Đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

08/06/2020 - 04:19 PM
Ngày 08/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 với 6 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa nền hành chính công, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công. Sau gần 10 năm thực hiện, đến nay, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử.

Dịch vụ công trực tuyến và những lợi ích

Tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã chỉ rõ: Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Trong đó quy định, DVCTT có 4 mức độ: (i) DVCTT mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; (ii) DVCTT mức độ 2: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; (iii) DVCTT mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; (iv) DVCTT mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

 
Đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Theo quy định về cung cấp DVCTT, các cơ quan chủ quản có trách nhiệm đăng tải toàn bộ thông tin về DVCTT trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và phải được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời ngay sau khi có sự thay đổi. Các Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đều có mục “Dịch vụ công trực tuyến” thông báo danh mục các dịch vụ hành chính công và các DVCTT đang thực hiện, có nêu rõ mức độ của dịch vụ, phân loại theo ngành, lĩnh vực; đồng thời cung cấp chức năng hướng dẫn sử dụng, theo dõi tần suất sử dụng, quá trình xử lý và số lượng hồ sơ đã được xử lý đối với từng DVCTT từ mức độ 3 trở lên. Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải được liên kết, tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến với các cổng thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc. Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được liên kết, tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến với cổng thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện trực thuộc. Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ.

Với việc đẩy mạnh DVCTT mức độ 3, mức độ 4, mọi người dân, tổ chức có thể giao tiếp và thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước xuyên suốt 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Việc xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ có thể theo dõi, giám sát tình trạng, quá trình thực hiện qua môi trường mạng. Ở mức độ cao nhất (mức độ 4), các tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính, kể cả đóng các khoản phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, liên kết tài khoản mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước. Mức độ này có thể được coi là bước chuyển đổi số mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, qua đó giúp giảm thiểu tối đa về thời gian gửi, nhận hồ sơ; giảm chi phí đi lại, giấy tờ của cả người dân và chính quyền; giảm sự trì trệ, quan liêu của một bộ phận công chức nhà nước; tránh tệ nạn tham nhũng, cửa quyền; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của các cấp, ngành. Đặc biệt trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh, việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã phát huy tính hiệu quả và tiện lợi.

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu ngắn hạn đặt ra trong giai đoạn 2019-2020: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng DVCQG; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Ngoài ra, tối thiểu 30% DVCTT thực hiện ở mức độ 4; 50% Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di dộng; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT; 20% DVCTT sử dụng chữ ký số trên nền tảng di dộng để thực hiện thủ tục hành chính; 50% DVCTT được xử lý bằng hồ sơ điện tử; 50% DVCTT sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.

Mục tiêu dài hạn đến năm 2025, tỷ lệ giải quyết theo DVCTT mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ 3, 4; tích hợp 50% các DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng DVCQG; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thêm vào đó, 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVCQG; 100% DVCTT cấp độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều ngưới dân, doanh nghiệp được tích hợp trên Cổng DVCQG, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được xác thực điện tử.

DVCTT thể hiện tính ưu việt trong bối cảnh dịch bệnh

Trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang phải nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, việc đẩy mạnh ứng dụng DVCTT đã cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong đẩy mạnh sử dụng DVCTT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các số lượng tài khoản đăng ký, số hồ sơ, lượt truy cập vào cổng dịch vụ công từ trung ương đến địa phương tăng lên đáng kể. Theo Văn phòng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 9/12/2019, từ 8 nhóm DVCTT ở thời điểm khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), đến ngày 01/04/2020, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp để đưa 226 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng DVCQG. Như vậy, sau gần 4 tháng triển khai và vận hành Cổng DVCQG, đã có trên 103 nghìn tài khoản đăng nhập; trên 4,3 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái và trên 27,5 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng DVCQG.

Đặc biệt phải kể đến việc các bộ, ngành và 58 địa phương đã tích hợp thêm 11 DVCTT trên Cổng DVCQG từ sau ngày 13/3/2020 gồm: Nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận; Nộp lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; Nộp thuế thu nhập cá nhân, nộp thuế doanh nghiệp, huỷ và khai bổ sung tờ khai hải quan, nộp thuế môn bài; Đăng ký khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, đăng ký khai sinh tại 45 địa phương và cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 58 địa phương... Điểm đáng chú ý ở các dịch vụ này là chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, qua đó các cơ quan nhà nước đóng vai trò lá cờ gương mẫu góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Nhà nước.

Dự kiến đến tháng 6/2020, các dịch vụ nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và nộp lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Đối với việc thanh toán các khoản phí trực tuyến, người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể lựa chọn thanh toán qua các ngân hàng thương mại như VietcomBank, VietinBank hoặc kết nối và thanh toán với khoảng 30 ngân hàng khác thông qua cổng thanh toán của VNPT Pay hay ví điện tử Momo…; kết quả sẽ được trả tận nhà qua dịch vụ bưu chính viễn thông công ích.

Trước những hiệu quả ưu việt mà DVCTT đem lại trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên nguồn lực, hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2020 của Bộ, ngành, địa phương trên Cổng DVCQG để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó chú trọng thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng DVCQG, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào danh mục, lộ trình thực hiện cũng được Chính phủ hỗ trợ về tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp DVCTT trên DVCQG theo quy định tại Quyết định số 41/QĐ- TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng chính là động lực để các địa phương nhanh chóng và mạnh mẽ chuyển đổi, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai và đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính thông qua DVCTT một cách nhanh chóng, hiệu quả. Từ đầu năm 2020 đến ngày 28/4/2020, Cổng DVCTT của thành phố Hà Nội đã tiếp nhận trên 658,9 nghìn hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn trên 645,9 nghìn hồ sơ, đạt 90%. Tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn như trên đã tiếp nhận trên 151,6 nghìn hồ sơ, số hồ sơ đã xử lý trên 58,3 nghìn hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn trung bình đạt 86,7%; Quảng Ninh xử lý trên 176,1 nghìn hồ sơ đúng hạn, Nghệ An tiếp nhận 81,2 nghìn hồ sơ, xử lý 66,7 nghìn hồ sơ… Đặc biệt trong tháng 2 và 3, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, số hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính và số hồ sơ được giải quyết thông qua Cổng DVCTT tại các địa phương đều tăng mạnh. Trong tháng 2, Cổng DVCTT của thành phố Hà Nội tiếp nhận trên 235,3 nghìn hồ sơ, tăng 177,6% so với tháng 1 (132,4 nghìn hồ sơ), giải quyết 224,4 nghìn hồ sơ, tăng 169,9%.


Có thể nói việc đẩy mạnh sử dụng các DVCTT để giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian qua đã không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục cần thiết mà không cần trực tiếp tiếp xúc để phòng tránh dịch bệnh, mà còn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Bên cạnh đó, DVCTT mức độ 4 đã góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và rút ngắn quá trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai./.

Minh Hưng
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top