng ký học nghề hàng năm tại các địa phương đang có xu hướng ngày càng tăng.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhìn từ chương trình nông thôn mới

Về phía chính quyền địa phương, cũng ngày càng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng NTM tại địa phương. Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngoài các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương cũng đã thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học), lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 59,5% cuối quý I/2019; vượt chỉ tiêu chung về tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của cả nước trong xây dựng NTM (19,5%). Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ 51,55% làm nông nghiệp năm 2009 xuống còn khoảng 35,4% cuối quý I/2019. Năng suất lao động từ 37,9 triệu đồng/lao động năm 2009 lên 102,2 triệu đồng/lao động năm 2018. Bình quân giai đoạn 2016- 2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ và là khu vực có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân cao nhất với 5,2 %/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73%-4,23%), trong đó các huyện nghèo giảm 4%.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn như: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được coi trọng đúng mức; nhiều bộ, ngành, địa phương, cán bộ và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống; hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm; việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề đào tạo... Bên cạnh đó, nhiều lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đào tạo nghề; đối tượng lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn rất hạn chế nên việc phát huy hiệu quả học nghề chưa cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu và do tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn…

Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt. Chưa có cơ chế, chính sách gắn kết chặt chẽ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề ít, giải ngân chậm, chưa lồng ghép tốt giữa các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho nông dân và nông thôn.

Giải pháp đạt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thực hiện tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, trong thời gian tới, công tác đào tạo cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng NTM của mỗi địa phương; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề. Coi kết quả đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một tiêu chí để công nhận tập thể và cá nhân hoàn thành nhiệm vụ.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; đổi mới mạnh mẽ các hoạt động phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; đổi mới công tác quản lý, tăng cường các điều kiện bảo đảm chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng NTM; lựa chọn nghề đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm.

Ba là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kịp thời biểu dương gương điển hình trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn; nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng NTM đạt kết quả tốt. Tập trung tuyên truyền về quyền và lợi ích của người học, của cá nhân, tập thể tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lồng ghép trong công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn những nội dung hướng nghiệp cho học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Bốn là, huy động, đào tạo nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm và tạo việc làm cho lao động nông thôn; Chú trọng hơn nữa công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề; bổ sung danh mục nghề; hoàn thiện chương trình đào tạo nghề hiện có và xây dựng một số chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với từng đối tượng người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt nhưng khó huy động nguồn lực xã hội; Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về thuế, đất đai để khuyến khích các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.
 
Minh An

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top