Để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

19/09/2019 - 08:30 AM
Hiện, các doanh nghiệp vừa nhỏ (DNVVN) Việt Nam chiếm 98% tổng số DN nhưng mới chỉ 21% DNVVN tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN nước ngoài. Đây điểm yếu của các DNVVN Việt Nam khi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng để trở thành những nhà cung ứng địa phương cấp I cho các tập đoàn kinh tế lớn, chuỗi giá trị toàn cầu như: Samsung, LG, Toyota,  Formosa….
 
Cơ hội và thách thức của DNVVN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
 
Theo các chuyên gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu giúp Việt Nam từng bước đảm nhận các công đoạn trong mạng lưới sản xuất và tận dụng được lợi thế thương mại, góp phần giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Điểm thuận lợi cho các DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao. Việt Nam đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đạt 208,6%, Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng cũng báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe trong sản xuất và các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam. Theo báo cáo của Nikkei, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng từ mức 51,6 điểm trong tháng 3, tăng cao 55,7 điểm trong tháng 6, đạt đỉnh 56,5 điểm trong tháng 11.

 
Để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
 
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi của nền kinh tế, việc Việt Nam là thành viên của Tổ chức WTO và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế, thông qua việc tham gia ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán 1 hiệp định và đang tiếp tục đàm phán 3 hiệp định khác cũng đang mở ra thị trường rộng lớn cho các DN Việt Nam và là cơ hội lớn để sản phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
 
Với các hiệp định này, các DN đầu tư sản xuất tại Việt Nam không chỉ tận dụng được lợi thế về chi phí sản xuất hợp lý, thuế quan và mở cửa thị trường để dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các DN trong và ngoài nước sẽ có điều kiện thuận lợi để trở thành các DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ đầu vào cho các DN sản xuất đầu cuối trên thị trường.
 
Có thể thấy, tiềm năng đầu tư sản xuất tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững là rất lớn, đặc biệt là DNVVN sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với công ty nước ngoài khi Việt Nam đang là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới đến để tìm cơ hội hợp tác. Việt Nam hiện cũng đã trở thành điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như: Điện thoại di động, máy tính bảng... Song, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, các DN Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn khi hầu hết các DNVVN Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội do tỷ lệ nội địa hóa thấp, chỉ có một số ít DN có đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng của DN đầu - cuối.
 
Năm 2018, hơn 71% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (174 tỷ USD) là từ khu vực FDI và phần lớn các DN FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Trong khi, DNVVN chiếm 98% số DN tại Việt Nam nhưng chỉ có 21% số DN này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan (30%), Malaysia (46%). Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu các DN Việt Nam cũng chỉ tham gia ở các khâu đơn giản như: Gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị và thiếu bền vững. Qua khảo sát chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đa số DN tư nhân Việt Nam bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho các công ty tư nhân trong nước (64%) và chỉ có 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng hoá, dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua bán hàng cho các DN mua hàng bên thứ 3.
 
Một khó khăn khác của các DNVVN Việt Nam khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu đó là việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật kém nên năng suất lao động thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, lao động thiếu tay nghề... Mặt khác, các DNVVN Việt Nam không đáp ứng được giá theo yêu cầu do chi phí đầu vào cao như thuế, phí, chi phí không chính thức, sản xuất của DN chưa tinh gọn khiến giá thành đội lên. Quy mô DN nhỏ nên các DNVVN Việt Nam chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ, còn với đơn hàng lớn khó có khả năng đáp ứng đúng hạn và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp. Ngoài ra, các DNVVN Việt Nam còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp...
 
Giải pháp thúc đẩy DNVVN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
 
Để DNVVN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
 
Một là, các DNVVN Việt Nam cần cải thiện để tăng tính cạnh tranh toàn cầu như đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và theo lĩnh vực; tăng cường năng lực thương mại, quản trị, kết nối. Đồng thời, tìm kiếm các cơ hội từ thị trường toàn cầu và các cơ hội từ thị trường trong nước.
 
Hai là, nghiên cứu lựa chọn sản phẩm tham gia phát triển chuỗi giá trị phù hợp với năng lực cạnh tranh của Việt Nam, dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng và có sự cam kết với định hướng của các công ty đầu chuỗi cung ứng.
 
Ba là, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, hỗ trợ DN, đặc biệt về vốn để DN có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó, các DNVVN hội tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn; Kết nối các DNVVN tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia các DN đối tác toàn cầu; Tăng cường kết nối trong các chuỗi giá trị hiện tại thông qua triển khai nhiều hoạt động hơn thượng nguồn hạ nguồn.
 
Bốn là, triển khai các hoạt động dự báo, cung cấp thông tin về công nghệ, tiêu chuẩn của các thị trường, qua đó, giúp DN đánh giá chính xác thông tin, cơ hội thị trường, sự cạnh tranh của các bên và hành động cần thiết với từng nhóm sản phẩm trong nước để cải thiện nhiều hơn quy trình sản xuất, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Năm là, Nhà nước cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế chính sách để DNVVN Việt Nam lớn mạnh, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm, đưa DNVVN Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất của DNVVN Việt Nam./.
 
Linh An
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top