Du lịch xanh - "Chìa khóa" phát triển bền vững

03/09/2019 - 08:50 AM
Tiềm năng và cơ hội phát triển

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những năm gần đây,  du lịch xanh đã  trở thành xu hướng của ngành công nghiệp không khói ở nhiều nước trên thế giới, bởi có vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo một khảo sát gần đây của Trip  Advisor - một trang web về du lịch nổi tiếng thế giới cho thấy, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Ðiều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, còn giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch. Với xu hướng trên cho thấy, ngành công nghiệp không khói Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được khi sở hữu lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên hiếm có để phát triển du lịch xanh. Đặc biệt, với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệpcộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2017, Việt Nam được UNWTO xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, đồng thời cũng được bình chọnđiểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến mới nổi ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng nhanh, du khách quốc tế tăng trung bình 18%/ năm trong giai đoạn 2014-2018.

 
Du lịch xanh-
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Năm 2018 là năm thứ hai triển khai hiện thực hóa những chính sách mạnh mẽ của Nghị quyết TW8, xác định Du lịch là nền kinh tế mũi nhọn. Năm 2018 cũng là năm Luật Du lịch 2017 bắt đầu có hiệu lực. Với một hành lang thông thoáng, Luật Du lịch đã mở ra cơ hội thuận lợi và có nhiều bứt phá đối với ngành Du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, ngành Du lịch đã đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng tăng 21,4% so với năm 2017. Dự báo, trong các năm tiếp theo, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc và hứa hẹn sẽ bứt phá, gặt hái nhiều thành tựu.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đặt mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Để làm được điều này cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, nhà quản lý.

Trong thời gian gần đây, du khách đến Việt Nam thích chọn các tour, khu nghỉ, dịch vụ, hàng hóa có nhãn sinh thái. Đó là xu hướng của các đoàn,nhân tới từ những nướctrình độ văn hóa, chi trả cao như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật... Họ có ý thức về an toàn và sức khỏe, muốn quay về với thiên nhiên. Nắm bắt được nhu cầu này, một số địa phương, các công ty lữ hành và khách sạn đã chú trọng nhiều hơn trong việc phát triển du lịch xanh như: Du lịch cộng đồng tại một số tỉnh Tây Bắc; du lịch nhà vườn tại Thừa Thiên - Huế; du lịch biển, đảo tại Nha Trang;hình miệt vườn tại một số tỉnh Nam Bộ... Bên cạnh đó, nhiều công ty lữ hành cũng xây dựng các tour 
du lịch xanh, khách sạn đạt chứng chỉ xanh.
 
Một số doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới, văn minh hợp với xu thế theo hướng du lịch xanh, với việc xây dựng sản phẩm lưu trú xanh, thông qua điểm mạnh thiết kế và quy hoạch, vừa bảo tồn và chú trọng giữ lại giá trị thiên nhiên.

Bên cạnh đó, một số công ty lữ hành cũng luôn chú trọng, gắn kết các chủ đề “du lịch xanh”, lồng ghép các thông điệp phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và khách du lịch góp phần bảo vệ môi trường du lịch phát triển bền vững, gìn giữ tài nguyên cho tương lai. Ngoài ra, nắm bắt được xu hướng khách du lịch thích các tour về du lịch sinh thái, hòa mình cùng thiên nhiên cuộc sống dân dã của người dân địa phương, loại hình du lịch homestay của người dân tộc thiểu số Tây Bắc đã và đang rất phát triển không những giúp tăng thu nhập còn tạo thêm nhiều việc làm cho ngươi dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.
 
Thách thức và giải pháp
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định: Phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để Việt Nam phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, từ thực tế khai thác hoạt động du lịch thời gian qua, cho thấy hướng đi này vẫn còn nhiều thách thức.

Trước hết, đó là hạn chế trong nhận thức về phát triển du lịch xanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư, phát triển du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để; Nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển, đảo; Sự xung đột về lợi ích kinh tế, tầm nhìn ngắn hạn và sự hạn chế về công nghệ cũng dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam…

Theo các chuyên gia, rào cản đối với du lịch xanh là sự thiếu hụt cơ chế, chính sách và những hướng dẫn cụ thể về phát triển loại hình này. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 nhưng các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể chưa được ban hành, dẫn đến phát triển du lịch ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, không tuân thủ các yêu cầu, nguyên tắc phát triển xanh và bền vững. Thêm nữa, việc đòi hỏi phải chi cho đầu tư ban đầu khá lớn để phát triển những giải pháp xanh cũng là khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương còn băn khoăn, ngần ngại...

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, giải pháp cơ bản là cần nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch: Từ nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng làm du lịch và du khách. Ðồng thời, để tạo môi trường thuận lợi cho du lịch xanh phát triển, cần có những hành động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, trong thẩm định thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ở các cấp trên phạm vi cả nước. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, chế biến rác thải, xử lý nước thải...; khuyến khích các chương trình bảo tồn, lưu truyền văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch; xây dựngban hành bộ tiêu chí về du lịch xanh để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Ðây cũng là căn cứ để công nhận những sản phẩm du lịch xanh như: Tour du lịch xanh, khách sạn xanh, nhà hàng xanh...

Thời gian qua, một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động áp dụng những biện pháp để chuyển đổi theo hướng phát triển xanh với các mô hình tiết kiệm điện, nước tại cơ sở lưu trú; đăng chứng nhận nhãn Bông sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo 
núi; xây dựng tour du lịch đặc biệt về làm sạch môi trường như thám hiểm hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tour vớt rác tại Hội An (Quảng Nam)...
 
Lấy chủ đề “Du lịch xanh”, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 vừa được tổ chức cũng muốn thúc đẩy và khẳng định vai trò đi đầu của doanh nghiệp. Nhiều công ty đã thể hiện quyết tâm đối với mục tiêu tăng trưởng xanh ngay từ việc thiết kế gian hàng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, cùng với đó là các chùm tour khuyến khích du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và tinh thần chủ động của một số doanh nghiệp du lịch cũng như sự quan tâm, đánh giá cao của Nhà nước về tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh là những tiền đề hứa hẹn ngành công nghiệp không khói của Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng xanh, bền vững theo định hướng của Liên hợp quốc trong thời gian tới./.


Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), “Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên, tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống con người phụ thuộc vào đó cho thế hệ hiện thời cũng như thế hệ mai sau”.

Hiện nay, Tăng trưởng Xanh được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là trọng tâm chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là mục tiêu phát triển cho nhiều lĩnh vực khác nhau, tương ứng với các loại hình như kinh tế xanh, năng lượng xanh, du lịch xanh, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh…
 

Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top