Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 - những điểm nhấn cơ bản

20/05/2019 - 10:22 AM
Năm 2018 là một năm thành công của đất nước. Các số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019 NHỮNG ĐIỂM NHẤN CƠ BẢN

Ảnh minh họa, nguồn Internet

PV: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 6,6%-6,8%. Đây có thể nói là mục tiêu khá cao, vậy theo Ông đâu là những yếu tố quan trọng tạo động lực tăng trưởng trong năm 2019?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Trên cơ sở những kết quả quan trọng đạt được trong năm 2018, kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 có khá nhiều thuận lợi. Theo tôi, những yếu tố quan trọng tạo động lực tăng trưởng cho đất nước trongnăm 2019, đólà: Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tư nhân và vốn FDI cho phát triển, nền kinh tế bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới, hoạt động thương mại quốc tế mở rộng và cuối cùng là động lực từ các ngành, lĩnh vực then chốt.

Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hàng loạt các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục: Năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp, năm 2018 có hơn 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Trong năm 2019, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục các nỗ lực nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cải  cách thủ tục hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh, tạo lập các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: Luật Quy hoạch sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 sẽ bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ; Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/2018 của Bộ Công Thương ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh giai đoạn 2019-2020, trong đó đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 trên tổng số 561 điều kiện, hay như Quyết định số 2141/QĐ-BTC ngày 20/11/2018 của Bộ Tài chính cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính…

Cơ cấu kinh tế đang tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành. Cụ thể: Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ kết quả: Tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm có hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng qua các năm, giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên. Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh, trong đó hình thành một số sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm...

Đáng chú ý là, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn. Tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức 33,6% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động tiếp tục cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm, bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 5,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,3%/năm trong giai đoạn 2011-2015.

Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài  nước đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước giữ vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế với tỷ lệ đầu tư tiếp tục gia tăng: Năm 2018 chiếm 42,5% tổng vốn đầu tư toànhội; dự kiến năm 2019 chiếm 43,7%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, với thể chế chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, tỷ giá đồng tiền ổn định cùng nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu hấp dẫn, Việt Nam đang điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019, dự kiến khu vực FDI vẫn tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nền kinh tế bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới, dự kiến năm 2019, bên cạnh hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở chung cư tăng thêm, nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh như: Tổ hợp Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng, dự án đầu tư công trình Nhà máy điện sông Hậu tại tỉnh Hậu Giang, một số công trình thủy điện nhỏ với tổng công suất trên 640MW, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, công trình đường cao tốc La Sơn - Tây Loan tại Thừa Thiên - Huế, dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông, lâm nghiệp và chăn nuôi tại tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019 như: Nhà máy chế biến nông sản VSIP Hải Dương; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghệ cao Nutrico Hà Tĩnh; Nhà máy dừa tươi Kim Thành... và hàng loạt công trình, dự án khác sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2019.

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm nước ta hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết FTA với mức độ cắt giảm sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai thực hiện các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nước ta với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Động lực từ các ngành, lĩnh vực then chốt cũng giữ vai trò đáng kể, công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2019 tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng với sự hỗ trợ tích cực của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu như Samsung, LG, Fomosa, Toyota… Khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển và mở rộng với hàng vạn doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019.

Du lịch phát triển mạnh, tác động lan tỏa tới nhiều ngành dịch vụ thị trường. Việt Nam đang nằm trong top 10 điểm phát triển du lịch nhanh nhất thế giới với số lượng khách quốc tế năm 2018 đạt trên 15 triệu lượt người, tăng 20% so với năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Ngành vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải có mức phát triển khá, trong đó vận tải hàng không tăng trưởng tốt, thị trường tiếp tục sôi động khi có thêm một số hãng hàng không mới hoạt động. Ngành thông tin và truyền thông dự báo thu hút nhiều nhân lực trình độ cao; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, tạo nền tảng hạ tầng cho các doanh nghiệp viễn thông nâng cao chất lượng dịch vụ. Dịch vụ kinh doanh bất động sản cũng dự kiến phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố do nhu cầu về nhà ở trung bình và thấp còn lớn.

Ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong năm 2019, Luật Thủy sản, Luật trồng trọt và chăn nuôi cùng các văn bản pháp luật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ là điều kiện tốt khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, với quy mô của thị trường trong nước trên 95 triệu người, cùng với thị trường lao động ổn định, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên năm 2019 ước đạt 55,9 triệu người đangđộng lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo.
 
PV: Những yếu tố kể trên là những điều kiện rất thuận lợi để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đó, theo Ông cần tập trung thực hiện các giải pháp nào?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ  sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, đồng thời rà soát các thủ tục liên quan  tới giải thể, phá sản doanh nghiệp bảo đảm nhanhhiệu quả. Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.

Hai là, tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản.

Ba là, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bốn là, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Năm là,  ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Sáu là, để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại  phía  sau  trong  cuộc  cách  mạng  công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương  thức  thu  hút  đầu  tư  nước  ngoài,  tập  trung  thu  hút  các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Bảy là, nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy, Chính phủ phải đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện ba khâu then chốt của nền kinh tế: Đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Tám là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ.

PV: Ông có thể dự đoán nhanh kinh tế Việt Nam trong năm 2019?

TS. Nguyễn Bích Lâm: Với những kết quả tươi sáng đạt được trong năm 2018, cùng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực dốc lòng của doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tràn đầy khởi sắc với những niềm hy vọng, những niềm hứng khởi và những thành tựu mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông!


 
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019 NHỮNG ĐIỂM NHẤN CƠ BẢN 1

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top