Quảng Ninh: Đầu tư xây dựng và ngành du lịch, dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội

12/10/2022 - 10:07 AM

Tiếp nối thành quả giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2021, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của việc đẩy nhanh đầu tư và xây dựng, tập trung phục hồi ngành du lịch, dịch vụ.

 Đầu tư xây dựng và ngành du lịch, dịch vụ  đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh

TP Hạ Long - thủ phủ của Quảng Ninh 

Đẩy nhanh đầu tư và xây dựng

Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng năm 2022, một số công trình trọng điểm của tỉnh đã khánh thành và đi vào hoạt động như: Cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình yêu); đường bao biển nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1); đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... Các công trình trọng điểm khác của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành như: Nút giao Đầm nhà Mạc; khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (Giai đoạn 1)... Bên cạnh đó, một số dự án tại khu vực Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn... cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

9 tháng năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước tính đạt 69,0 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng vốn và tăng 2,8% tổng vốn và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng vốn và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,9 nghìn tỷ đồng,giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã duy trì các giải pháp, trong đó chú trọng đảm bảo nguồn cung xăng dầu, lương thực, thực phẩm; đảm bảo cung ứng đủ nguồn than cho sản xuất điện; phục hồi các ngành kinh tế có nhiều lợi thế, nhất là ngành Du lịch, dịch vụ… cùng với nhiều cơ sở hạ tầng giao thông được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và thông thương hàng hóa, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và khu vực dịch vụ nói riêng. 

Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Tỉnh 9 tháng năm 2022 ước tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó quý III tăng 19,9%). Có một số nhóm hàng tăng cao như: Lương thực, thực phẩm tăng 22,7%; Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 19,6%; Vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 11%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,6%; Xăng, dầu các loại tăng 25,8%…

Doanh thu bán buôn 9 tháng năm 2022 ước tăng cao đạt 21,7% so với cùng kỳ 2021, với một số hàng hóa tăng cao như: Lương thực, thực phẩm tăng 25,5%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,1%; Xăng, dầu các loại tăng 28,9%; Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 23,6%…

Trong 9 tháng năm 2022, Quảng Ninh mở cửa hoàn toàn du lịch. Tỉnh đã ban hành một số chính sách và nhiều chương trình hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2022 để thu hút khách du lịch, đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú. Hầu hết các khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng cao cấp lớn như: FLC, Vinpearl, Mường Thanh, Yoko Onsen Quang Hạnh, M-gallery Yên Tử luôn hoạt động với công suất phòng từ 65-80%; Tỷ lệ lấp đầy các tàu tham quan vịnh Hạ Long trong ngày lễ và cuối tuần đạt khoảng 80-90%. Trong bối cảnh hiện tại, tỉnh tiếp tục hướng vào dòng khách nội địa, trong đó, nét mới là đối tượng khách từ phía Nam. Đối với khách quốc tế, chú trọng dòng khách truyền thống là Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và sẵn sàng chuẩn bị để đón khách Trung Quốc, khi quốc gia này thay đổi chiến lược "Zero Covid"

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2022 ước tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 52,5% so với cùng kỳ năm trước, Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 55,3%.

Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh lũy kế 9 tháng năm 2022 ước đạt khoảng 9,1 triệu lượt, tăng 255% so với cùng kỳ; Tổng doanh thu du lịch lũy kế 9 tháng năm 2022 ước đạt 19.635 tỷ đồng, tăng 289% so với cùng kỳ năm 2021./.

M.T

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top