Giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

24/01/2022 - 12:11 PM
Trong vòng 2 năm qua, 4 đợt dịch Covid-19 liên tiếp đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với những khó khăn chưa từng có, thậm chí nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng kiệt quệ với nguy cơ phá sản. Để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với dịch bệnh, duy trì và phục hồi sản xuất, hàng loạt chính sách đã được ban hành mà gần đây là Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhằm “hồi sức” cho doanh nghiệp trước những tổn thất nặng nề do tác động của đại dịch gây ra.
 
Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ
 
Sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức đóng góp tổng sản phẩm trong nước của khu vực tư nhân liên tục tăng qua các năm, từ 371.000 tỉ đồng năm 2005 lên 2 triệu tỉ đồng vào năm 2018. Tỷ lệ đóng góp GDP của tư nhân giai đoạn 2005 – 2018 đạt 40-45%, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19
 
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những thành quả và nguồn lực mà nhiều thế hệ dày công tích luỹ đang đứng trước nguy cơ bị phá huỷ khi hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng kiệt quệ qua bốn đợt sóng Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay.

Báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng Chín có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Giới chuyên gia nhận định, dịch bệnh đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện tại; việc siết chặt đi lại của người lao động khiến cho sản xuất không diễn ra bình thường được; Chuỗi cung ứng bị đứt gãy cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Việc giãn cách để phòng chống COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, doanh nghiệp mất bị hợp đồng…

Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với các khó khăn lớn. Việc cố gắng duy trì sản xuất đã dẫn đến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Tác động tiêu cực từ đại dịch khiến nhiều hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

Hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp đang bị giảm sút một cách nghiêm trọng. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu khả năng thanh khoản và mất khả năng thanh toán. 94% các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh ở những mức độ khác nhau. Ngay cả các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, cố gắng cầm cự duy trì sản xuất kinh doanh cũng chỉ hoạt động được khoảng 10-15 % công suất, ít doanh nghiệp đạt được 30 % công suất vì không thể chịu được các chi phí, các doanh nghiệp nói chung rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Đại diện cho các doanh nghiệp Việt, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, doanh thu giảm mạnh, trong khi chi phí vẫn tăng đang bào mòn nguồn lực tài chính được tích lũy nhiều năm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp trong ngành càng sản xuất càng lỗ đã buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là "vô cùng nhiều, vô cùng lớn”. Theo đó, VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cả nước để báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với bối cảnh ảm đạm như hiện nay, khi "cơn cuồng phong" đại dịch đang đe doạ phá huỷ những thành quả và vị thế mà khu vực tư nhân đã vất vả gây dựng trong suốt mấy thập kỉ vừa qua.

Chính phủ tiếp sức cho doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ phù hợp


Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ đã đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Đây là các chính sách khá trúng và tương đối kịp thời. Các giải pháp, chính sách trên đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ổn định xã hội, duy trì phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Cụ thể, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh chính sách an sinh xã hội, Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp như miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất. Điển hình là Nghị định 52/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/4/2021 về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021. Quy mô giãn nộp thuế khoảng 115.000 tỷ đồng. Ðây là lần thứ ba Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 quy định một số giải pháp khá quyết liệt nhằm bảo vệ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nghị quyết phát huy vai trò chung của Nhà nước, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

Đặc biệt, gần đây Chính phủ có ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết này được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là giải pháp mạnh để tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các chính sách để thích ứng với đại dịch COVID-19: chủ động các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là về chuỗi cung ứng, về nguyên liệu đầu vào do có nguy cơ tăng giá thị trường các yếu tố sản xuất; Quan tâm đến trách nhiệm theo pháp luật đảm bảo quyền lợi/sức khỏe của người lao động, chú trọng cả khía cạnh an sinh xã hội gia đình người lao động; có trách nhiệm xã hội trong các hoạt động cộng đồng như hợp tác công tư trong xây dựng các khu đô thị, khu giãn dân dành cho người lao động...

Hy vọng rằng, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh và doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay./.

 
ThS. Lê Thị Huyền Trang
Học viện Ngân hàng
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top