Doanh nghiệp vận tải nội địa Bài toán nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ

04/06/2019 - 11:17 AM
Bài toán năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp vận tải nội địa
 
Kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có hơn 31,5 nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, chiếm 11,4% tổng số doanh nghiệp ngành dịch vụ, mang lại hơn 632,2 nghìn việc làm cho người lao động. Năm 2018, có 3,9 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi được thành lập, chiếm 3% tổng số doanh nghiệp mới thành lập trên cả nước.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, vận tải hành khách đạt 4.641,5 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với năm trước; luân chuyển đạt 207,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,9%. Vận tải hàng hóa cũng có sự tăng trưởng đáng kể đạt 1.634,7 triệu tấn, tăng 10% so với năm trước và luân chuyển đạt 306,4 tỷ tấn.km, tăng 7,6%. Trước những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, ngành vận tải, kho bãi vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 7,85%; đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng chung của cả nền kinh tế. Tuy nhiên năm 2018, trong khi kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vận tải chỉ đạt 2,9 tỷ USD (chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ), tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch nhập khẩu dịch vụ vận tải lại đạt 8,8 tỷ USD (chiếm 47,8% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ), tăng 7,5%. Tính chung, Việt Nam nhập siêu dịch vụ vận tải 5,9 tỷ USD. Điều đó cho thấy năng lực cung ứng dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp vận tải nội địa còn có những hạn chế, bất cập.

 
Doanh nghiệp vận tải nội địa  Bài toán nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Vấn đề đầu tiên đặt ra đối với ngành vận tải nội địa là chất lượng dịch vụ còn hạn chế, cụ thể là chất lượng của nhân lực và vật lực. Các doanh nghiệp vận tải chưa có sự đầu tư tốt về trang bị vật chất, phương tiện vận chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng như độ an toàn, đăng kiểm, bảo hiểm, các tiêu chuẩn sử dụng... Nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa xây dựng được phong cách làm việc chuyên nghiệp, văn minh lịch sự. Theo số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017, trong tổng số hơn 632,2 nghìn lao động của ngành dịch vụ vận tải, chỉ có 22,9% lao động có trình độ đại học và trên đại học; 24,2% lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp; còn lại là số lao động có trình độ sơ cấp, được đào tạo dưới 3 tháng và lao động chưa qua đào tạo.
 
Một hạn chế khác, đó là các doanh nghiệp vận tải nội địa hoạt động còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết để hỗ trợ nhau trước các yêu cầu, đòi hỏi mang tầm quốc tế về dịch vụ của đối tác trong và ngoài nước. Cũng theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 01/01/2017, cả nước có trên 31,5 nghìn doanh nghiệp dịch vụ vận tải, kho bãi, trong đó chỉ có 809 doanh nghiệp lớn (chiếm 2,56% tổng số doanh nghiệp vận tải, kho bãi), 884 doanh nghiệp vừa, 7.542 doanh nghiệp nhỏ và trên 22,3 nghìn doanh nghiệp siêu nhỏ (chiếm gần 70,7% tổng số). Như vậy, quy mô của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam còn khá nhỏ, hoạt động riêng lẻ, trong khi việc thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải ngày càng đòi hỏi quy mô lớn và năng lực mạnh, do khối lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu ngày càng tăng cao với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng dịch vụ.
 
Đặc biệt, hiện nay, gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải và kết nối kém giữa các doanh nghiệp đã góp phần làm tăng chi phí vận tải. Đó là chưa kể, ngoài các chi phí được quy định, doanh nghiệp vận tải nội địa còn phải gánh thêm rất nhiều khoản chi phí không chính thức khác.
 
Cơ sở hạ tầng phục vụ ngành vận tải hạn chế cũng là bất cập đáng kể. Trong thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư khá mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ, song vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, với số lượt khách và khối lượng hàng hóa dẫn đầu (với 4.380,9 triệu lượt khách và 423,3 triệu tấn, chiếm lần lượt 94,38% và 77,18% toàn ngành), đường bộ là loại hình chủ đạo của hoạt động dịch vụ vận tải đồng nghĩa với việc đòi hỏi phải có hệ thống giao thông chính yếu và thứ yếu thông suốt. Tuy nhiên, theo thống kê của Logistics Việt Nam, hệ thống đường bộ nước ta có 24.136 km quốc lộ (đường chính yếu), và 25.741 km đường tỉnh (đường thứ yếu). Như vậy, đường giao thông thứ yếu chưa bao phủ nên nhu cầu tập trung quá lớn vào đường chính ở những điểm kết nối đã gây nên tình trạng xung đột giữa lưu lượng xe địa phương và lưu lượng xe đi suốt. Hiện tượng này đã làm giảm hiệu quả hoạt động vận tải, khiến cho thời gian hàng hóa tham gia vào quá trình vận tải bị kéo dài, gây ứ đọng vốn, thời gian giao hàng không chuẩn xác, chi phí vận tải tăng.
 
Ngoài ra, doanh nghiệp vận tải nội địa còn những hạn chế, bất cập khác như: Chưa xây dựng được thương hiệu uy tín, phong cách làm việc cũng như năng lực nhân viên; nạn xe dù bến cóc, tăng giá tùy tiện cũng là một trong những thách thức với các đơn vị quản lý. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ, phương tiện, thái độ phục vụ khách hàng của doanh nghiệp và lái xe cũng là những vấn đề cần được xem xét và củng cố...
 
Giải pháp cho doanh nghiệp Việt
 
Trước tình hình trên, để nâng cao năng lực ngành dịch vụ vận tải cho các doanh nghiệp Việt Nam, cần có sự phối kết hợp của cả các đơn vị doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm từng bước tháo gỡ những hạn chế đang là rào cản.
 
Đặc biệt, để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Quyết định số 200-QĐ/TTg ngày 14/2/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với các con số cụ thể: Tỷ trọng đóng góp của ngành Dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt từ 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 50-60%, chi phí logistics giảm xuống từ 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên, cần chú trọng một số giải pháp sau:
 
Một là: Các doanh nghiệp vận tải cần mở rộng quy mô kinh doanh; cải thiện tính chuyên nghiệp, khẳng định uy tín, thương hiệu với các đối tác. Song song với việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ trọn gói nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu quốc tế, mở rộng thị trường khu vực và trên toàn thế giới. Cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, vì mục đích chung lâu dài, không chỉ vì lợi ích trước mắt.
 
Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về logistics. Theo đó, bổ sung, sửa đổi nội dung về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics; Kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới; Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm kiến nghị các biện pháp đảm bảo tránh xung đột trong cam kết về logistics tại các diễn đàn quốc tế, tránh xung đột giữa cam kết quốc tế về logistics với pháp luật trong nước. Xây dựng phương án đàm phán cam kết về dịch vụ logistics tại các FTA trong tương lai.
 
Ba là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.
 
Ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics và phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới.
 
Bốn là, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Khuyến khích doanh   nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá   trình sản xuất, kinh doanh, trong đó, chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics; Khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics; Hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics; Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics…
 
Năm là, đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo và tái đào tạo nguồn lực hiện có, thu hút lao động có trình độ chuyên ngành liên quan, am tường ngoại ngữ, có kiến thức địa lý, ngoại thương, hỗ trợ sinh viên thực tập để tăng cơ hội lựa chọn người giỏi, cập nhật thường xuyên kỹ thuật mới trong nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế; góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.
 
Sáu là, phát triển thị trường dịch vụ logistics. Chủ động đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics; Tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics; Tổ chức các đoàn nghiên cứu ra nước ngoài và mời các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics; Tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới; Thu hút đông đảo doanh nghiệp logistics nước ngoài đến làm ăn, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top