FTA thế hệ mới trợ lực để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch

08/02/2022 - 02:40 PM
Với việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do trong những năm qua, đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, 2 hiệp định đang đàm phán. Trong số 15 hiệp định đã ký kết có một số FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao gồm cả những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTA “truyền thống” cùng những cam kết có mức độ sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% theo lộ trình), có cơ chế thực thi chặt chẽ và mở rộng sang những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư… Đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới đã và đang khơi thông dòng chảy thương mại cũng như vốn đầu tư giữa Việt Nam và các thị trường đối tác.

Hiệp định EVFTA là một trong những FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Sau gần chục năm đàm phán, Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Đúng như kỳ vọng là “tuyến đường cao tốc” hai chiều cho hoạt động xuất nhập khẩu, EVFTA đã mang lại những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại giữa hai bên sau năm đầu có hiệu lực.
 
FTA thế hệ mới trợ lực để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch
Ảnh minh họa

Nhìn lại 7 tháng đầu năm 2020 (thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực), do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực EU có sự tụt dốc đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đến 7 tháng đầu năm 2021, tức là tròn một năm EVFTA có hiệu lực thực thi, dù dịch bệnh vẫn có những tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu nước ta, song nhờ lực của đẩy hiệp định, kim ngạch xuất khẩu sang khối này có xu hướng tăng liên tục, đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu sang EU tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực, thể hiện kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu vào khối này tương đối đa dạng, nhưng chủ yếu là máy tính và điện thoại, linh kiện điện thoại. Trong khối EU, Đức và Hà Lan là hai nước bạn hàng nhập khẩu lớn nhất. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu thì những mức tăng trên là tín hiệu đáng mừng và được đánh giá là sẽ còn có triển vọng tốt hơn trong những năm tiếp theo.

Điều đáng nói là, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam đạt được mức cao nhất so năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8%. Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tỷ lệ này gấp hai lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp bảy lần AIFTA, gấp hai lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu. Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng có sự gia tăng. Trong 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 8,3 tỷ USD. Sang năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU trong 7 tháng đầu năm đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6%. Trong 10 tháng năm nay, thị trường EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, dược phẩm. 3 đối tác mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là Đức, Italia, Pháp.

Tính chung, sau hơn 1 năm hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước EU 7 tháng năm nay đạt 32,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2020 đạt 27,8 triệu USD); trong 10 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 45,5 triệu USD, tăng 11,8% (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2020 là 40,7 triệu USD).

EVFTA còn là chất xúc tác để Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR và xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU (theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat).

Cùng với EVFTA, CPTPP cũng là một FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam. Hiệp định được ký kết ngày 08/3/2018 và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào khối này giảm 6% so năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19 đến các quốc gia khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm. Tuy nhiên sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang khối này tăng gần 20%. Kết quả này là do các quốc gia đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng khi các ưu đãi thuế nhập khẩu được áp dụng. Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu vào khối này tăng gần 23,10% so với cùng kỳ (trong khi 8 tháng đầu năm ngoái giảm 2,7% so với cùng kỳ).

Đối với khối RCEP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Đến ngày 02 tháng 11 năm 2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-lân nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Dù đến nay, Hiệp định này chưa có hiệu lực song tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào khối này chiếm khoảng gần 40%, mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy móc thiết bị phụ tùng và mặt hàng dệt may. Sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, tỷ trọng xuất khẩu vào khối này được kỳ vọng sẽ tăng lên nhanh chóng, bởi sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các nước trong khối này chiếm trên 70% mặt hàng nhập khẩu, nhiều nhất là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy móc thiết bị phụ tùng và nguyên phụ liệu như vải, chất dẻo, kim loại chủ yếu phục vụ cho sản xuất của Việt Nam với đối tác lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do nhập khẩu cao nên riêng khối này thâm hụt thương mại 8 tháng đầu năm 2021 lên đến 72 tỷ USD.

Về đầu tư, khi ký kết các FTA thế hệ mới, với những cam kết về quản trị minh bạch từ các hiệp định tự do thế hệ mới và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, thì việc sửa đổi pháp luật không chỉ đặt ra với Việt Nam mà cả các nước thành viên tham gia ký kết các FTA. Điều này đã tạo ra khuôn khổ pháp luật thương mại minh bạch, cạnh tranh, thủ tục thuận lợi.... tạo hiệu ứng sâu rộng, lâu dài để các nền kinh tế vận hành hiệu quả, bền vững; thực thi nghiêm túc những cam kết đầu tư trong các FTA. Từ đó đem đến cho Việt Nam những lợi thế to lớn trở thành một điểm đến thu hút luồng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển xuống khu vực Đông Nam Á, tạo nền tảng để nền kinh tế phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.
FTA thế hệ mới trợ lực để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 15,8 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù năm 2021 Việt Nam vừa phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4 nguy hiểm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2021, ước tính đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, song vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/10/2021 vẫn đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 13,02 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh là 7,09 tỷ USD, tăng 24,2%. Trong số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, thì các đối tác trong các khối trên đều là những quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...

Với việc một số hãng công nghệ khổng lồ và các tập đoàn đa quốc gia như: LG Electronics, Panasonic, Foxconn, Apple... chuyển dây chuyền sản xuất, mở rộng đầu tư vào nước ta, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ các đối tác cũng như tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Cùng với nỗ lực thực hiện những cam kết trong các FTA thế hệ mới, Việt Nam đã xây dựng một Chính phủ kiến tạo, không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý, cũng như có những cơ chế, chính sách tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhờ đó, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng đáng kể trong những năm qua và xếp thứ hạng 70/100 năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài từ các đối tác thương mại trong các khối EU, CPTPP và RCEP.

Có thể nói, dưới áp lực của dịch bệnh, Việt Nam đã và đang trong giai đoạn đầy khó khăn, thách thức như chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, một lượng doanh nghiệp phải ngừng sản xuất do thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp trong nước thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào và lao động sản xuất, đơn hàng chậm tiến độ giao hàng do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh tại cảng xuất ách tắc, chi phí logistics tăng phi mã… Trong tình hình này, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì các FTA đang là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh, tạo ra làn sóng và động lực tăng trưởng mới cũng như tạo những liên kết kinh tế quốc tế mới để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới chính mình để đón đầu những cơ hội mới mà các FTA thế hệ mới mang lại khi nền kinh tế chuyển trạng thái hậu Covid-19./.

ThS. Mai Thị Châu Lan

Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top