Giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

24/03/2021 - 04:10 PM

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò trung tâm trong ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách song việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đòi hòi thời gian tới tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp.

Hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Việt Nam là nước có nền nông nghiệp lâu đời với 63,2% dân cư ở khu vực nông thôn và 17,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2020 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Việc các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng KHCN vào giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… đang được xem là xu hướng tất yếu, là hướng đi cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

                                                                                            Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nắm bắt xu hướng và xác định hướng đi cho nông nghiệp, hơn 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: Nghị định số 41/2010/ NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với việc cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm đột phá mới trong cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: Doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70%-80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính… Cùng với các chính sách cho vay vốn tín dụng với mức ưu đãi, mạng lưới tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân cho vay nông nghiệp nông thôn đã bao phủ rộng khắp cả nước với trên 80 tổ chức tín dụng và gần 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi… song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 10/2020 đạt trên 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó có 27.000 tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; 5,5 nghìn tỷ đồng cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp bình quân là 19,8%.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, Chính phủ cũng dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ năng suất chất lượng nông sản; thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra, các chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp cũng được thực thi. Thông qua Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", ngành nông nghiệp đã triển khai đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Sau khi học nghề, lao động nông thôn đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất, nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3-4 lần trước đây.

Việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nhiều doanh nghiệp chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng bảo vệ sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh; ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất… Qua đó đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, xuất khẩu nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, thủy sản đạt 8,4 tỷ USD.

Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp. Theo Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, các tiến bộ về KHCN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%). Hiện, cả nước mới có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vì vậy dư địa phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam còn rất lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư phát triển trong tương lai.

Giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 1

                                                                                        Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mặc dù hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, song các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thời gian qua vẫn còn gặp không ít thách thức như: Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu; doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng; việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các tổ chức tín dụng thời gian qua gặp nhiều khó khăn; thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KHCN theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; nguồn nhân lực còn hạn chế.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để hỗ trợ doanh nghiệp đưa công nghệ cao vào nền nông nghiệp truyền thống thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất để thu hút các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, trong đó đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín, mang tính bền vững; đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai; đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hai là, tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay, phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay; bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ba là, nghiên cứu phương án lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao từ đó tìm ra các phương pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và phù hợp. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ phí bảo lãnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy thêm các doanh nghiệp tham gia vào ngành nghề nhiều rủi ro này.

Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường cho sản phẩm nông sản công nghệ cao. Thay đổi tư duy sản xuất hướng tới sự phù hợp với điều kiện của địa phương và người sản xuất, người đầu tư. Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cần được định danh cụ thể, có tiêu chuẩn phù hợp với địa phương, với người nông dân. Nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ doanh nghiệp biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích, doanh nghiệp mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) và chương trình canh tác lúa cải tiến vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP...; tăng cường thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

Minh Thư


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top