Động lực và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021

03/02/2021 - 09:29 AM
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,91% (trong đó tăng trưởng bốn quý lần lượt là 3,68%; 0,39%; 2,69%; 4,48%). Bức tranh tăng trưởng kinh tế quý IV đã nổi nên nhiều gam màu sáng giúp cho toàn bộ bức tranh kinh tế năm 2020 được đánh giá là khá thuyết phục trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ những tháng đầu năm 2020 tới nay. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 thấp nhất trong mười năm qua, song lại thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp và toàn thể người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
 
Trong mức tăng trưởng năm 2020 của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất 3,98%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 2,68%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm tăng trưởng; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 1,02 điểm phần trăm tăng trưởng.
 
Động lực và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021
                                                                                                                                         Nguồn: Internet

 
Có điểm đáng chú ý là, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn do đại dịch Covid - 19 hiện nay, kinh tế Việt Nam năm 2020 tuy không bị suy giảm mạnh như các nước nhưng cũng khiến mục tiêu tăng trưởng toàn giai đoạn 2016-2020 không thể hoàn thành. Bước sang năm 2021, trước diễn biến chưa sáng sủa của dịch bệnh, kinh tế Việt Nam dự báo cũng sẽ chưa thể đạt bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng. Nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với một số rủi ro tiềm ẩn bao gồm: (i) Các đợt bùng phát dịch Covid-19 tái diễn ở nhiều nơi; (ii) Các điều kiện tài chính thắt chặt; (iii) Bất ổn xã hội gia tăng; (iv) Căng thẳng địa chính trị; (v) Sự không chắc chắn về chính sách thương mại và những mâu thuẫn về công nghệ; (vi) Thiên tai do biến đổi khí hậu.
 
Ngày 11/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó nêu rõ Tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6% và tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%. Trong điều kiện bình thường, mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% hoàn toàn khả thi nhưng trong điều kiện hiện tại, đây sẽ là thách thức không nhỏ cho toàn Đảng, Chính phủ và toàn dân, bởi năm 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế - xã hội mới 2021-2025; và thông thường sẽ được nhìn nhận là năm có tính khuyến khích, thúc đẩy, làm động lực cho các năm kế hoạch tiếp sau.
 
Động lực tăng trưởng năm 2021 tiếp tục sẽ là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn đang được đầu tư, triển khai, nhiều doanh nghiệp tập trung ở các ngành: Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt may; Da giầy; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; Giấy và sản phẩm từ giấy; Sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn. Ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021. Ngành sản xuất điện, dự kiến tăng công suất phát điện thêm trên 6200 MW với việc hoàn thành nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
 
Dự báo các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ phi thị trường như y tế, giáo dục, quản lý nhà nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá trong năm 2021. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid 19 như: Dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải, du lịch… sẽ được phục hồi trong năm 2021.
 
Ngoài các ngành, lĩnh vực nêu trên, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) được xem là yếu tố, động lực tiềm năng mang đến sự phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ, các cấp, các ngành đang giành nhiều tâm huyết và nỗ lực để cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.
 
Năng suất các nhân tố tổng hợp chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế sẽ đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng dài hạn và tránh được những biến động kinh tế từ bên ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế được cải thiện trong những năm gần đây: Bình quân giai đoạn 2016-2020 là 45,72%, cao hơn nhiều so với mức 32,84% giai đoạn 2011-2015.
 
Nhiều dự báo khả năng kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng tốt trong năm 2021. Tuy nhiên, trước rất nhiều khó khăn và thách thức cần có các biện pháp cấp bách mạnh mẽ gắn với các giải pháp vĩ mô, xuyên suốt và quyết liệt trong điều hành nhằm đạt được những chỉ tiêu, kế hoạch mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra:
 
Dựa vào đầu tư công để hỗ trợ và kích thích nền kinh tế
 
Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư của toàn nền kinh tế sẽ giảm trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Để có thể kích thích tiêu dùng, vực dậy sản xuất, cần tập trung vào đầu tư công, phát triển một số ngành mũi nhọn, từ đó tạo tác động lan tỏa đến các ngành liên quan, giúp nền sản xuất trong nước phát triển. Vốn đầu tư công sẽ là động lực lớn, góp phần thúc đẩy, thu hút và lan tỏa đầu tư, tạo động lực, nền tảng cho phát triển và dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong thời gian tới.
 
Vì vậy, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt để đẩy mạnh thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt là thực hiện theo Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2020 với những quy định mới, nhiều thủ tục sẽ được đơn giản hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.
 
Khai thác và thực hiện hiệu quả hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (Hiệp định EVFTA) được kỳ vọng đem đến nhiều cơ hội thuận lợi, là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, có khả năng tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung. Ngoài ra, thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ khẳng định được vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của mình trong khu vực, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho giá trị gia tăng cao ở thị trường EU (như gạo, thủy sản…) có thể tận dụng ngay được các cam kết xóa bỏ thuế quan từ Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), từ đó đẩy mạnh giá trị xuất khẩu các mặt hàng này vào khu vực EU.
 
Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định EVFTA; tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, liên kết tạo thành chuỗi sản xuất, kinh doanh để hội tụ đủ nguồn lực đối mặt với áp lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần hết sức lưu ý những cam kết về phát triển bền vững như các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường do đây là những nội dung mà phía EU đặc biệt quan tâm.
 
(3) Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Việt Nam đã có chủ trương chuyển dần sang chuyển đổi số trong những năm sắp tới. Đây là xu hướng tất yếu và phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Với việc dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học; Robot thế hệ mới... cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) sẽ là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.
 
Do đó, cần thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
(4). Tăng cường tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, cần chủ động các nguồn nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu để nâng tỷ lệ giá trị giá tăng của hàng xuất khẩu.
 
(5). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh theo tính chất kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hài hòa, ổn định của các thành phần kinh tế./.
 
ThS. Dương Mạnh Hùng
Vụ trưởng Vụ Thống kê Tài khoản quốc gia - TCTK
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top