Điện lực Ninh Bình: Nhân tố tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển

18/03/2022 - 09:09 PM

Công ty Điện lực Ninh Bình được thành lập ngày 16/5/1992 trên cơ sở tách ra từ Điện lực Hà Nam Ninh với tên gọi Sở Điện lực Ninh Bình. Đến năm 1996, được đổi tên thành Điện lực Ninh Bình trực thuộc Công ty Điện lực I và là một trong 26 Điện lực hạch toán kinh tế phụ thuộc. Năm 2003, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình chuyển mô hình hoạt động từ đơn vị hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập. Sự đổi mới này đã tạo động lực để đơn vị phát huy tối đa mọi nguồn lực, năng động và quyết liệt hơn. Năm 2010, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo điều lệ của Tổng công ty.

Ông Trần Đăng Sơn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty chủ trì Hội nghị Kỹ thuật - An toàn VSLĐ,
PCTT-TKCN, Kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Đầu tư - Tài chính năm 2022
 
Trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã tận dụng được nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn vốn sửa chữa để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống đường dây trung thế, trạm biến áp và đường dây hạ thế đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa, Công ty đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, với phương châm: “đường làm đến đâu cột điện đi theo đến đó, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”. Lưới điện được đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhờ đó chất lượng điện năng đảm bảo, tổn thất điện năng giảm, cung cấp đủ điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn nông thôn, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tính đến ngày 30/11/2021, đã có 116/119 xã được xác nhận đạt chuẩn nông thôn mới về Tiêu chí số 4 (Điện nông thôn). 05 huyện, thành phố (huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh, huyện Gia Viễn, huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp) được công nhận là huyện và thành phố hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới.

Họp giao ban triển khai công tác chuyên môn toàn đơn vị
 
Lũy kế đến tháng 9/2021, điện thương phẩm đạt 1.909,34 triệu kWh, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 73,44% so với kế hoạch giao. Phần lớn các thành phần phụ tải đều có tốc độ tăng trưởng dương, CNXD (4,42%); QLTD (6,82%); Hoạt động khác 9,63%); Chỉ có thành phần Nông, lâm ngư nghiệp giảm 3,86% và Thương nghiệp, nhà hàng giảm 3,10%. Kết quả tăng trưởng này là do những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có bước chuyển mạnh mẽ về thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bám sát tiến độ thu hút đầu tư của tỉnh, Điện lực Ninh Bình đã chủ động triển khai, xây dựng hệ thống điện đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, Công ty thực hiện tổng số 235 dự án có tổng giá trị 907 tỷ đồng. Trong đó, có 17 dự án là đầu tư xây dựng cho lưới điện 110kV, 218 dự án là ĐTXD lưới điện trung, hạ áp.

Theo định hướng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Điện lực Ninh Bình đã tiến hành thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử trên toàn địa bàn tỉnh. Đến nay, đã lắp đặt được 253.517 công tơ điện tử (tương ứng với tỷ lệ 70,06%) và toàn bộ đã được thực hiện ghi chỉ số qua hệ thống đo xa. Với công nghệ hiện đại, khách hàng có thể biết được sản lượng điện thực tế đang sử dụng hàng ngày thông qua các ứng dụng của ngành điện; dễ phát hiện tình trạng rò điện tại các thiết bị cũ, chất lượng cách điện bị suy giảm, qua đó có thể ngăn ngừa hiệu quả tai nạn điện trong gia đình; rất thuận tiện khi theo dõi, giám sát chỉ số tiêu thụ điện năng, đảm bảo chính xác và minh bạch, công khai. Đối với đơn vị kinh doanh điện, công tơ điện tử đo xa đảm bảo an toàn cho người lao động; thu thập số liệu sử dụng điện của khách hàng nhanh chóng và chính xác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả trong cung cấp điện. Cùng với việc nâng cấp, hiện đại hóa, ngành điện đã tích cực triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách làm việc để nâng cao chất lượng dịch vụ, chỉ số tiếp cận điện năng đã không ngừng được cải thiện.

Kiểm tra, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường dây truyền tải điện
 
Trong công tác dịch vụ khách hàng, Điện lực Ninh Bình tiếp nhận, giải đáp các dịch vụ về điện của khách hàng thông qua ứng dụng CRM của trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Mọi yêu cầu của khách hàng qua Cổng DVCQG, qua Website, Zalo, Facebook, tổng đài 19006769… được TTCSKH gửi về Điện lực Ninh Bình qua ứng dụng CRM). Sau khi hoàn tất dịch vụ, khách hàng được thu thập ý kiến phản hồi thông qua chương trình khảo sát tự động để Điện lực Ninh Bình tiếp thu các đóng góp nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, giao dịch giữa ngành điện và khách hàng được điện tử hóa hoàn toàn: đơn vị quản lý sử dụng máy tính bảng trong khảo sát, thỏa thuận, ký hợp đồng với khách hàng. Khách hàng ký hồ sơ điện tử bằng mã OTP được gửi về điện thoại ngay tại hiện trường địa điểm sử dụng điện của khách hàng, cán bộ công nhân viên thực hiện ký số tương ứng với tài khoản vận hành đã đăng ký. Các chi phí phát sinh nếu có khách hàng thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia, qua cổng thanh toán điện tử của VNPay theo đó khách hàng không phải đến trụ sở của Điện lực để đăng ký và hoàn tất hồ sơ. Bên cạnh đó, nhằm giúp khách hàng dễ dàng thanh toán hóa đơn tiền điện mọi lúc, mọi nơi, thuận tiện an toàn cho khách hàng, Điện lực Ninh Bình đã ký kết với 06 ngân hàng và 07 tổ chức trung gian để khách hàng thanh toán tiền điện, đến nay tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Công ty đạt 69,31%.

Niềm vui hân hoan của cán bộ, công nhân viên Điện lực Ninh Bình hoàn thành công trình lưới điện chào mừng
Đại hội đại biểu Đảng bộ khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025

 
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả không gian làm việc, tiết kiệm thời gian tìm kiếm hồ sơ tài liệu và tránh lãng phí cũng như mất mát hư hỏng; đồng thời hình thành phương pháp quản lý hồ sơ khoa học, gọn gàng, Công ty Điện lực Ninh Bình đã ban hành Quy định thực hiện áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn 5S trong toàn Công ty. Ban chỉ đạo 5S của Công ty thường xuyên theo dõi, yêu cầu mỗi cá nhân, phòng ban, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về 5S, hàng tuần chụp ảnh nơi làm việc gửi ảnh báo cáo Ban chỉ đạo 5S của Công ty. Cho đến nay, hầu hết các cán bộ công nhân viên đã được hình thành tính tự giác và kỷ luật trong việc thực hành 5S.

Nhận thấy rõ tính ưu việt của Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong việc cải cách thủ tục hành chính, Điện lực Ninh Bình đã chủ động đăng ký tham gia vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của khách hàng mua điện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và thực hiện quy trình “một cửa liên thông” giữa cơ quan Nhà nước và Công ty Điện lực Ninh Bình trong giải quyết các thủ tục cấp điện mới qua lưới trung áp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

PC Ninh Bình hướng đến quyền và lợi ích của khách hàng làm mục tiêu phục vụ.
Ảnh: Dịch vụ về điện tại Trung tâm Hành chính công Ninh Bình

 
Dự báo, giai đoạn 2021-2025, phụ tải trên địa bàn tỉnh sẽ tăng trưởng mạnh đặc biệt là phụ tải công nghiệp, Công ty Điện lực Ninh Bình chủ trương tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp, đảm bảo cung cấp điện đúng tiến độ, an toàn, ổn định và đóng góp tích cực vào công cuộc CNH – HĐH, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình./.

                                                                                                          Minh Hà


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top