Gia Lai đảm bảo tiến độ thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021

30/07/2021 - 02:06 PM
Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (viết gọn Tổng điều tra) ban hành kèm theo Quyết định số 1344/QĐ-TCTK ngày 03 /9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Gia Lai đã thành lập 01 BCĐ TĐT cấp tỉnh, 17 BCĐ TĐT cấp huyện và 201 BCĐ TĐT /220 xã (có 19 xã có dưới 50 cơ sở kinh tế không thành lập Ban chỉ đạo). Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế tỉnh Gia Lai đã tiến hành thực hiện các công việc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 theo đúng phương án hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương; ban hành nhiều văn bản về triển khai Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Đối với giai đoạn 1, các công tác rà soát danh sách nền, tuyển chọn điều tra viên và giám sát viên các cấp, tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền và điều tra thu thập thông tin tại địa bàn đều được thực hiện tốt. Việc thu thập thông tin đối với giai đoạn 1 là hình thức Webform, các điều tra viên (ĐTV) đến các đơn vị điều tra hướng dẫn kê khai thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng điều tra. Kết quả thực hiện Tổng điều tra giai đoạn 1, khối hành chính (Sở Nội Vụ phụ trách) là 714 đơn vị, đạt 100% so với danh sách rà soát; khối sự nghiệp 956 đơn vị/1051 đơn vị, giảm 95 đơn vị so với danh sách rà soát là do sắp xếp sát nhập; khối Hiệp hội: 116 đơn vị/128 đơn vị, giảm 12 đơn vị so với danh sách rà soát là do không thuộc đối tượng điều tra; khối doanh nghiệp, HTX: tổng số có 5578 đơn vị, trong đó có 3209 đơn vị đang hoạt động, 181 đơn vị tạm ngừng hoạt động, 591 đơn vị ngừng hoạt động, chờ giải thể, 192 đơn vị giải thể, phá sản; 1.224 đơn vị không có doanh thu, không có chi phí sản xuất; 181 đơn vị không tìm thấy.

Triển khai thực hiện TĐT kinh tế năm 2021 giai đoạn 2, điều tra khối cơ sở SXKD cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, theo kết quả công tác rà soát, cập nhật danh sách nền, tỉnh Gia Lai có 58.097 cơ sở SXKD cá thể và 267 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được rà soát, cập nhật lên Trang Web Tổng điều tra. Trong đó có 57.791 cơ sở thực hiện điều tra toàn bộ và 2.099 phiếu điều tra mẫu, loại trừ 306 cơ sở ngành xây dựng không thực hiện điều tra. Tiến độ hoàn thành đúng thời gian qui định, qui trình thực hiện công tác rà soát, cập nhật bảng kê đã được các Ban chỉ đạo cấp huyện tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn của cấp trên.

Toàn tỉnh có 366 điều tra viên tham gia điều tra thu thập thông tin cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Giám sát viên cấp tỉnh là 22 người, giám sát viên cấp huyện là 50 người. Tất cả các giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện của đợt 2 đều là lực lượng đã tham gia giám sát Tổng điều tra giai đoạn 1. Công tác tổ chức cũng được thực hiện tốt, thành viên BCĐ các cấp, các ĐTV, GSV nghiêm túc tham gia các buổi tập huấn do Trung ương và địa phương tổ chức, nắm bắt tốt nội dung tập huấn, nội dung thực hành cũng như đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Thực hiện phương án TĐT kinh tế năm 2021, tỉnh Gia Lai đã thực hiện công tác thu thập thông tin giai đoạn 2 từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/7/2021. Tính đến ngày 28/7/2021, toàn tỉnh Gia Lai đã hoàn thành công tác thu thập thông tin, cụ thể: Đối với cơ sở SXKD cá thể đã hoàn thành: 56.778 cơ sở /61.577 cơ sở đạt 92,21%. Đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã hoàn thành: 260 cơ sở /278 cơ sở đạt 93,5%. Số cơ sở SXKD cá thể không còn tại địa bàn/không còn SXKD là: 4.330 cơ sở chiếm 7,03%.
 
Gia Lai đảm bảo tiến độ thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Điều tra viên thực hiện thu thập thông tin tại một hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện TĐT

Quá trình thu thập thông tin TĐT Kinh tế năm 2021 của tỉnh Gia Lai gặp khá nhiều thuận lợi:

- Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ đắc lực cho các Ban Chỉ đạo tỉnh và cấp huyện trong quá trình tổ chức triển khai thưc hiện cuộc Tổng điều tra. Đặc biệt là có sự lãnh đạo UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành của tỉnh, nhất là Cục Thuế tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư...

- Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra với nhiều hình thức, nhiều đối tượng tham gia tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai thực hiện cuộc Tổng điều tra tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố. 

- Cuộc Tổng điều tra được Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện quan tâm chỉ đạo ngay từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2.

- Đối với khối sự nghiệp, việc thu thập thập thông tin qua hình thức tự kê khai trên Web form được thực hiện tương đối khá thuận lợi.

- Lực lượng điều tra viên phần lớn là những người còn trẻ tuổi, có trình độ và người tại địa phương nên rất thuận lợi trong việc tiếp thu nghiệp vụ điều tra, sử dụng thông thạo phần mềm CAPI và thông thuộc địa bàn điều tra, dễ dàng tiếp cận đối tượng điều tra và thu thập thập thông tin điều tra được thuận lợi.

- Các điều tra viên đều được tham gia tập huấn đầy đủ nghiệp vụ điều tra và cách sử dụng phần mềm CaPI. Nhiều điều tra viên cũng đã từng tham gia rất nhiều các cuộc điều tra của ngành Thống kê và cũng khá thành thạo việc sử dụng phần mềm Capi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn như:

- Đối với giai đoạn 1:

+ Các đơn vị hiệp hội việc thu thập thông tin qua hình thức tự kê khai trên Web form không thuận lợi. Vì đa số các đơn vị hiệp hội có nhiều người lớn tuổi, thời gian làm việc không ít, không thường xuyên, tại nơi làm việc không có máy vi tính…
 
+ Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc tự cung cấp trên Webfrom, 01 kế toán làm quá nhiều doanh nghiệp nên còn chậm trễ trong việc tự kê khai thông tin.  

+ Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động không ổn định, không có kế toán theo dõi sổ sách, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn việc tự kê khai thông tin.

+ Nhiều doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký trụ sở hoạt động trên giấy phép kinh doanh không chính xác, đồng thời không thông tin liên lạc để hướng dẫn việc kê khai thông tin.

+ Hiện tượng nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng thực tế không hoạt động SXKD mà chỉ duy trì đóng thuế môn bài để làm hợp đồng mắc điện 3 pha phục vụ mục đích tưới tiêu cây trồng của hộ nên không phát sinh doanh thu và chi phí.

+ Đối với những doanh nghiệp đã thay đổi nhiều lần địa chỉ kinh doanh nên điều tra viên rất khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp.

+- Nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác, nhất là những doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ,… nên điều tra viên phải mất nhiều thời gian liên hệ, trao đổi nhiều lần mới đồng ý kê khai thông tin.

+ Dù đã được hướng dẫn rất kỹ nhưng doanh nghiệp kê khai thông tin vẫn còn sai sót nên việc liên lạc lại nhiều lần với doanh nghiệp để hỗ trợ sửa lỗi thông tin lại rất khó khăn hơn.

- Đối với giai đoạn 2:

+ Tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.

+ Đối tượng thu thập thập tin là các cơ sở SXKD cá thể nên việc tiếp cận để phỏng vấn thông tin cũng có nhiều khó khăn hơn, nhất là khu vực các chợ. Các chỉ tiêu thu thập như doanh thu, chi phí, giá vốn… rất khó khai thác được thông tin chính xác.

+ Một cơ sở có thể kinh doanh đa ngành nghề nên việc xác định đủ ngành nghề SXKD và tra cứu đúng mã ngành, mã sản phẩm đối với các điều tra viên trong những ngày đầu rất lúng túng và khó khăn.

+ Một số điều tra viên chưa linh hoạt trong cách hỏi thông tin nên dẫn đến đối tượng điều tra khó hiểu được câu hỏi làm kéo dài thời gian hoàn thành việc thu thập thông tin tại cơ sở.

+ Điều tra viên lần đầu tiếp cận mã ngành SXKD, mã sản phẩm sản xuất nên còn rất bỡ ngỡ./.
                                                            BN (tổng hợp theo nguồn của Cục Thống kê tỉnh Gia Lai)

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top