Doanh nghiệp Việt trước xu thế chuyển đổi số

29/08/2019 - 02:47 PM
Trong thời đại kỷ nguyên số, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là xu thế toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích song hành cùng những thách thức. Tại Việt Nam, một số tập đoàn đã nhanh chóng gia nhập “cuộc chơi” để tìm kiếm những cơ hội dành cho người đi trước, song bên cạnh đó vẫn còn không ít doanh nghiệp dè dặt, chưa thực sự sẵn sàng chuyển mình bởi nhiều yếu tố.

 Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning),… để từ đó làm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa doanh nghiệp.

Nếu như tận dụng được những thế mạnh của các công cụ công nghệ hỗ trợ, chuyển đổi số sẽ mang lại khá nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Trước hết, nhờ sử dụng nền tảng điện toán đám mây, các doanh nghiệp sẽ không phải đầu tư quá nhiều hạ tầng ban đầu, từ đó cắt giảm đáng kể chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, với nền công nghiệp trước đây, các quy trình làm việc khá thủ công, sử dụng nhiều sức lao động thì việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân công, tạo ra nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ mới với chất lượng đồng đều hơn. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Hơn nữa, chuyển đổi số còn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới cách thức điều hành và quản lý, thuận lợi trong việc phân tích chiến lược khách hàng và phân khúc thị trường… Tất cả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế, trong thời đại 4.0, giá trị của doanh nghiệp không còn dừng lại ở bất động sản, tài chính, nhân sự… mà còn được đánh giá về chuyển đổi số, trong đó dữ liệu là tài sản lớn nhất.
Doanh nghiệp Việt trước xu thế chuyển đổi số
Trên thực tế, sức mạnh của chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp trên thế giới giành lợi thế ở nhiều lĩnh vực như: Hạ tầng tin học, sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, giao dịch tài chính... Đã có không ít tập đoàn kinh tế số tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Một “gương mặt” tiêu biểu gặt hái được nhiều thành quả nhờ chuyển đổi số có thể kể đến là tập đoàn đa quốc gia DuPont. Tập đoàn này đã tiết kiệm được 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, tạo thêm hàng tỷ USD lợi nhuận, giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng, thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác Microsoft, SAP, AT&T… nhờ cách tiếp cận khác biệt trong công cuộc chuyển đổi số. Bên cạnh đó là sự thành công của những “ông lớn” như Uber, Grab, Facebook hay Viber… với hàng loạt các dịch vụ được đổi mới và cải tiến liên tục, đồng thời tận dụng một cách hiệu quả nguồn nhân lực nhàn rỗi trong xã hội.

Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi số?

Bước vào ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đã có những chuyển mình mạnh mẽ, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số; và tiến trình này được cho là sẽ có nhiều thuận lợi bởi Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để chuyển đổi song hành cùng các doanh nghiệp. Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại quốc gia đang dần hoàn thiện với việc đồng bộ hạ tầng, tập trung kết nối 4G, hướng tới 5G, phủ Wi-Fi rộng khắp. Bên cạnh đó, tại thị trường công nghệ thông tin Việt Nam đã có những tên tuổi đủ năng lực cung cấp những sản phẩm, giải pháp thông minh toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận số như Microsoft, VCCorp, Samsung... Với những yếu tố trên, Việt Nam đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số và đang là thị trường nhắm đến để mở rộng đầu tư của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực viễn thông truyền hình, logistics, công nghệ thông tin, bán lẻ như AIG, SkyPower, GE, AT&T, IBM, MetLife, Walmart, CocaCola, Pepsico… trong thời gian tới.

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, quá trình chuyển đổi số diễn ra chủ yếu trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch, thương mại điện tử, công nghiệp chế tạo,... và tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ trong nước. Để có thể thích ứng với sự thay đổi, tăng tốc trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn và đầu tư cho chuyển đổi số ở nhiều quy mô khác nhau.

Tập đoàn FPT với vai trò là đối tác công nghệ quan trọng của Airbus, Siemens,  General  Electric,  Amazon Web Services…, cùng đội  ngũ  hơn  15.000  chuyên  gia  công  nghệ  có  kinh  nghiệm,  chất  lượng chuẩn quốc tế; hơn  20  năm  triển  khai  dự  án  cho  hàng  trăm  khách  hàng  lớn  trên  thế  giới  và 30 năm xây dựng các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin lớn cho Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ     lưỡng cho việc thực hiện chiến lược  tiên  phong  chuyển  đổi  số.  Một  trong  những  bước  đi  đầu  tiên  của Tập đoàn này là chuyển đổi hệ thống công cụ bán hàng thành hệ thống trực tuyến với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây… giúp tiếp cận khách hàng một cách trực quan, thay thế phương pháp truyền thống. FPT đồng thời sử dụng hệ thống quản lý dự án đồng bộ giúp người quản lý cập nhật tiến độ dự án từng phút, nhằm hỗ trợ việc ra quyết định, thay vì báo cáo định kỳ hằng tuần, tháng, quý như trước. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý công việc tập trung được tự động hóa bằng các robot, giúp tập đoàn giảm 40% chi phí vận hành, 80% thời gian hồi đáp và hoạt động ở mức 24/7 mọi lúc, mọi nơi. Theo kế hoạch, FPT sẽ hoàn thành việc chuyển đổi thành doanh nghiệp số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực (Near Realtime Data - Driven Enterprise) trong năm 2019, để nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ 4.0.

Không chỉ nhanh chóng theo kịp xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, FPT còn hướng đến là địa chỉ hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khi tập đoàn này mua thành công 90% cổ phần của Intellinet, một công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tại Mỹ vào tháng 7/2018. Đây là sự  kiện quan trọng đánh dấu thời điểm FPT triển khai bộ máy tư vấn chuyển đổi số với hàng trăm chuyên gia; ký và thực hiện hàng loạt các thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Ngân hàng Shinhan, Carlsberg, Scheneider Electric, ISE  Foods… Kể từ sau thương vụ mua bán đến nay, Intellinet đã ký được 3 hợp đồng trị giá hàng triệu USD, cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể từ khâu tư vấn chiến lược đến thiết kế, triển khai và vận hành cho 3 tập đoàn lớn tại Mỹ trong lĩnh vực logistics, chăm sóc sức khỏe. Trong thời gian tới, Intellinet sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể và nỗ lực thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các tập đoàn trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và những lợi ích sẽ đạt được trong tương lai, “ông vua” ngành sữa Việt Nam là Vinamilk cũng đã nhanh chóng bắt tay vào chuyển đổi số. Trong vài năm gần đây, Vinamilk đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công cuộc này, điển hình là việc công ty chi tới 2.400 tỷ đồng để chuyển đổi các dây chuyền sản xuất của mình sang tự động hoá. Nhờ việc triển khai Office 365, công cụ phân tích kinh doanh Power BI, năng lượng ATP và dịch vụ chuyển phát nhanh EMS, công ty có thể phân tích dữ liệu và phác thảo xu hướng kinh doanh tốt hơn, cũng như dễ dàng đưa ra những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng và đã cắt giảm được gần 80% chi phí vận hành. Chuyển đổi số được xem là một quyết định đúng đắn, giúp Vinamilk có được thành công như hôm nay.

Một “ông lớn” khác trong ngành sữa Việt Nam là TH True Milk cũng lựa chọn đầu tư hàng trăm ngàn USD cho một chiếc máy cắt cỏ tự động, có thể thay thế cho sức làm việc của 800 người… và gần đây, Tập đoàn Trung Nguyên bắt đầu lựa chọn Microsoft để “kết duyên” trong công cuộc chuyển đổi số nhằm trở lại thị trường một cách ngoạn mục hơn.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của doanh nghiệp thời 4.0, nhưng theo các chuyên gia, tham gia cuộc chơi này vẫn chỉ là những tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong khi phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn đắn đo, dè dặt bởi nguồn lực hạn chế và e ngại không thu lại kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay còn phải đối mặt với những thách thức khác như: Rào cản trong văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn người lãnh đạo còn hạn chế, thiếu hụt các báo cáo, phân tích thông tin…

Theo một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 22% doanh nghiệp cho rằng CMCN 4.0 đã và đang tác động đến doanh nghiệp, 32,7% doanh nghiệp cho rằng chưa tác động nhưng sẽ bị tác động. Như vậy, mới chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng CMCN đã, đang và sẽ tác động đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có đến 80% - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, phần lớn trong số đó là những công nghệ cũ.

Cũng theo khảo sát, chỉ có 6,6% doanh nghiệp cho rằng đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới, 34,6% doanh nghiệp sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực, 27,5% đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực và có tới 31,1% doanh nghiệp vẫn chưa làm gì để theo kịp CMCN 4.0.

Còn theo Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” của Cisco vừa được công bố trong tháng 4/2019 cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang đối mặt với những trở ngại trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),... Mới chỉ có một số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).

Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu?

Cho đến nay, không ít các công ty vừa và nhỏ Việt Nam đang rất lúng túng và đặt câu hỏi: “Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu?”. Mặt khác, vẫn có nhiều suy nghĩ cho rằng chuyển đổi số là do bộ phận công nghệ thông tin (IT) thực hiện và chỉ cần thiết triển khai tại các công ty có quy mô lớn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, chuyển đổi số có thể được thực hiện tại tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô, thậm chí tại doanh nghiệp khởi nghiệp với những công cụ có chi phí chỉ vài trăm nghìn/tháng. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp sẽ hội tụ cả ba yếu tố: Công nghệ, kinh doanh và con người. Do đó, chuyển đổi số là việc của cả doanh nghiệp, tức là cần chuyển đổi ở tất cả các phòng ban, từ lãnh đạo cho đến nhân viên, cấp quản lý. Trong đó, các nhà lãnh đạo cần có sự quyết tâm lớn để“chèo lái” hành trình chuyển đổi số theo đúng lộ trình đặt ra. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự về trình độ công nghệ thông tin để mở ra chìa khóa thành công trong công cuộc chuyển đổi số.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, cần lưu ý đến 3 yếu tố: Thứ nhất, chi phí thực hiện cần vừa phải. Thứ hai, ứng dụng chuyển đổi số phải thuận lợi, dễ dàng. Thứ ba, việc chuyển đổi cần tác động trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp.

Triển khai chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng nên khởi đầu từ những dự án nhỏ bởi sự thay đổi công nghệ là khá nhanh. Theo Microsoft, trong nhiều trường hợp, chuyển đổi số không thuần túy là việc tập hợp nhiều dự án công nghệ thông tin khác nhau, mà là chuỗi dự án nhỏ liên quan tới tất cả phòng, ban trong một doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục và mang tính kết nối nhỏ lẻ. Chúng mang lại những đầu ra kinh doanh tích cực và đóng góp vào một kế hoạch chuyển đổi số lớn hơn. Đơn cử như Dupont đã lựa chọn chi nhánh tại Ấn Độ, nơi có quy mô nhỏ nhất nhưng lại đang gặp vấn đề lớn về tỷ lệ nghỉ việc hơn 30% để chuyển đổi số. Sau khi có kết quả tại đây, mô hình này được đưa về áp dụng tại Mỹ và nhân rộng ra các khu vực khác, đưa DuPont thành một trong những câu chuyện thành công nổi trội hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới.

Chuyển đổi số là một hành trình dài, hy vọng rằng những gợi ý trên sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng, dần dịch chuyển từ kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số một cách hiệu quả và bền vững./.

 
ThS. Đinh Ngọc Trâm
Trường Đại học Lao động - Xã hội

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top