Già hóa dân số và thách thức đối với Việt Nam

10/08/2020 - 09:01 AM
Việt Nam đang tiến ngày càng sâu hơn vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ già hóa dân số đang có xu hướng tăng mạnh hơn, phản ánh qua kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê.
  
Tốc độ già hóa có xu hướng tăng mạnh

Già hóa dân số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già, được thể hiện qua chỉ số già hóa, là tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tại Việt Nam, do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm và tỷ trọng của dân số từ 60 tuổi trở lên tăng đã làm cho chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Các chuyên gia đánh giá, chỉ số này còn có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới.

Bảng 1: Chỉ số già hóa theo vùng kinh tế - xã hội

                                                                                                                 Đơn vị: %

                                              Tổng số        Thành thị   Nông thôn
TOÀN QUỐC 48,8 50,8 47,9
Trung du và miền núi phía Bắc 36,3 49,1 33,7

                                               Tổng số      Thành thị Nông thôn
Đồng bằng sông Hồng 57,4 56,4 58,0
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung  
52,2
 
50,8
 
52,7
Tây Nguyên 28,1 36,1 25,4
Đông Nam Bộ 42,8 45,3 39,2
Đồng bằng sông Cửu Long 58,5 60,3 57,9
 
 
 
 
                                                                                                                   Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
 
Cũng theo kết quả TĐT Dân số và nhà ở năm 2019, với quy mô dân số trên 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ qua, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%).
 
Các chuyên gia cho rằng, già hóa là kết quả của tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm cùng với tuổi thọ tăng. Thực tế là trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định, xu hướng sinh hai con là phổ biến. Ước lượng Tổng tỷ suất sinh (TFR) từ kết quả Tổng điều tra năm 2019 là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tỷ suất chết thô (CDR) của cả nước năm 2019 là 6,3 người chết/1000 dân, thấp hơn so với năm 2009 (6,8 người chết/1000 dân). Trong khi đó, năm 2019, tuổi thọ trung bình của cả nước là 73,6 tuổi, cao hơn nhiều tuổi thọ trung bình cách đây 30 năm (65,2 tuổi). Tương tự như các cuộc Tổng điều tra trước đây và kết quả Tổng điều tra các quốc gia khác trên thế giới, tuổi thọ trung bình của nam luôn thấp hơn của nữ, với độ tuổi của nam là 71,0 tuổi và nữ là 76,3 tuổi vào năm 2019.
 
Nhiều thách thức đặt ra
 
Già hóa được đánh giá là thành tựu của công tác chăm sóc sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua và cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới như sản phẩm và dịch vụ cho người già; các công việc mới cho người cao tuổi cũng sẽ xuất hiện, cung cấp việc làm và thu nhập cho tầng lớp này và giảm tải áp lực sinh kế cho lực lượng lao động nòng cốt. Tuy nhiên cũng có thể thấy, tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: Thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi,... từ đó đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam.
 
Trước hết, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%. Như vậy, dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động, cứ một người phụ thuộc được “gánh đỡ” bởi hai người trong độ tuổi lao động và đây là cơ hội tuyệt vời, mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước. Mặc dù vậy, tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh đang làm rút ngắn thời kỳ dân số vàng, đòi hỏi Việt Nam có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới... để có thể tận dụng được những cơ hội mà thời kỳ cơ cấu dân số vàng mang lại. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh nhưng cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong “bẫy thu nhập trung bình”.
 
Bảng 2: Tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi, 1999 - 2019
 
                                                                                                            Đơn vị: %
                                                   1999 2009 2019
Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi 33,1 24,5 24,3
Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi 61,1 69,1 68,0
Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên 5,8 6,4 7,7
                                                                                                          Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, già hóa dân số đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với Chính phủ trong việc đảm bảo các chính sách an sinh cho người già bởi quá trình già hóa; đồng thời tạo ra các nhu cầu như dinh dưỡng người già, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người già, nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của người già… Vấn đề an sinh cho người già càng cần được quan tâm hơn, khi theo đánh giá của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta (giai đoạn sống tích cực) lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi). Đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Gánh nặng bệnh tật kép ở người cao tuổi đòi hỏi Nhà nước, cộng đồng và gia đình phải đầu tư nguồn ngân sách đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức; Hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi cũng như chưa có hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn.

Điều đáng nói là Việt Nam vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng lại chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn; chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp, hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình, 33,2% là việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%). Bên cạnh đó, đa số người lao động của Việt Nam đang tham gia vào các công việc phi chính thức có thu nhập thấp, ít có sự bảo vệ (54% lao động phi chính thức); trình độ chuyên môn của lao động còn hạn chế (chỉ khoảng một phần tư người đang làm việc được đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên). Theo Luật Lao động của Việt Nam, dân số trong độ tuổi lao động là những người từ đủ 15 đến 60 tuổi đối với nam và từ đủ 15 đến 55 tuổi đối với nữ, thì tỷ lệ người trên độ tuổi lao động đang tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao, chiếm 8,2% dân số từ 15 tuổi trở lên và chiếm 42,2% dân số trên độ tuổi lao động. Như vậy, gần một nửa số người trên độ tuổi lao động vẫn đang tiếp tục làm việc để tạo thu nhập. Điều này đang thôi thúc Chính phủ, các Bộ ngành vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách thích ứng với già hóa dân số vừa cần tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực «vàng» cho phát triển kinh tế tạo bứt phá để vượt bẫy thu nhập trung bình, “khắc phục tình trạng chưa giàu đã già”. Trong đó, tập trung vào những chính sách đảm bảo thích ứng với già hóa dân số như đã nêu trong mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Cụ thể là, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động cho người cao tuổi nhưng vẫn đang tham gia hoạt động kinh tế giúp giải quyết các vấn đề về xã hội, nâng cao mức sống, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tăng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan để đảm bảo quy mô dân số hợp lý. Việc tuyên truyền về già hóa dân số cũng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già./.
 

 
Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top