Đổi thay trên quê hương Kim Thượng

12/01/2021 - 01:33 PM

Kim Thượng là một xã vùng cao của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS (chiếm xấp xỉ 85%). Trước đây, do xuất phát điểm thấp, trình độ sản xuất không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo ở Kim Thượng còn khá cao. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ xã đã chú trọng lãnh đạo, tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, từ đó tạo ra những chuyển biến làm thay đổi diện mạo nông thôn trên quê hương Kim Thượng.

Đổi thay trên quê hương Kim Thượng

Lãnh đạo huyện Tân Sơn dự và chúc mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Kim Thượng
lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Nâng cao thu nhập từ nông nghiệp

Với lợi thế là diện tích đất nông, lâm nghiệp rộng lớn, Đảng uỷ xã Kim Thượng đã xác định cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo các quy hoạch của ngành Nông nghiệp Phú Thọ và định hướng của huyện Tân Sơn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Xã đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả.

5 năm qua, Xã duy trì ổn định diện tích trồng lúa đạt trên 486 ha và tăng dần diện tích lúa lai và lúa chất lượng cao (đến năm 2020 tỷ lệ này đạt trên 75%). Việc trồng lúa đã áp dụng kỹ thuật thâm canh mới như phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên, RSI.. nên dù thời tiết diễn biến phức tạp nhưng năng suất lúa ổn định từ 57- 59 tạ/ha. Trong chăn nuôi, bên cạnh việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc (tập trung thay thế bò địa phương bằng bò lai chất lượng cao), Xã còn phát triển thêm các mô hình vật nuôi đặc hữu của địa phương như lợn lửng, vịt suối, gà nhiều cựa… qua đó, giúp nhân dân đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng hiệu quả chăn nuôi.

Đổi thay trên quê hương Kim Thượng 1

Niềm vui được mùa của nhân dân các dân tộc xã Kim Thượng

Phát huy thế mạnh đất lâm nghiệp, Xã đã khuyến khích nhân dân tích cực trồng rừng mới và trồng thay thế những diện tích sau khai thác hàng năm từ 150 - 200 ha với loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: Keo, bồ đề, chẩu…. Ngoài ra, Xã cũng phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Sơn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tham gia dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, tham gia dự án phát triển rừng gỗ lớn và các dự án tạo sinh kế khác trong khu vực rừng quản lý của Vườn. Nhờ vậy, người dân có đất rừng và người dân trong khu vực rừng tự nhiên có nguồn thu nhập chính đáng và ổn định.
 

Đổi thay trên quê hương Kim Thượng 2

Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Tân Sơn về thăm và kiểm tra các mô hình hình trang trại tổng hợp
trên địa bàn xã Kim Thượng trong tháng 11/2020

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cũng hỗ trợ người dân (đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo) các khoản tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất. Đến năm 2020, dư nợ cho vay của các Ngân hàng trên địa bàn xã đạt trên 59 tỷ đồng (tăng 22 tỷ so với đầu nhiệm kỳ). Sản xuất nông nghiệp ở Kim Thượng bước đầu đã có sự thay đổi từ nhỏ lẻ sang tập trung, liên kết hình thành mô hình nhóm, tổ hợp tác, đa dang các sản phẩm hàng hoá. Hiện nay, xã Kim Thượng có 5 mô hình trang trại tổng hợp đem lại thu nhập từ 300-500 triệu đồng mỗi năm.

Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng
 

Đổi thay trên quê hương Kim Thượng 3

Trường THCS Kim Thượng được xây dựng khang trang, xanh - sạch - đẹp

Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Phú Thọ và huyện Tân Sơn, Xã Kim Thượng đã được bố trí nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng mức đầu tư từ các chương trình trên địa bàn Xã trong nhiệm kỳ vừa qua đạt trên 30 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, Xã đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhu cầu giao thương, nhu cầu đi lại và hoạt động cộng đồng như: Hoàn thành đường điện đến các xóm vùng cao (Tân Hồi, Tân Minh, Hạ Bằng, Tân Ong) đảm bảo 100% xóm có điện lưới; Nâng cấp tu sửa các nhà văn hoá ở các khu Tân Hồi, Tân Minh, Hạ Bằng, Quyền 2; Nâng cấp cơ sở vật chất cho 3 trường ở 3 cấp học để đạt chuẩn Quốc gia các mức độ 1, 2; Xây dựng Trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia…
 

Đổi thay trên quê hương Kim Thượng 4

Chăm lo cho giáo dục song hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội của xã
(Trong ảnh: học sinh đọc sách trong thư viện trường TH Kim Thượng)

Đối với giao thông nông thôn, Xã đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cứng hoá hơn 20 km đường liên đồi kết nối khu dân cư với khu sản xuất. Đến năm 2020, tỷ lệ đường GTNT được bê tông hoá đạt 77,57%. Các tuyến đường có sự giám sát của người dân nên đảm bảo tiến độ, chất lượng và phát huy được hiệu quả, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông lâm sản thuận lợi.

Đổi thay trên quê hương Kim Thượng 5

Đường giao thông trong Xã được cứng hoá giúp nhân dân đi lại thuận tiện

Nhờ những thay đổi trong tư duy sản xuất kết hợp cùng hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp, bức tranh kinh tế - xã hội của xã Kim Thượng có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người dân được nâng lên. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,2% (so với đầu nhiệm kỳ là 27,8%); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99,8%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; Xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới; đời sống tinh thần của người dân nâng lên, các hoạt động văn hoá văn nghệ được tổ chức và thu hút đông đảo người dân tham gia… Những kết quả đáng khích lệ này sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Thượng hoàn thành những mục tiêu giảm nghèo bền vững và phấn đấu xây dựng trở thành Xã nông thôn mới trong thời gian không xa./.
 

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top