Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định: Một số nét nổi bật qua kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021

04/11/2022 - 03:38 PM
Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tại Bình Định, doanh nghiệp là thành phần có mức tăng cao về số lượng và thu hút nhiều lao động tham gia. Đây cũng là thành phần có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội,... Với những kết quả tích cực, sự phát triển của khối doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ tại Bình Định.
 
Theo kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2021, tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh Bình Định có 5.850 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 1.466 doanh nghiệp (+33,44%) so với năm 2016; bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 7,48%/năm, thấp hơn 0,8 điểm % so với giai đoạn 2011-2016.

Lực lượng lao động tham gia trong các doanh nghiệp có 124.382 người, tăng 5,48% (+6.822 người) so với năm 2016. Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tăng 7,48%/năm và số lao động tăng 1,34%/năm, thấp hơn mức tăng của những năm trước đây (giai đoạn 2011-2016: số lượng tăng 8,28/năm và số lao động tăng 1,4%/năm).

Về cơ cấu: Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, toàn tỉnh có 19 DN nhà nước, chiếm 0,32%, giảm 29,63%; DN ngoài nhà nước 5.788 DN, chiếm 98,94%, tăng 33,61%; DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 43 DN, chiếm 0,74%, tăng 72,0% so với năm 2016.

Theo quy mô doanh nghiệp: Toàn tỉnh có 3.719 doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 63,6%; 1.721 doanh nghiệp nhỏ, chiếm 29,4%; 252 doanh nghiệp vừa, chiếm 4,3% và 158 doanh nghiệp lớn, chiếm 2,7%.

 
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định: Một số nét nổi bật qua kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021

Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Theo khu vực kinh tế: Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 93 DN, chiếm 1,6%, tăng 66,09%; khu vực Công nghiệp và xây dựng 2.099 DN, chiếm 35,9%, tăng 38,18%; khu vực Dịch vụ có 3.658 DN, chiếm 62,5%, tăng 30,18% so với năm 2016.
 
 
Theo các địa phương: Doanh nghiệp tập trung phần lớn ở khu vực thành thị và nhiều nhất tại Tp. Quy Nhơn chiếm hơn 60,4%; kế tiếp là Thị xã An Nhơn chiếm 9,9%; Thị xã Hoài Nhơn chiếm 6,8%; huyện Tuy Phước chiếm 7,0%. Theo vùng/miền, vùng Đồng bằng chiếm hơn 92,1%, vùng Trung du (Hoài Ân, Tây Sơn) chiếm 5,4% và vùng Miền núi (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh) chiếm 2,5%.
Số lượng lao động trong doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tăng nhanh đã thu hút được lực lượng lớn lao động tham gia trong quá trình sản xuất của cải vật chất và cung cấp dịch vụ cho toàn xã hội. Tổng số lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp có đến 31/12/2020 là 131.204 người; trong đó, có 55.941 lao động nữ, chiếm 42,6%, tăng 5,48% (+6.822 người) so với thời điểm 31/12/2016. Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020, số lao động tham gia trong các doanh nghiệp tăng 1,34%/năm.
 
Theo loại hình doanh nghiệp: Lực lượng lao động tham gia của khu vực DN nhà nước có 4.225 người, chiếm 3,2%, giảm 19,48% (-1.022 người) so với năm 2016, do chủ trương sáp nhập, cổ phần hóa các DN nhà nước. Lao động khu vực DN ngoài nhà nước có 120.680 người, chiếm 92%, tăng 3,86% so với năm 2016, bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 0,95%/năm. Với mức lương cao và điều kiện làm việc tốt, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 6.299 lao động làm việc, chiếm 4,8%, tăng 114,35% (+3.359 người), bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 20,98%/năm, là mức tăng cao nhất so với các khu vực còn lại.

Theo quy mô doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có quy mô lớn (số lượng chiếm 2,74% tổng số DN) đã thu hút phần lớn lực lượng lao động tham gia làm việc, chiếm 45,9% tổng số lao động; bình quân có 381,2 người/ DN. Số DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ 97,3% nhưng số lao động tham gia chỉ chiếm 54,1%.

Theo ngành kinh tế: Lực lượng lao động có xu hướng giảm ở ngành Công nghiệp và xây dựng (-2,69%) chuyển sang các ngành Dịch vụ (+1,5%) và ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản (+1,19%). Sử dụng nhiều lao động nhất là ngành Công nghiệp và xây dựng với 93.558 người, chiếm 71,3%, tăng 1,66%. Lao động trong ngành Dịch vụ là 33.662 người, chiếm 25,66%, tăng 12,03%. Lao động ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3.984 người, chiếm 3,04%, tăng 73,07% so năm 2016. Bình quân một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 22,4 người, giảm bình quân 6 người/DN so với năm 2016; trong đó: Ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: 42,8 người/DN; Công nghiệp và xây dựng: 44,6 người/DN và ngành Dịch vụ: 9,2 người/DN.
Theo các địa phương: Lực lượng lao động phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị và các khu, cụm công nghiệp; trong đó: Tp Quy Nhơn chiếm 57,1% đang có xu hướng giảm dần so với năm 2016 (-1.550 người). Một số địa phương có số lao động trong các doanh nghiệp tăng lên: Thị xã Hoài Nhơn (+2.126 người), thị xã An Nhơn (+1.400 người), huyện Phù Cát (+2.627 người),... so với năm 2016.
Nguồn vốn của doanh nghiệp
Doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chủ yếu dựa trên sự phát triển của nhân tố vốn thay vì nhân tố lao động. Tính đến thời điểm 31/12/2020, nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp đạt 176.197 tỷ đồng; trong đó, Vốn chủ sở hữu đạt 82.186 tỷ đồng, chiếm 46,6%, tăng 79% so với năm 2016. Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 mỗi năm bổ sung thêm 15,7%/năm vốn cho sản xuất kinh doanh.

Khu vực DN ngoài nhà nước tập trung số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, nguồn vốn thu hút cũng đạt cao nhất 159.018 tỷ đồng, chiếm 90,3% tổng nguồn vốn trong doanh nghiệp. Khu vực DN nhà nước thu hút 7.821 tỷ đồng, chiếm 4,4%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ với 43 DN, nguồn vốn kinh doanh đạt 9.358 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hạn chế 5,3%. Mặc dù, nguồn vốn khu vực DN ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhưng xét về cơ cấu lại chủ yếu là vốn vay, tỷ lệ vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 44,3%, trong khi tỷ lệ này của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài là 53,7% và của khu vực DN nhà nước là 86,2%.
Nguồn vốn của các doanh nghiệp hoạt động ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.935 tỷ đồng, chiếm thấp nhất 5,1%; ngành Công nghiệp và xây dựng đạt 89.989 tỷ đồng, chiếm 51,1% và ngành Dịch vụ đạt 77.273 tỷ đồng, chiếm 43,8% toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp đạt 30,1 tỷ đồng, tăng khá cao 33,8% (năm 2016 là 22,5 tỷ đồng/ DN). Đây là dấu hiệu tốt khi các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Xét theo khu vực DN, nguồn vốn bình quân của 1 DN nhà nước đạt cao nhất so với các khu vực còn lại với 411,6 tỷ đồng/DN, nhiều gấp 1,9 lần doanh nghiệp FDI và gần 15 lần DN ngoài nhà nước. Điều này thể hiện quy mô và mức độ quan trọng của doanh nghiệp nhà nước khi đang nắm giữ một giá trị tài sản khá lớn, những ngành sản xuất kinh doanh chủ yếu trên địa bàn tỉnh của DN nhà nước là sản xuất điện, cung cấp nước, vệ sinh môi trường, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp;...
Doanh thu thuần của doanh nghiệp
Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2020 đạt 136.750 tỷ đồng, tăng 18,8% (+21.638 tỷ đồng) so với năm 2016, bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 4,4%/năm. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu thuần tăng 18,5% (+19.346 tỷ đồng) và chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 90,4% tổng doanh thu toàn DN. Doanh nghiệp FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất 63,9% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 13,1%/năm. Doanh nghiệp nhà nước giảm 2% về doanh thu thuần, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 0,5%/năm.

Xét về khu vực kinh tế, doanh thu thuần ngành Công nghiệp và xây dựng năm 2020 chiếm tỷ trọng cao nhất với 51,4% và cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu khá cao 44,8% (+21.720 tỷ đồng), bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 9,7%/năm. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao 72% so với năm 2016, tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm 1,5% tổng số. Khu vực Dịch vụ chiếm tỷ trọng 47,1%, giảm 1,4% so với năm 2016, nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp thương mại và cung cấp dịch vụ.
Lợi nhuận của doanh nghiệp
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2020 đạt 2.142 tỷ đồng, tăng 53,8% (+960 tỷ đồng) so với năm 2016, bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 11,4%/năm; trong đó, DN nhà ước giảm 34,9%/năm, DN ngoài nhà nước tăng 84,5%/năm và DN FDI 133,7%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng lợi nhuận hàng năm lại có xu hướng chậm lại, so với năm 2019 chỉ đạt 96,0% (năm 2019: 2.855 tỷ đồng). Nguyên nhân chính là do tình hình dịch Covid-19, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản chi phí đã tác động làm giảm lợi nhuận.
Hiệu quả SXKD của doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020
Mặc dù, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, các chỉ tiêu cơ bản khác như lao động, doanh thu, nguồn vốn, tài sản, lợi nhuận và nộp ngân sách cũng tăng lên. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung chưa cao và có xu hướng thấp hơn các giai đoạn trước đây.

Tỷ trọng số lượng doanh nghiệp bị thua lỗ có xu hướng giảm đáng kể, DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi có xu hướng giảm. Năm 2020, có 1.765 DN bị lỗ, chiếm 30,17% tổng số DN (năm 2016 là 34,58%); số DN hoạt động có lãi là 3.523 DN, chiếm 60,22% (năm 2016 là 62,61%).

Hiệu suất sử dụng lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2020 đạt 13,01 lần, thấp hơn mức 15,65 lần của năm 2016; trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất 13,21 lần, tiếp đến là khu vực DN nhà nước 13,16 lần và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp nhất đạt 9,89 lần (giảm rất sâu so với năm 2016: 13,93 lần). Hiệu suất sử dụng lao động thể hiện mối tương quan giữa doanh thu bình quân một lao động so với thu nhập bình quân một lao động; như vậy, hiệu suất sử dụng lao động năm 2020 thấp hơn so với năm 2016.

Chỉ số nợ của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2020 là 1,17 lần hay tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2020 gấp 1,17 lần vốn tự có bình quân. Chỉ số này đã được cải thiện đáng kể so với năm 2016 là 1,4 lần. Chỉ số nợ giảm ở cả 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực FDI. Xét theo khu vực kinh tế, chỉ số nợ giảm ở khu vực Công nghiệp và xây dựng, khu vực Dịch vụ; khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ so với năm 2016 (năm 2020: 0,22 lần; năm 2016: 0,24 lần).

Chỉ số quay vòng vốn năm 2020 đạt 0,83 lần, thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2020 (năm 2016 đạt 1,25 lần); trong đó: Khu vực nhà nước tăng (năm 2020: 0,9 lần, năm 2016: 0,55 lần); khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều giảm so với năm 2016. Xét theo ngành, chỉ số quay vòng vốn ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng tăng nhẹ, còn lại ngành Công nghiệp - xây dựng và ngành Dịch vụ đều giảm so với năm 2016.

Hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2020 đạt 1,66%, thấp hơn mức 1,93% của năm 2016; trong đó, khu vực DN nhà nước đạt 4,58% tăng hơn năm 2016 (năm 2016 là 4,19%), khu vực DN ngoài nhà nước 1,32% (năm 2016 là 1,41%), DN FDI đạt 4,74% (năm 2016 là 4,49%). Xét theo khu vực kinh tế, hiệu suất sinh lời trên tài sản duy nhất khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng mạnh so với năm 2016 (năm 2020: 3,41%; năm 2016: 1,95%) còn lại các khu vực kinh tế khác đều giảm. Hiệu suất sinh lời trên tài sản phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh; số liệu cho thấy, doanh nghiệp phải bỏ ra cùng một lượng tài sản để đầu tư nhưng lợi nhuận thu về ngày càng ít.

Hiệu suất sinh lời trên doanh thu năm 2020 đạt 2,0% (cao hơn mức 1,55% của năm 2016); trong đó, doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời trên doanh thu cao nhất với 7,04%, thấp nhất là DN ngoài nhà nước với 1,58%. So với năm 2016, duy nhất DN nhà nước có tỷ suất sinh lời giảm mạnh. Xét về khu vực kinh tế, ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao nhất với 13,76% (năm 2016: 7,97%), tiếp đến là ngành Công nghiệp- xây dựng đạt 3,02%, thấp nhất là ngành Dịch vụ với 0,53%. /.

Nguyễn Thị Mỹ
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top