Du lịch Việt Nam: Sẵn sàng tăng tốc

12/09/2022 - 02:41 PM
 
Từng bị “đóng băng” trong đại dịch, sau khi mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam nhanh chóng gặt hái kết quả khả quan, sẵn sàng thế và lực cho giai đoạn mới tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2021, mức độ cải thiện chỉ số năng lực phát triển ngành du lịch Việt Nam thuộc top 3 tốt nhất thế giới.
 
Những tín hiệu tích cực

Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể, mức đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng dần qua các năm, cụ thể: 6,3% (năm 2015); 6,9% (năm 2016); 7,9% (năm 2017); 8,3% (năm 2018) và 9,2% (năm 2019). Kết quả này đã khẳng định du lịch đang từng bước trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam gặp khó khăn chồng chất, rơi vào tình trạng “đóng băng”.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế. Sau thời điểm chính thức mở cửa hậu Covid-19 vào tháng 3/2022, ngành“kinh tế xanh” ghi nhận kết quả tích cực, bước đầu phục hồi và phát triển ấn tượng.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 954 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng.

Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam, có 9 thị trường từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, còn lại là thị trường Mỹ. Hàn Quốc là thị trường có lượng khách tới Việt Nam lớn nhất với 196,2 nghìn lượt; Mỹ đứng thứ 2 với 102,9 nghìn lượt, kế đến là Campuchia 60,4 nghìn lượt; Trung Quốc 53,0 nghìn lượt, Singapo 50,5 nghìn lượt...
Ngoài ra, các thị trường từ châu Âu dù số lượng khách chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng cũng khả quan và sẽ dần tăng cao trong thời gian tới, như Anh với 26,4 nghìn lượt, tăng 2958,6% so với cùng kỳ, Pháp với 23,4 nghìn lượt, tăng 2963,7%, Đức 23,6 nghìn lượt, tăng 3897,1%.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Google Destination Insights, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm). Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022.

So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng gấp 12 lần. 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức, Thái Lan.

Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành điểm đến được các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ, tour du lịch hạng sang thế giới ưu tiên lựa chọn, như TCS World Travel. Hai trong chín hành trình mới khởi hành trong năm 2023 mà công ty này vừa ra mắt có điểm dừng chân tại Việt Nam và đều là một trong những tour thuộc top đắt giá nhất. Điều đó cho thấy không chỉ sức hấp dẫn mà còn là chất lượng dịch vụ của điểm đến Việt Nam.
Tạp chí du lịch uy tín Travel+Leisure (Mỹ) đã bình chọn Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM có mặt trong danh sách 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á; hai đảo Phú Quốc và Côn Đảo của Việt Nam cũng góp mặt ở hạng mục 10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Thị trường du lịch nội địa Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ cả về số lượng và doanh thu. TP.HCM là điểm đến được khách nội địa tìm kiếm nhiều nhất, thứ 2 là Phú Quốc - tâm điểm của du lịch hè năm nay. Tiếp theo là các điểm đến như: Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Huế và Phan Thiết.

Không chỉ du lịch trong nước khởi sắc, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt cũng đang gia tăng. Lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người Việt trong tháng 7/2022 vẫn tăng cao ở mức 780% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao khi hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu đang có xu hướng phục hồi.

Các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á vẫn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của du khách Việt Nam như: Singapore, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines. Điều này cho thấy, các điểm đến gần đang là xu hướng ưu tiên của du khách Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch. Trong top 10 thị trường mục tiêu còn có Australia, Mỹ, Pháp, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.

Theo Tổng cục Du lịch, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang ấm lên theo đà hồi phục của du lịch Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy phép so với năm 2021, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế), cấp đổi 65 giấy phép; 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa đã được các địa phương cấp phép…

Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng…

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại tăng nhanh. Trong nửa đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch gia tăng ấn tượng, trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%. Với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng ấn tượng, hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, giúp "hồi sinh" những vùng đất đang khô cằn, héo úa vì dịch bệnh trong hơn hai năm qua.

Tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi

Có thể nói, sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid-19, du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều thành tựu ấn tượng. Các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng liên tục tạo ra các chương trình mới, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch như du lịch xanh, du lịch cộng đồng, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe. Sự phục hồi của du lịch đã mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lượt lao động cả trực tiếp và gián tiếp.

Trong những tháng cuối năm, để hỗ trợ đà phục hồi của toàn Ngành, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục cùng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp các doanh nghiệp, hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng… nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.

Cụ thể, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA (JATA Tourism Expo) tại Nhật Bản vào tháng 9/2022. Đây là hội chợ du lịch quốc tế hàng đầu trong khu vực, tập trung thu hút khách Nhật Bản, một trong những thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam. Tiếp đó là Hội chợ Du lịch thế giới WTM (World Travel Market) tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2022. Đây cũng là hội chợ du lịch quốc tế lớn hàng đầu thế giới, tập trung các đối tác lớn từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó là các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Bắc Mỹ, Australia...), đón các đoàn FAM/Press từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam.

Ở trong nước, du lịch Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC (International Travel Expo) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2022. Đây là 1 trong 2 hội chợ du lịch quốc tế thường niên lớn nhất của Việt Nam. Sau đó là chương trình xúc tiến du lịch Tiểu vùng sông MeKong mở rộng trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch MeKong (MTF) diễn ra tại Hội An, Quảng Nam vào tháng 10/2022. Đây được coi là sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng...
Phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 là xu thế tất yếu, cũng là mục tiêu chung của nhiều nước trong khu vực. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13-14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%; tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm; đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm…

Nhằm hiện thực hóa chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách, sẵn sàng tạo thế và lực cho giai đoạn bứt tốc./.

 
Thu Hường
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top