Đóng góp của ngành Du lịch đối với sự phục hồi kinh tế Kiên Giang

13/10/2022 - 03:46 PM
Bước qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang trong năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ nhờ sức tăng trưởng vượt bậc. Đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của tỉnh là nhờ sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch, dịch vụ. Đây cũng là ngành đạt được mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các ngành kinh tế của tỉnh trong 9 tháng đầu năm.

Từ những tháng đầu năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đem lại kết quả khá khả quan nhờ triển khai tốt các chính sách thuế, chính sách phục hồi sản xuất, chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 vẫn ổn định và đạt mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá cao; tăng trưởng tín dụng ở mức khá. An ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên.

Nguồn số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang cho thấy, trong quý III/2022, kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và phát triển tốt, tăng trưởng quý III cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 cao nhất trong 5 năm qua. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 52.473 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 8,61% cùng kỳ, đạt mức cao thứ hai kể từ năm 2012. Điểm sáng của kinh tế trong 9 tháng năm 2022 là sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 20,13%, dịch vụ lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng đã có sự khởi sắc với mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 266,29% và 57,70%; bên cạnh đó các khoản thu ngân sách Nhà nước cũng tăng trưởng hơn 19%... Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 21.482,96 tỷ đồng, đạt 82,74% kế hoạch năm, tăng 1,17% so với năm trước. Khu vực I, năm nay tăng trưởng thấp so với cùng kỳ là do sản lượng khai thác giảm nhiều do giá xăng, dầu và các nguyên liệu đầu vào đều tăng cao nên làm tăng chi phí giá thành, giảm hiệu quả kinh tế.

 
Đóng góp của ngành Du lịch đối với sự phục hồi kinh tế Kiên Giang
Du lịch Kiên Giang tăng trưởng mạnh mẽ. Nguồn ảnh từ Internet

Khu vực công nghiệp và xây dựng: Tổng giá trị tăng thêm ước tính 10,58 nghìn tỷ đồng, đạt 67,73% kế hoạch năm, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,63 điểm phần trăm, trong đó lĩnh vực công nghiệp đạt 6,15 nghìn tỷ đồng, tăng 20,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,19 điểm phần trăm. Khu vực II tăng cao hơn năm trước là do một số ngành đạt mức tăng khá như: Công nghiệp khai khoáng, sản xuất giày da, gỗ MDF, chế biến thuỷ sản… Tuy nhiên, ngành xây dựng tăng trưởng còn thấp do giá vật liệu xây dựng như sắt, thép, cát… đều tăng cao ảnh hưởng đến thực hiện vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công còn rất chậm.

Khu vực dịch vụ: Tổng giá trị tăng thêm ước tính đạt trên 17.750,50 tỷ đồng, tăng 16,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 5,24 điểm phần trăm. Khu vực III tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đã đóng góp tích cực cho mức tăng trưởng chung, trong đó một số dịch vụ hồi phục nhanh chóng như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch…

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Tỉnh tăng 0,52% so với tháng trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,52%, khu vực nông thôn tăng 0,51%. CPI tháng 9 tăng khá cao là do có 06 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với mức tăng 10,93%; kế đến là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,50%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% (trong đó: Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,61%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 16,54%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,29% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 6,96%); nhóm hàng hóa và du lịch khác tăng 4,27%; nhóm giao thông tăng 3,48%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,85%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,41%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,82%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,45%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,92%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,42% và nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,09%.

Đáng chú ý là doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay đã có xu hướng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước và đang trên đà phục hồi phát triển, tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Chín ước đạt 11,23 nghìn tỷ đồng, tăng 0,42% so tháng trước, tăng 60,49% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 98,17 nghìn tỷ đồng, đạt 78,54% kế hoạch năm, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Chín ước đạt 8,04 nghìn tỷ đồng, tăng 1,92% so tháng trước, tăng 38,71% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 70,31 nghìn tỷ đồng, đạt 73,63% kế hoạch, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Chín ước đạt 1,69 nghìn tỷ đồng, giảm 2,77% so tháng trước, tăng 208,01% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 13,31 nghìn tỷ đồng, đạt 94,43% kế hoạch năm, tăng 57,70% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Chín ước đạt 82,95 tỷ đồng, giảm 32,98% so tháng trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 564,25 tỷ đồng, đạt 188,08% kế hoạch, tăng 266,29% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Chín ước đạt 1,41 nghìn tỷ đồng, giảm 1,06% so tháng trước, tăng 116,81% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 13,98 nghìn tỷ đồng, đạt 92,62% kế hoạch, tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước.

Sự phục hồi của ngành Du lịch với những đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Tỉnh có được một phần nhờ vào hoạt động vận tải và doanh thu của ngành này. Theo đó, quý III/2022, hoạt động vận tải hành khách của Kiên Giang tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt ở lĩnh vực đường bộ, đường hàng không và đường biển. Giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm dần, hơn nữa thời gian cao điểm nghỉ hè, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên hoạt động vận tải hành khách tăng trưởng rất cao. Trong tháng Chín, ước tính vận chuyển đạt hơn 7,96 triệu lượt khách, tuy giảm 2,33% so tháng trước do qua mùa nghỉ hè, học sinh trở lại trường học nhưng vẫn có mức tăng 40 lần so với tháng cùng kỳ. Luân chuyển đạt gần 547,66 triệu HK.km, giảm 2,61% so với tháng trước, tăng 41 lần so tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách ước đạt 61,74 triệu lượt khách, đạt 79,35% kế hoạch năm, tăng 54,98% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt hơn 4.252,31 triệu HK.km, đạt 82,42% kế hoạch năm, tăng 57,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ tăng 54,04%, vận chuyển hành khách đường thuỷ (đường sông và đường biển) tăng 61,40%.

Sự phục hồi của các hoạt động văn hóa, lữ hành, lưu trú, ăn uống cũng kéo theo nhu cầu hàng hóa gia tăng và vận tải hàng hóa cũng đóng góp vào đó. Tháng 9/2022, ước tính vận chuyển hơn 1,34 triệu tấn, tăng 1,82% so tháng trước, tăng 52,61% so tháng cùng kỳ; luân chuyển hơn 192,77 triệu tấn, tăng 1,82% so với tháng trước, tăng 52,13% so tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, hàng hóa vận chuyển ước tính hơn 11,26 triệu tấn, đạt 73,95% kế hoạch năm, tăng 15,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 14,28%, vận tải hàng hóa đường biển tăng 12,48%; luân chuyển hơn 1.618 triệu tấn.km, đạt 74,20% kế hoạch năm, tăng 16,11% so với cùng năm 2021.

Điều đáng nói là, ngành Du lịch trong 9 tháng năm 2022 đã tập trung nguồn lực, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi, thu hút du khách đến Kiên Giang, đặc biệt là lượng khách quốc tế đến Phú Quốc trong quý III khá cao so với quý II và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, kích cầu và phục hồi du lịch trở lại, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ du lịch thực hiện ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thu hút, hấp dẫn lượng khách du lịch đến với Kiên Giang. Công tác kêu gọi đầu tư của tỉnh được quan tâm, đã thu hút khá nhiều dự án phát triển du lịch, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động. Mặc khác, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các hoạt động khuyến mãi, đảm bảo dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nên 9 tháng năm 2022 lượng khách du lịch trên địa bàn tăng trưởng rất cao.

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Chín ước đạt 505,32 ngàn lượt khách, bằng 55,05% so với tháng trước và tăng hơn gấp 152 lần so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 6,11 triệu lượt khách, đạt 109,15% kế hoạch năm và tăng 162,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 2,86 triệu lượt khách, đạt 124,67% kế hoạch, tăng 151,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đón 126,15 ngàn lượt khách, đạt 63,08% kế hoạch năm; khách trong nước tăng 140,29% so với cùng kỳ năm 2021.

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đã có những đóng góp to lớn, cùng với các ngành kinh tế khác tạo động lực để kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang tiếp tục đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm và giành được thắng lợi lớn trong năm 2022; đồng thời tạo nền tảng tăng trưởng cho Tỉnh trong năm 2023 sắp tới./.

Thu Hiền (Tổng hợp từ nguồn số liệu của Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top