Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương

08/09/2020 - 12:39 PM
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt kinh tế xã hội. Đồng bào vùng DTTS tỉnh Hòa Bình cùng với nhân dân trong toàn tỉnh tích cực hăng hái thi đua lao động, sản xuất vươn lên xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT
Đỗ Văn Chiến tham dự, chỉ đạo và chúc mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Hòa Bình lần thứ III năm 2019 thành công tốt đẹp


Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng

Hòa Bình là tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số các dân tộc khác. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,31% dân số toàn tỉnh. Đến nay, Hòa Bình vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, tính đến thời điểm 1/1/2020, sau khi thực hiện sáp nhập các xã theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hòa Bình chỉ còn 151 xã, phường, thị trấn nhưng vẫn còn 74 xã và 24 thôn bản đặc biệt khó khăn vẫn thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135.

 
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương 1
Hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện góp phần phát triển kinh tế xã hội,
đặc biệt là du lịch cộng đồng tại các địa phương
 
Xuất phát từ thực tế là đồng bào DTTS thường cư trú ở những vùng sâu, vùng núi cao có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, chỉ tính riêng Chương trình 135, tổng kinh phí nhà nước giao và huy động các nguồn khác là trên 919 tỷ đồng. Trong đó, tổng nguồn dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn là trên 670 tỷ đồng, từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng được 1.240 công trình, bao gồm 715 công trình giao thông, 297 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 49 công trình trường học và hạng mục phụ trợ, 75 công trình thủy lợi, 21 công trình nước sinh hoạt, 3 công trình điện và 80 công trình khác.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương 2
Quang cảnh hồ Hòa Bình đẹp lung linh, điểm đến hấp dẫn của du khách
mỗi khi đến với Hòa Bình

Còn đối với Chương trình 30a, giai đoạn 2016 -2020, Tỉnh được bố trí trên 236 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là trên 193 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, 2 huyện Kim Bôi và Đà Bắc đã xây dựng mới được 59 công trình và duy tu bảo dưỡng nhiều công trình khác. Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2019 đã huy động được gần 12 nghìn tỷ đồng vốn toàn xã hội để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã trên địa bàn, trong đó, vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn vẫn là dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông nông thôn, công trình điện, nước sạch, trường học… Nhờ tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ này, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng đổi mới.

Triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ
 
Không chỉ quan tâm tới việc xây dựng kết cấu hạ tầng, Hòa Bình còn triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương cũng như xây dựng, ban hành các đề án đặc thù của địa phương để hỗ trợ đồng bào DTTS trong tỉnh. Nổi bật, thực hiện Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020, Hòa Bình được bố trí hơn 1.224 tỷ đồng để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở vùng khó khăn; Hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư; Hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn. Nhờ có chính sách hỗ trợ mang tính “gián tiếp” này, nhiều khu vực đồng bào DTTS của tỉnh Hòa Bình được bố trí nơi ở ổn định, an toàn, có tư liệu sản xuất. Tất cả đối tượng hộ nghèo là DTTS đều được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa từ đó nâng cao đời sống và thu nhập.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 - 2018, Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền mặt hoặc hiện vật) cho hơn 138 nghìn hộ (khoảng 576 nghìn khẩu) thuộc hộ nghèo vùng khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí là 54,3 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ khác như: Chính sách hỗ trợ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình cấp một số ấn phẩm tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS... được thực hiện hiệu quả, công khai dân chủ, đúng đối tượng, đúng mục đích góp phần xây dựng các nhân tố tích cực nòng cốt, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền...

 
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương 3
Giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc để phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc
 
Cùng với các chính sách của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù phù hợp tình hình thực tế của địa phương như: Đề án hỗ trợ 36 thôn bản khó khăn nhất của tỉnh, Dự án phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu) nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống... Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực của một tỉnh miền núi, các dự án, chương trình đã bố trí vốn và triển khai nhiều hạng mục góp phần làm thay đổi đời sống tại các địa phương được thụ hưởng.

Những chuyển biến tích cực và toàn diện
 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội, tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình có chuyển biến rõ nét không ngừng cải thiện, nâng cao. Đến cuối năm 2019, khi chưa thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính, toàn tỉnh có 100% hộ gia đình được sử dụng điện, hơn 6.100 km đường giao thông đạt chuẩn, 88/191 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 15,1 tiêu chí/xã, trong đó các xã đặc biệt khó khăn đạt bình quân 12,51 tiêu chí/xã.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương 4
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng cao
 
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm 3,16%/năm, đến đầu năm 2020 còn 14,74%, trong đó, các huyện 30a và các xã thuộc diện Chương trình 135 giảm trên 4%. Thu nhập bình quân các hộ gia đình tăng 20% trở lên, bình quân mỗi năm có 15% số hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đối với con em đồng bào người dân tộc thiểu số được chú trọng đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Toàn tỉnh có 168/453 trường đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99% trở lên, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 86%. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào DTTS đạt được những tiến bộ tích cực. Hệ thống y tế được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Các trạm y tế được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh thiết yếu. 68% số trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, đội ngũ y sỹ, bác sỹ là người DTTS được tăng cường, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ. Công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người DTTS, người nghèo và trẻ dưới 6 tuổi được quan tâm.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình: Phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương 5
Lễ hội ẩm thực của đồng bào các DTTS tỉnh Hòa Bình

Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Tỉnh đã hoàn thành 2 bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền đưa hoạt động tín ngưỡng “Mo Mường” và “Chiêng Mường” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chất lượng của hệ thống chính trị ở vùng DTTS miền núi ngày càng đổi mới và nâng cao. Công tác quốc phòng, an ninh vùng dân tộc và miền núi được quan tâm giúp giữ vững an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày được củng cố và tăng cường.

Thời gian tới, khi “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” được thông qua, để triển khai thực hiện hiệu quả ngay từ đầu, đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm trình Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, phù hợp với thực tế làm cơ sở xác định địa bàn và đối tượng ưu tiên; đề nghị các Bộ, ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn, đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ theo hướng “gián tiếp” - hỗ trợ có điều kiện gắn với trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng; đồng thời có cơ chế huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn.

Đinh Thị Thảo
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top