Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững, hiệu quả

09/05/2022 - 03:45 PM
Quyết định 327/QĐ-TTg, ngày 10/3/2022 về Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
 
Xuất khẩu gỗ năm 2021 vượt đích ngoạn mục

Năm 2021, ngành gỗ Việt Nam chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong quý III/2021, bức tranh ngành gỗ trở nên ảm đạm, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất; người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê; việc chậm trễ trong giao hàng cho đối tác, kim ngạch xuất khẩu lao dốc… khiến tại thời điểm này ngành gỗ gần như khó đạt được mục tiêu đã đặt ra.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với dịch, cùng với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong quý IV/2021 ngành gỗ đã bứt phá và đạt kết quả ấn tượng trong năm 2021.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), năm 2021, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,87 tỉ USD, tăng 20% so với kế hoạch và tăng 20% so với năm 2020 (riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỉ USD); xuất siêu cả năm ước đạt 12,94 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm trước.

Với những kết quả đạt được, trị giá xuất khẩu gỗ và lâm sản chiếm trên 30% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% trị giá xuất khẩu toàn quốc và là một trong những mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Trị giá xuất siêu gỗ và lâm sản chiếm lớn nhất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản (đạt 12,94 tỉ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước), đóng góp quan trọng vào trị giá xuất siêu của toàn ngành Nông nghiệp.

Bên cạnh đó, trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản sang các thị trường quốc tế cũng đạt mức tăng trưởng cao. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2020, trong đó, riêng xuất sang Mỹ đạt 8,77 tỷ USD, tăng 22,4%, chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành. Tiếp theo là thị trường châu Á đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16%; châu Âu đạt 910 triệu USD, tăng 18,6% so với năm 2020... Tốc độ tăng trưởng nhanh sang thị trường châu Mỹ, điển hình là thị trường Mỹ đã góp phần thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam có kết quả ấn tượng trong năm 2021.

Có thể nói, dù trải qua một năm đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc, cán đích ngoạn mục. Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2021, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt trên 4 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021... Đây chính là động lực để ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tiếp bước, theo đà để phát triển trong năm 2022, với mức dự kiến hơn 20% so với năm 2021.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2021, Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt. Theo đó, Đề án đã đưa ra một số mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả:

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

Mục tiêu cụ thể của Đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.

Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.

Đồng thời, ngành gỗ sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế từ các FTA.

Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Một trong các nhiệm vụ của Đề án là phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất. Cụ thể, hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.

Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, thân thiện với môi trường.

Đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển các nguyên liệu phụ trợ keo dán gỗ, các chất sơn phủ, trang trí bề mặt thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics.

Xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế; khuyến khích phát triển các trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ phù hợp với nhu cầu, văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng.

Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh

Để phát triển bền vững, ngành gỗ cần phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính sau: Nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất (sản phẩm bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá kệ sách; các loại ván sàn); nhóm sản phẩm đồ gỗ ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, bàn ghế, ghế băng; dù che nắng); nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo (ván ghép thanh; ván dán, ván dăm; ván MDF); nhóm sản phẩm gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền chắc, tiết kiệm gỗ (song mây, tre, trúc; nhựa, kim loại, vải, da); nhóm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ (bàn ghế, giường tủ; sản phẩm sơn mài, tranh gỗ, các loại tượng bằng gỗ; sản phẩm lưu niệm, mỹ nghệ trang trí kết hợp song, mây, tre, trúc, vật liệu khác); nhóm sản phẩm viên nén gỗ, dăm gỗ.

Tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế; thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu“Gỗ Việt”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng Online hoặc qua các sàn thương mại điện tử.

Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ./.

 

Thu Hường

 
 
 
 

Thu Hường

 
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top