Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng: Góp phần thay đổi phương thức sản xuất và giảm nghèo bền vững

19/05/2020 - 02:42 PM
Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng được thành lập dựa trên Quyết định số 1638/QĐ-TTg, ngày 17/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ với tổng nguồn vốn đầu tư cho Dự án là 36,27 triệu USD, trong đó vốn ODA là 21,25 triệu USD. Dự án được khởi động từ tháng 2/2017 và kéo dài trong 6 năm. Mục tiêu tổng quát của dự án là góp phần giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận thị trường cho các nông hộ nghèo của tỉnh.

Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng được triển khai trên địa bàn 35 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Cao Bằng. Dự án gồm 4 hợp phần chính, đó là: Hỗ trợ quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng thị trường; Hỗ trợ xây dựng ngành “nông nghiệp xanh”; Hỗ trợ các trang trại, nông hộ có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính và thị trường; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều phối dự án.
 
Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng: Góp phần thay đổi phương thức sản xuất và giảm nghèo bền vững

Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trưởng ban chỉ đạo Dự án CSSP Cao Bằng
làm việc với đoàn giám sát của tổ chức IFAD
 
Trong thời gian đầu, khi Dự án CSSP Cao Bằng chưa nhận được vốn ODA từ ngân sách Trung ương nhưng nhờ sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, UBND tỉnh Cao Bằng đã ứng vốn từ nguồn ngân sách địa phương được hơn 27 tỷ để thực hiện các chương trình hỗ trợ. Nhờ vậy, các hoạt động của Dự án CSSP được triển khai kịp thời và ổn định. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 18,2 nghìn lượt người là cán bộ, doanh nghiệp/hợp tác xã đã được tiếp cận với các hoạt động của Dự án, trong đó có 9,5 nghìn lượt người ở tại thôn, xóm, lĩnh vực được đào tạo, tập huấn, dự hội thảo, hội nghị, tham quan học tập có 8,6 nghìn lượt người tham gia.

Một trong những thành công của Dự án CSSP Cao Bằng thời gian qua, chính là việc xây dựng và phát triển các nhóm cùng sở thích(CIG). Việc xây dựng nhóm CIG được tổ chức IFAG (đơn vị đang tài trợ ODA cho Dự án) đặc biệt quan tâm, với lý do muốn người dân thoát nghèo thì phải thay đổi phương thức sản xuất của họ từ manh mún, nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất theo nhóm. Thực tế giai đoạn từ 2008-2015, Cao Bằng đã thành lập được 500 nhóm CIG nhưng đại đa số đã ngừng hoạt động. Rút kinh nghiệm từ mô hình CIG trước và để phù hợp thực tiễn tại địa phương, Dự án CSSP Cao Bằng đã thay đổi cách xây dựng nhóm CIG. Nếu trước đây nhóm CIG phải cùng phát triển 1 sản phẩm thì với cách tiếp cận mới nhóm CIG phải là người sinh sống trong cùng 1 xóm, họ có sự đoàn kết và am hiểu địa bàn. Hoạt động trong nhóm được đa dạng để phù hợp với từng thành viên, từng thị trường theo sự thay đổi khí hậu, CIG chấp nhận việc sản xuất khác nhau nhưng các thành viên trong nhóm vẫn đổi công cho nhau hoặc cùng mua chung (phân bón, vật tư...), trao đổi kinh nghiệm và huy động tiết kiệm hình thành nên Quỹ cho vay xoay vòng trong nội bộ nhóm.

Phương thức hỗ trợ nhóm CIG cũng được điều chỉnh theo hướng khuyến khích các nhóm hoạt động hiệu quả như hỗ trợ tiền theo từng giai đoạn và tăng dần căn cứ chất lượng hoạt động hoặc có thể hỗ trợ bằng hiện vật... Với cách làm mới, người dân được trao quyền chủ động trong sản xuất, cộng đồng (cả nhóm) sẽ quyết định cho ai được vay vốn và cùng nhau giám sát, mọi người biểu quyết bằng hình thức “hạt ngô, hạt lạc” tránh việc nể nang, “dĩ hòa vi quý”. Cảm nhận được sự công bằng, hiệu quả, mọi người huy động thêm tiền để nâng tổng vốn của Quỹ xoay vòng trong nhóm mình.

Tính đến tháng 11/2019, Ban cũng thành lập và củng cố duy trì hoạt động được 285 nhóm cùng sở thích (CIG) với sự tham gia của gần 4 nghìn thành viên, trong đó có 70,4% thành viên là hộ nghèo/cận nghèo. Tổng Quỹ xoay vòng của 285 nhóm CIG là 3,3 tỷ đồng, trong đó, Dự án tài trợ chỉ là 1,62 tỷ đồng (bằng 48,89%). Có lẽ ít có chương trình nào mà tiền hỗ trợ lại nhỏ hơn số tiến người dân đóng góp.

Thông qua việc phát triển nhóm CIG, sản xuất nông nghiệp tại khu vực dự án triển khai có nhiều thay đổi rõ rệt. Người dân đã có ý thức được thế mạnh đất đai, nguồn nước của địa phương trong sản xuất nông sản sạch, từ đó, cán bộ của các huyện, của Sở Nông nghiệp cùng phối hợp để tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Hiện đã có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã đã có liên kết với các nhóm CIG vùng dự án để đầu tư hình thành chuỗi sản xuất hữu cơ, mang lại thu nhập khá cho người dân. Tiêu biểu như mô hình trồng gừng hữu cơ tại huyện Hà Quảng; trồng nghệ hữu cơ tại hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình; trồng rau an toàn tại hai huyện Thạch An và Hòa An.../.

 
Đình Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top