Dấu ấn nông thôn mới tại đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ

16/10/2019 - 04:14 PM
Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ bao gồm Thủ đô Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích 72,3 nghìn km2, chiếm 21,85% diện tích cả nước, dân số trung bình năm 2018 đạt 32,2 triệu người. Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Vùng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, được đánh giá là Vùng có nhiều điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Nông thôn mới với nhiều chuyển biến tích cực…

Trong những năm qua vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ (BTB) là Vùng hội tụ nhiều điểm sáng nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, Vùng không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra mà các nội dung xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Theo đó, tốc độ xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSH đứng đầu, BTB đứng thứ 3 cả nước.

Tính đến hết tháng 7/2019, hai vùng đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện nông thôn mới của các nước. Trong đó vùng ĐBSH có 35 đơn vị (riêng Nam Định đã có 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận).

Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí (tăng 11,5 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,4 tiêu chí so với năm 2015), cao hơn mức trung bình cả nước (15,26 tiêu chí/xã). Cả vùng có gần 1.100 thôn, bản nông thôn mới (chiếm 62% số thôn, bản nông thôn mới của cả nước), trong đó có gần 300 thôn, bản kiểu mẫu. Đặc biệt, vùng ĐBSH được đánh giá là có mức độ đồng đều trong xây dựng nông thôn mới khi 90% số xã đạt từ 16-19 tiêu chí.

 
Dấu ấn nông thôn mới tại đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
 
Kết quả xây dựng nông thôn mới của Vùng đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Thu nhập ở khu vực nông thôn ĐBSH đạt 43,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước, đạt 1,7% và thu nhập người dân nông thôn ở BTB tăng 2,4 lần so với trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 20% năm 2010 xuống còn 6,03% vào cuối 2018.

Có 12/17 tỉnh, thành phố đã ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến hết năm 2020 toàn Vùng sẽ có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các tỉnh, thành trong Vùng đã linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hiệu quả tại cơ sở. Điển hình như phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; chủ trương xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở Nghệ An, Thanh Hóa; Chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định,… và đây là nơi được chọn làm tiền đề để nghiên cứu, xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020.

Cả vùng có 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện cả nước có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh); 510 khu dân cư nông thôn được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, riêng Hà Tĩnh có 290 khu, Quảng Ninh có 206 khu. Phấn đấu đến hết năm 2020 có 939 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Tĩnh và Quảng Ninh cũng là hai tỉnh tiên phong của Vùng cũng như của cả nước trong xây dựng vườn mẫu, đến nay Hà Tĩnh đã có 3.382 vườn mẫu, Quảng Ninh có 1.526 vườn mẫu (trong tổng số 4.913 vườn mẫu đã được công nhận của cả vùng).

Có thể thấy, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của Vùng cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất; đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và xây dựng cảnh quan môi trường vùng nông thôn đã trở thành một trong những tiêu chí đạt được nhiều thành quả nổi trội với 2.744/3.474 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm, đạt 79,0% (tăng 69,7% so với năm 2010 và tăng 20,8% so với năm 2015).

Tại nhiều địa phương, người dân đã thực sự vào cuộc, tích cực xây dựng cảnh quan môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa, trồng cây, tạo nên những không gian trong lành, sạch đẹp, mang lại những giá trị to lớn về thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, thu hút các loại hình du lịch nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân.

Từ giai đoạn 2011-2015, ĐBSH và BTB là khu vực đi đầu về tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt nông thôn và xử lý chất thải sinh hoạt bằng biện pháp đốt thay thế cho biện pháp chôn lấp thiếu an toàn về môi trường. Hiện đã có nhiều mô hình tốt về xử lý chất thải quy mô cấp huyện, liên huyện. Hoạt động phân loại rác tại nguồn đã được nhiều địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện...

Mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn của Vùng đã được dần phủ kín. Hiện nay, số hộ dân được sử dụng nước sạch của Vùng chiếm tỷ lệ tương đối cao (vùng ĐBSH có khoảng 58% số hộ dân được sử dụng nước sạch, vùng BTB khoảng 47% số hộ dân được sử dụng nước sạch, trung bình cả nước khoảng 49%). Đặc biệt, vùng đã thu hút sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động cấp nước. Hiện ĐBSH đang dẫn đầu cả nước về công tác xã hội hóa cung cấp nước sạch, khi hầu hết các huyện/xã đều có doanh nghiệp xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung. ĐBSH cũng là vùng có tỷ lệ công trình cấp nước tập trung nông thôn hoạt động bền vững cao nhất với 61,9% (trung bình cả nước là 33,8%).

 
Dấu ấn nông thôn mới tại đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ

(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
 
Tại một số địa phương trong Vùng đã dần từng bước hình thành thị trường trao đổi chất thải được thu hồi từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình mang lại hiệu quả tốt, như: Mô hình tái sử dụng chất thải chăn nuôi để thu hồi mùn bã hữu cơ ở Thái Bình, Hưng Yên; mô hình nuôi lợn tiết kiệm nước và tái sử dụng chất thải sau chăn nuôi ở Nam Định; mô hình tận dụng phân gia súc sản xuất giun trùn quế ở Gia Lâm - Hà Nội; mô hình tận dụng rơm rạ để trồng nấm ở nhiều địa phương, như: Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam…; mô hình cánh đồng không vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại Yên Khánh - Ninh Bình, mô hình kết hợp xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại ETC tại Nam Định vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa giảm tác động đến môi trường,…

Ngoài ra, còn có những mô hình xử lý nước thải tập trung quy mô lớn, như: Hoài Đức-Hà Nội; Từ Sơn - Bắc 
Ninh… và nhiều mô hình xử lý nước thải phân tán quy mô hộ, nhóm hộ như tại nhiều huyện Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân… của tỉnh Hà Tĩnh. Đây đã trở thành những mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, là cơ sở quan trọng để nghiên cứu, đánh giá, nhân rộng trong xây dựng nông thôn mới sau năm 2020…
 
…và những khó khăn, thách thức

Là Vùng dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, song quá trình xây dựng NTM tại vùng ĐBSH và BTB vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng có sự chênh lệch khá lớn, trong khi Nam Định có 100% số xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và nhiều tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đạt chuẩn (Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội,...) thì một số tỉnh chỉ có dưới 50% số xã đạt chuẩn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình).

Một số tỉnh, mức đạt được các mục tiêu vẫn còn tương đối thấp so với khu vực và so với cả nước, như: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Thành phố Hải Phòng có nguồn lực và điều kiện thuận lợi, song đến nay là địa phương duy nhất của ĐBSH chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (ở đây hiện mới có 64,03% số xã đạt chuẩn).

Một số nơi, nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống đặc trưng của vùng thôn quê. Cùng với đó, do mật độ dân số cao, vùng ĐBSH và BTB đang chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường, đây là địa bàn tập trung gần 300 khu công nghiệp, hơn 600 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với lượng chất thải lớn. Thêm vào đó là lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, khiến nhiều nơi bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân.

Ngoài ra, kết quả giảm nghèo của Vùng chưa thực sự bền vững, vẫn còn để xảy ra tình trạng tái nghèo; thiếu các nguồn đầu tư lớn dẫn đến việc cản trở thực hiện các tiêu chí như giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường… nguồn kinh phí hạn hẹp, cùng với việc huy động doanh nghiệp còn hạn chế nên cũng khiến một số xã gặp khó khăn khi về đích…

Có thể nói, trước nhiều áp lực mạnh mẽ của quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa; ô nhiễm môi trường nông thôn; xu thế chuyển dịch công nghiệp; chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư; biến đối khí hậu, bão lũ, ngập úng... thì việc hoàn thành mục tiêu trên và phát huy hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Vùng nói riêng và của cả nước nói chung đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xây dựng nông thôn mới thời gian tới

Thực tế cho thấy, nông thôn mới tại vùng ĐBSH và BTB thời gian qua đã thực sự khởi sắc, đã và đang biến đổi trở thành những miền quê đáng sống. Để tiếp tục phát huy hiệu quả và nâng cao các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, vùng ĐBSH và BTB đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Vùng có ít nhất 8/17 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Vùng ĐBSH có ít nhất 60%, BTB có ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn Vùng có ít nhất 9 huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và khoảng 7,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Chính vì vậy, trên tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương cần tiếp tục phát huy những thành tựu  đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt những mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với các tỉnh vùng ĐBSH và BTB, Phó Thủ tướng đề nghị Vùng cần phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng. Mỗi địa phương phải thường xuyên rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng chất các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn...

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn.

Triển khai thực hiện các tour, tuyến du lịch nông thôn mới gắn với các địa danh lịch sử, cách mạng cũng như các điểm nhấn về du lịch biển để tạo giá trị lan tỏa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Từ đó, góp phần tăng nhanh số lượng du khách trong nước cũng như quốc tế đến thăm các vùng nông thôn để được trải nghiệm nông thôn bình yên, đáng sống của Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn nông thôn; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng không gian xanh ở nông thôn, đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa trên các trục đường giao thông thôn, xã.

Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới với tinh thần: “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”.

Cũng với tinh thần trên, cùng nền tảng những kết quả đã đạt được, vùng ĐBSH và BTB với quyết tâm xây dựng nông thôn mới thịnh vượng, tiếp tục trở thành Vùng dẫn đầu của cả nước, sớm hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu để đưa nông thôn trở thành những miền quê đáng sống của Việt Nam./.
 Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top