Dấu ấn ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020

01/11/2021 - 09:49 AM
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực và thế giới với mức tăng trưởng kinh tế sơ bộ bình quân năm trong giai đoạn 2011-2020 là 5,95%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thể hiện qua những dấu ấn trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 31/12/2019, số doanh nghiệp CBCT đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là trên 109,9 nghìn doanh nghiệp, gấp 2,4 lần năm 2010 và chiếm 16,4% tổng số doanh nghiệp của cả nước đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp CBCT thuộc nhóm ngành công nghệ cao là 13,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 12,2% tổng số doanh nghiệp CBCT; doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ trung bình là gần 34,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 31,5%; doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ thấp là hơn 61,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 56,3%.
 
Trong tổng số lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh của cả nước, lao động của doanh nghiệp công nghiệp CBCT chiếm tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp khác. Tại thời điểm 31/12/2019, tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp ngành CBCT chiếm 49,9% tổng số lao động của toàn bộ doanh nghiệp, tăng 4,3 điểm phần trăm so với năm 2010 (45,6%); trong khi đó lao động trong doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành khai khoáng và dịch vụ chiếm tỷ lệ thấp hơn.
 
Dấu ấn ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Là một ngành công nghiệp chủ đạo, đóng vai trò dẫn dắt và điều tiết vĩ mô nền kinh tế quốc dân, nên vốn đầu tư vào ngành công nghiệp CBCT có xu hướng tăng trong những năm qua và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn đầu tư vào các ngành kinh tế. Sơ bộ năm 2020, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của ngành CBCT đạt 590,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào các ngành kinh tế và gấp 3,2 lần năm 2011; tính chung trong cả giai đoạn 2011-2020 đạt 3.953,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,6%.
 
Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội bình quân sơ bộ đạt 6,5%/năm, tính riêng tốc độ tăng vốn đầu tư vào ngành CBCT là ở mức khá cao, đạt 10,1%/năm, cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm của ngành CBCT ngày càng cao, tác động lan tỏa của ngành CBCT tới các ngành kinh tế khác càng lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành CBCT có giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng giá trị TSCĐ của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; cũng như có lợi nhuận trước thuế cao nhất so với các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, đồng thời tốc độ tăng lợi nhuận luôn ở mức cao.
 
Chỉ tiêu sản xuất ngành công nghiệp (IIP) là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh, xác định tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, bình quân giai đoạn 2012-2020, IIP ngành CBCT tăng 9,5%/năm, cao hơn IIP của toàn ngành công nghiệp là 7,8%/năm. Đóng góp vào tăng trưởng tích cực của giá trị sản xuất ngành CBCT trong giai đoạn này là các ngành công nghiệp trọng điểm có tốc độ tăng chỉ số sản xuất cao và ổn định như: Sản xuất kim loại; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Công nghiệp sản xuất đồ uống; Công nghiệp dệt, may… Điều đáng nói là trong năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 song nền kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức tăng trưởng dương, sơ bộ năm 2020 đạt tốc độ tăng 2,91%, trong đó công nghiệp CBCT tăng 5,82%, luôn thể hiện là động lực quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.
 
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thực sự đã ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế chung của cả nước giai đoạn 2011-2020. Trước hết, đóng góp của ngành công nghiệp CBCT vào tăng trưởng kinh tế cả nước có xu hướng tăng và ngày càng ổn định. Tính bình quân trong giai đoạn 2011-2020, ngành CBCT đóng góp khá cao vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân của nền kinh tế với 1,9 điểm phần trăm/năm, cao hơn mức đóng góp của các ngành dịch vụ.
 
Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành CBCT luôn cao hơn tốc độ tăng GDP. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2011-2015, ngành CBCT tăng 9,64%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP 5,91%/ năm; giai đoạn 2016-2019, ngành CBCT tăng 12,64%/năm, trong khi đó GDP chỉ tăng 6,78%/năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành CBCT sơ bộ tăng không cao với 5,82%; song vẫn cao hơn mức tăng 2,91% của GDP. Tính chung tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 5,95%/năm, trong đó ngành CBCT đạt 10,44%/năm.
 
Ngành công nghiệp CBCT còn thể hiện rõ vai trò động lực, dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng và phát triển trong trong giai đoạn 2011-2020, hướng đến phát triển bền vững hơn khi có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP toàn nền kinh tế tăng lên, trong khi tỷ trọng này của ngành công nghiệp khai khoáng lại có xu hướng giảm. Năm 2020, tính sơ bộ tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành CBCT chiếm 16,7% trong GDP, tăng 3,35 điểm phần trăm so với năm 2011; ngược lại ngành khai khoáng chiếm 5,55%, giảm 4,32 điểm phần trăm. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, ngành CBCT tăng 0,37 điểm phần trăm; trong khi ngành khai khoáng giảm 0,39 điểm phần trăm.
 
Ngành công nghiệp CBCT còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành CBCT thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký trong giai đoạn 2011- 2020, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; điện tử, công nghệ thông tin; sản xuất thép; xi măng; dệt may; da giày... với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Intel, LG… Điều này đã tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tính riêng năm 2020, dù số dự án đầu tư nước ngoài vào nước ta giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song ngành CBCT vẫn thu hút 828 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,8 tỷ USD, chiếm 31,7% về số dự án và 47,6% về vốn đăng ký vào các ngành kinh tế. Nhờ thu hút lượng lớn vốn FDI, khu vực này đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, xây dựng mô hình tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác tiềm năng và huy động các nguồn lực tốt hơn cho việc phục vụ cho quá trình sản xuất trong nước; nâng cao trình độ sản xuất cho doanh nghiệp, kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế, từ đó giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta.
 
Bên cạnh đó, giai đoạn 2011-2020, ngành công nghiệp CBCT có kim ngạch xuất khẩu đạt khá với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,2%/năm; trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018, nhờ cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đã có những thay đổi cơ bản, theo hướng vừa không ngừng nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhiều sản phẩm công nghiệp không chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế mà còn xuất khẩu và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo định hướng chiến lược phát triển của ngành CBCT đã trở thành các ngành công nghiệp lớn, đưa nước ta cơ bản đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu với sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp công nghiệp lớn như điện tử, dệt may, da giày…
 
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp CBCT trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm và luôn ở mức cao, từ 81,8% năm 2011 tăng lên 95,1% trong năm 2020. Cán cân thương mại của ngành công nghiệp CBCT đạt thặng dư liên tiếp trong 5 năm 2016-2020, trong đó năm 2016 xuất siêu 3,1 tỷ USD; năm 2017 xuất siêu 6,1 tỷ USD; năm 2018 xuất siêu 17 tỷ USD; năm 2019 xuất siêu 23,8 tỷ USD; năm 2020 xuất siêu 33 tỷ USD. Đây là bước ngoặt lớn, đem lại kết quả xuất siêu và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
 
Không chỉ ghi những dấu ấn trong bức tranh kinh tế cả nước, ngành công nghiệp CBCT còn có nhiều đóng góp của về mặt xã hội, là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động.
 
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, xét về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, bình quân năm trong giai đoạn 2011-2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ngành công nghiệp CBCT có xu hướng tăng lên, cho thấy vai trò chủ đạo trong việc hấp thụ lao động dịch chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với tỷ trọng lao động tăng từ 13,9% (2011) lên 21,1% (2020), tăng 7,2 điểm phần trăm so với năm 2011 và là mức tăng cao nhất trong các ngành kinh tế. Tính bình quân trong giai đoạn 2011-2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành công nghiệp CBCT tăng 4,8%/năm và đạt mức tăng cao nhất so với các ngành kinh tế khác. Trong các ngành công nghiệp CBCT thì may mặc, da giày, sản xuất trang phục và chế biến thực phẩm vẫn là các ngành tạo việc làm chính cho nền kinh tế. Tốc độ tăng lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2019 của doanh nghiệp ngành dệt đang sản xuất kinh doanh tăng 6,2%/năm; doanh nghiệp sản xuất trang phục tăng 7,1%/năm; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,6%/năm. Đáng chú ý là trong những năm gần đây, ngành điện tử nổi lên như một ngành thâm dụng lao động với tốc độ tăng trưởng lao động trong cùng giai đoạn đạt 18,2%/năm.
 
Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Công nghiệp CBCT chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, do vậy trình độ của lao động công nghiệp CBCT đóng vai trò quan trọng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác và góp phần nâng cao trình độ của lao động trong nền kinh tế quốc dân.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên ngành công nghiệp CBCT vẫn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.
 
Trước hết, năng suất lao động của ngành công nghiệp CBCT vẫn ở mức thấp so với mức năng suất lao động chung của cả nước. Sơ bộ năm 2020 đạt 93 triệu đồng/lao động, bằng 79,2% mức NSLĐ chung cả nước; 63,4% mức NSLĐ ngành công nghiệp; 68,8% NSLĐ khu vực dịch vụ. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp công nghiệp CBCT (gồm cả doanh nghiệp FDI) phần lớn tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày, điện tử, hóa chất…), trong khi đây là những ngành sử dụng nhiều lao động.
 
Thêm vào đó, việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao NSLĐ thời gian qua còn hạn chế. Mặc dù thời gian qua công nghiệp CBCT là ngành dẫn dắt tăng trưởng NSLĐ nhưng tập trung cao ở những ngành hướng xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp (dệt may, da giày, chế biến thực phẩm) đến trung bình (sản xuất kim loại). Trong khi đó, ngành công nghệ cao (điện tử) tập trung ở khu vực có vốn nước ngoài lại hoạt động ở khâu lắp ráp, nhập khẩu linh phụ kiện, có giá trị trong nước tương đối thấp. Ngoài ra, ngành công nghệ cao chủ yếu tận dụng lao động chi phí rẻ và ưu đãi chính sách, chưa có nhiều tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên chưa thể tạo đột phá về tăng trưởng NSLĐ.
 
Một vấn đề khác đáng được quan tâm là trình độ, chất lượng của lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành CBCT ở mức tương đối thấp so với mức chung của nền kinh tế và so với các ngành kinh tế khác; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp CBCT hiện nay chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI (năm 2020 trị giá xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 72,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); CBCT mới chỉ tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đem lại giá trị gia tăng thấp...
 
Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp CBCT hiện nay cũng còn khá yếu, chỉ có một số ít doanh nghiệp thực hiện R&D, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiến hành hoạt động R&D cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp.
 
Mặc dù được xác định là đầu tàu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của công nghiệp CBCT hiện nay còn thấp xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Khả năng cạnh tranh của ngành CBCT còn yếu so với các nước trong khu vực, thể hiện ở thứ hạng của một số chỉ tiêu về công nghiệp CBCT của nước ta chỉ cao hơn các nước Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, thấp hơn nhiều so với các nước Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a.
 
Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm chưa cao. Ngành công nghiệp CBCT phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới (điển hình là đại dịch Covid-19, hạn hán, bão lụt..). Đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp CBCT còn yếu; sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thiếu nhiều chủng loại. Phần lớn doanh nghiệp CBCT là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhìn chung thấp.
 
Công nghiệp thế giới hiện đang bước có sự phát triển nhanh và có sự phân hóa mạnh cả về tính chất, trình độ và hiệu quả. Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2030 là: (1) Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp CBCT trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%. (2) Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành CBCT đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp CBCT đạt bình quân trên 10%/ năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. (3) Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
 
Để ngành CBCT phát huy được vai trò động lực của nền kinh tế với đầy đủ bản lĩnh trước những thách thức cơ hội mới cũng như thực hiện được các mục tiêu đề ra như trong Nghị quyết số 23-NQ/TW thì trong thời gian tới, ngành công nghiệp CBCT cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Nâng cao trình độ lao động; Tập trung đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm mũi nhọn; Nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Thu hút FDI chất lượng cao, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp chế biến trong nước; Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo.../.
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top