Điện Biên: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương

18/05/2021 - 10:06 AM

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, giữ vai trò kết nối vùng cũng như là cầu nối giao thương với nước bạn Lào, do đó sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, dịch vụ của tỉnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Công Thương Điện Biên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện rõ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Đồng chí Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Quyết định
bổ nhiệm Giám đốc Sở Công Thương cho đồng chí Vũ Hồng Sơn

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Công Thương; sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành; sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, ngành Công Thương Điện Biên đã vượt qua mọi khó khăn, đạt được những kết quả đáng tự hào: Hoàn thành và công bố triển khai thực hiện 2 quy hoạch: Quy hoạch phát Điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035; Quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Trong 5 năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên được duy trì với tốc độ tăng trưởng và phát triển ổn định, đã tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhất là trong lĩnh vực thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng… Tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản.


Lãnh đạo Công ty CP Xi măng Điện Biên theo dõi vận hành dây chuyền thiết bị
sản xuất xi măng tại phòng Điều khiển Trung tâm. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương đã tham mưu tích cực cho UBND tỉnh, ngành Điện lực quan tâm đầu tư lưới điện và nguồn điện (lưới điện cao thế, trung thế, hạ thế). Thực hiện đầu tư 10 dự án thuỷ điện, tổng vốn đầu tư của 10 dự án trên 5.654 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 nhà máy thủy điện đang hoạt động phát điện, tổng công suất lắp máy 181,3 MW. Hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu truyền tải. Công suất phát điện của các nhà máy thủy điện hòa vào lưới điện Quốc gia, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống dân sinh, hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Dù là đơn vị duy nhất khai thác, sản xuất và cung cấp xi măng trên địa bàn tỉnh nhưng Công ty CP Xi măng
Điện Biên vẫn không ngại khó khăn, vươn cánh tay nối dài để tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác,
đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước bạn Lào

Kết quả giai đoạn 2016-2020: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 12.848,5 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng bình quân dự ước đạt 5,7%/năm. Trong đó, Công nghiệp khai thác mỏ ước đạt 676,93 tỷ đồng, Công nghiệp chế biến ước đạt 10.374,17 tỷ đồng, Công nghiệp sản xuất phân phối điện dự kiến đạt 1.585,43 tỷ đồng, cung cấp nước, xử lý rác thải dự kiến đạt 211,96 tỷ đồng. Một số nhà máy, cơ sở sản xuất mới được đầu tư và đi vào hoạt động như: 05 nhà máy thủy điện với công suất tăng thêm là 57,2 MW; một số cơ sở sản xuất gạch không nung tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông; nhà máy chế biến gạo bằng dây chuyền tự động tại huyện Điện Biên... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Mặt khác, ngành Công Thương Điện Biên đã tập trung triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên. Đến nay, đã hoàn thành thi công, nghiệm thu, đóng điện, bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình cấp điện cho 63 thôn bản, 21 xã, với 59 trạm biến áp (tổng dung lượng trạm là 4.169 KVA) trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tủa Chùa, thành phố Điện Biên Phủ, với 3.655 hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Tính đến nay, có 91,26% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.


Sản xuất gạch không nung mô hình kinh tế công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Điện Biên

Song song với phát triển công nghiệp, thời gian qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Hoạt động này đã đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường. Giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng biến động không đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 52.644,5 tỷ đồng.


Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất gắn với chế biến nông sản. Ảnh: Vùng cà phê huyện Mường Ảng

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm, tập trung ở các lĩnh vực chủ yếu như: Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, nhà hàng, kho hàng hoá, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp, mạng lưới chợ, trung tâm thương mại. Hệ thống bán buôn, bán lẻ phát triển nhanh chóng, hàng hoá kinh doanh đa dạng phong phú, với các phương thức bán hàng văn minh, hiện đại. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 74 cửa hàng xăng dầu, 35 chợ, 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III và 16 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt Nam trên thị trường tỉnh Điện Biên.


Thành phố Điện Biên Phủ ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại,
giữ  vai trò là đầu tầu kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ảnh: Tư liệu

Mặt khác, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách về hoạt động xuất nhập khẩu và mậu dịch biên giới đã tạo điều kiện cho thương nhân và cư dân biên giới đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và tăng cường trao đổi mua bán hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển. Chính sách thí điểm cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu và tạm nhập tái xuất hàng hóa qua lối mở A Pa Chải đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia các hoạt động trao đổi hàng hóa, thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Tổng kim ngạch xuất nhập hàng hóa, dịch vụ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 372,96 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 256,76 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Xi măng Điện Biên, vật liệu xây dựng, hàng hóa khác...; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 116,2 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc thiết bị thuỷ điện, gỗ các loại, nông lâm sản, hàng hóa khác...

Ngoài ra, ngành Công Thương Điện Biên đã tích cực thực hiện tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về các chính sách miễn giảm thuế quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện hiệu quả các nội dung tác hợp tác quốc tế về kinh tế với các tỉnh Bắc Lào; Vân Nam - Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi giúp các thương nhân ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu; đầu tư liên doanh, liên kết với thương nhân tại các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam, Trung Quốc.


Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Điện Biên

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020 là cơ sở quan trọng tạo đà cho sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển với quy mô, chất lượng ngày càng cao và hiện đại, dần đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, ngành Công Thương tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2025 như sau: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,09%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8-10%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 98%...


Trung tâm sự kiện Him Lam Plaza, thành phố Điện Biên Phủ

Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh, ngành Công Thương Điện Biên đã được UBND tỉnh, Bộ Công Thương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của UBND tỉnh (năm 2016, 2017, 2019); Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công Thương (2016-2018); Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu của UBND tỉnh Điện Biên (năm 2018)... 

                                                                                                 Vũ Hồng Sơn
                                                        Giám đốc Sở Công thương tỉnh Điện Biên

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top